Nguyễn Trí - Hành trình phi thường của một người viết

'Độc giả của tôi trung bình chỉ khoảng 400 - 500