Nhà báo Hoàng Hàm và hơn thế nữa...

Con người luôn cần thiết phải có cả sự tự rèn và giữ mình nữa, để khi nhắm mắt xuôi tay, được là Con Người từng sống trên cõi nhân gian này.

Ông Hoàng Văn Hàm là một trong những nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam đầu tiên tôi biết. Trong khu tập thể 128C Đại La, nhà ông sát tường nhà ông chú ruột tôi. Thi thoảng ông sang nhà chú tôi uống nước, đôi khi làm chén rượu. Tôi về Đài là do chính ông Hoàng Hàm kiểm tra khả năng báo chí và quyết định nhận. Ấy là cuối năm 1987. Phải nói rằng, đây là cơ chế tuyển hay, nếu đơn vị sử dụng trực tiếp tuyển, sẽ chọn được người theo yêu cầu của mình, nhưng với điều kiện, người tuyển dụng phải công tâm.

Ông Hoàng Hàm, hàng thứ nhất, đầu tiên từ trái sang trong bức hình chụp cùng các cán bộ trong Ban.

Ông Hàm cho phép tôi theo chuyến công tác của nhóm phóng viên phòng Nông nghiệp tới hợp tác xã Hợp Thịnh, giáp thị xã Vĩnh Yên, nơi có phòng trào đưa cây ngô đông xuống đồng và cũng là đơn vị rất thân thiết với Đài. Sản phẩm chuyến đi ấy của tôi là câu chuyện truyền thanh, thời lượng 30 phút, phát trên chương trình Nông nghiệp. Kiểm tra và nhận tôi, nhưng chín năm sau, tôi mới được làm “lính” của ông, khi ông là Chánh Văn phòng Đài trở về Ban Kinh Tế. Sau này có dịp hỏi, nếu hồi đó tôi không đạt, ông có nhận không? Không - ông trả lời vậy. Việc đã xong cả chục năm rồi, giá như tôi, để lấy lòng người hỏi, sẽ trả lời ngược lại.

Là Trưởng phòng Nông nghiệp vào thời kỳ tiền Đổi mới và Đổi mới, biết bao vấn đề, đặc biệt là trong nông nghiệp: Khoán hộ (Khoán chui), rồi Chỉ thị 100 (Khoán sản phẩm), Nghị quyết 10 (Khoán gọn),… ông đã chỉ đạo, huy động phóng viên bám sát, phản ánh kịp thời các vấn đề đang đặt ra. Phóng viên dưới quyền được ông phát hiện, khuyến khích, động viên,… góp phần tạo ra những cây viết cự phách một thời, như nhà báo Trần Sơn Ngọc, Trương Hữu Lợi, Hồ Khánh Thiện,… Những chương trình, chuyên mục và các bài viết của họ không chỉ tạo nên sự danh giá của Phòng, Ban, Đài, mà còn gây tiếng vang trong báo giới.

Chín năm làm Chánh Văn phòng, rồi quay về Ban Kinh tế và trở lại Văn phòng, mọi việc qua tay ông đều nhanh gọn, nhẹ nhàng, làm mà cứ như không, công việc chạy thoăn thoắt. Ông Hàm tính quảng giao, công tâm. Hồi là sếp của tôi, Trưởng ban Kinh tế, ông chỉ đạo nhanh, đúng và sát; duyệt bài, bắt vở và đã sửa là chính xác, lính tráng chịu cứng. Quả không hổ danh dân học sinh giỏi cấp Miền Bắc. Bởi thế, từ miền quê nghèo vùng Quan họ: xã Đại Đồng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, chàng thanh niên Hoàng Văn Hàm mới thuộc diện sinh viên du học ở Triều Tiên.

Cuộc đời phóng viên và quan chức của ông khá hanh thông. Ba mươi hai tuổi, Trưởng phòng Nông nghiệp, một trong những phòng danh giá của Đài; bốn mươi tuổi Chánh Văn phòng Đài. Song cuộc sống riêng tư cũng có đôi điều không vui. Âu cũng là số phận của cái tuổi Mậu Tý (1948), chưa kể còn hoàn cảnh khó khăn một thời tác động.

Xin kể lại cuộc sống thời bao cấp, lại vừa bước ra từ chiến tranh chung mà ông và gia đình ông, cũng như mọi người từng sống. Thời bao cấp ấy, hàng xóm nhà ông, một nghệ sỹ nổi tiếng, có chiếc ti vi. Con ông nghịch quá, nên nhà họ đóng cửa, không cho vào xem. Con về mách bố, ông Hàm nghĩ thương con, quyết tâm mua cái ti vi cho con xem. Làm báo, mà không thể kiếm tiền bằng nghề, ông phải chọn “con đường lợn”. Ông nuôi lợn trong căn phòng tập thể trên tầng hai nhà A2, khu 128C Đại La.

Về chuyện nuôi lợn để mua ti vi của nhà ông Hàm cũng lắm điều để kể. Lần đầu nuôi một con được sáu mươi cân, đem bán, thiếu một ít, chưa đủ tiền mua ti vi. Vợ chồng bảo nhau, nuôi lứa tiếp. Con thứ hai nặng bảy mươi cân. Xuất chuồng, lúc này giá ti vi tăng, lại thiếu một tẹo. Nuôi đến con thứ ba, vẫn vậy, vẫn chưa đủ tiền mua nổi cái ti vi đen trắng cho con xem.

Con đường nuôi lợn không thể sắm nổi ti vi và cải thiện đời sống gia đình, ông Hàm quyết định chuyển đổi sang nghề dệt. Bán con lợn, ông mua chiếc máy dệt len và đi học dệt. Lúc này ông là Trưởng phòng Nông nghiệp. Đã tính đi học, không phải học nghề cho mình, mà để về hướng dẫn cho bà vợ nhà báo thành ra cô thợ dệt áo len. Còn với mình, ông đã có hướng khác. Một người bạn mách nước, tách gạn bạc từ ni tơ rát bạc trong dung dịch nước tráng rửa ảnh. Ông có thể dùng kiến thức hóa học tu nghiệp mấy năm ở Triều Tiên ra áp dụng.

Những ngày bình thường trong tuần, ông Hoàng Hàm phải đi làm báo trên cơ quan. Chỉ có chiều muộn thứ Bảy và Chủ nhật, ông mới có thời gian xách can đến các hiệu ảnh thu gom, mua lại nước tráng rửa phim, ảnh. Nghề mới thu nhập được. Hành nghề chừng ba, bốn tháng, thông tin tách, gạn bạc của ông loang ra, không còn là bí mật nữa, có người biết, bắt chước cách thức làm ăn của ông. Thứ Bảy, Chủ nhật ông xách can đến các hiệu ảnh, người ta đã thu gom trước, hết rồi. Ông Hàm đâm ra mất mối nghề.

Cái máy dệt len, bà vợ nhà báo sử dụng chưa thành thạo. Nhiều hôm đang viết bài, bà cứ bảo ông ra hướng dẫn. Thế thì còn tư duy bài vở, báo chí tuyên truyền định hướng cho nông dân sản xuất, làm ăn gì nữa. Rồi hàng hóa ế ẩm, đổ ở chợ kiếm chẳng được bao nhiêu, dệt len chả hơn mấy nuôi lợn. Ông quyết định giải thể nghề dệt, bán tống bán tháo chiếc máy dệt len đi. Lúc này, nhà ông vẫn chưa mua được ti vi.

Thời điểm ấy nhiều gia đình dùng ti vi. Dùng nhiều, nhu cầu sửa chữa sẽ lớn. Đây là cơ hội kiếm ăn được. Nhà báo tư duy vốn nhanh nhạy, ông Hàm quyết định đi học sửa chữa ti vi. Ông Hàm học nhanh và hành nghề cũng nhanh. Cái ti vi đầu tiên của nhà ông là từ sát xi Néptuyn cũ, tức bộ khung ti vi, còn đèn hình đã cháy, ông mua đèn hình mới lắp vào. Giá thành của nó là ba mươi lăm nghìn đồng, thời giá giữa thập niên tám mươi. Sau này cái ti vi Sanyo cửa lùa danh giá, mà nhà ông dùng nhiều năm, là mua lại của một đơn vị quân đội. Nó hỏng lâu ngày, đơn vị kia thanh lý. Vì có nghề, ông tới xem, thấy bóng hình còn lành lặn, mua lại. Về ông sửa chữa, nghiễm nhiên nhà có cái ti vi oách để coi. Còn cái Néptuyn cũ, bà vợ bán đi, dôi ra hai mươi lăm ngàn đồng. Thật sung sướng, cất kỹ tiền rồi, vợ chồng vẫn còn sung sướng!

Nghề sửa chữa ti vi kiếm ăn được, là nguồn thu nhập khá của gia đình. Ông Hoàng Hàm hành nghề sửa ti vi khá lâu dài và thành ra thợ cứng. Lúc là Chánh Văn phòng, ông vẫn còn kiêm thợ sửa ti vi, tối tối xách đồ nghề đi chữa máy. Thời ấy, kiểu dạng hành nghề như ông không phải là trường hợp hiếm hoi. Bởi từng có những vị giáo sư kiêm nuôi lợn ở ngay trong căn phòng tập thể nhà mình. Đến tận năm 1993, ông Hàm mới dừng nghề thợ thuyền sửa chữa ti vi.

Ông nhà báo không sống nổi bằng nghiệp báo, phải nuôi lợn. Làm công tác tuyên truyền sản xuất nông nghiệp cho nông dân, nhưng nhà mình nuôi lợn không xong. Là kỹ sư hóa, du học tận nước ngoài, không hành nổi nghề hóa, phải chạy sang sửa chữa ti vi. Từng ấy nghề mới mua nổi cái ti vi cũ cho vợ con xem. Kể cũng buồn - chuyện một thời.

Khi nghỉ hưu rồi, cuối năm 2011, một đơn vị của Đài tặng ông Hàm cặp vé máy bay khứ hồi đi Buôn Ma Thuột, tôi được tháp tùng ông. Ấy cũng là chuyến chơi xa cuối cùng của ông Hàm. Vài tháng sau, ông vĩnh viễn ra đi, ngày 27/3/2012. Nghe tin ông mất, tôi có bài viết về ông. Tường Thanh Phương, nhân viên Văn phòng của ông Hàm, có lời bình về thủ trưởng, xin trích lại đôi dòng:

“Anh Hoàng Hàm là sếp cũ của em. Thời gian được làm lính anh ấy ba năm, em thấy sếp sống quần chúng, tình cảm và đàng hoàng. Anh là lãnh đạo có tầm, có tâm. Mọi người đều chung nhận xét: Anh là một người tốt, sống rất thật lòng!”

Âu cũng là cái mong, điều ước và phải có cả sự tự rèn giữ mình nữa, để khi nhắm mắt xuôi tay, ông Hoàng Văn Hàm được là Con Người từng sống trên cõi nhân gian này!/.

Nguyễn Trọng Huân/VOV GT

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/dau-an-vov/nha-bao-hoang-ham-va-hon-the-nua-592317.vov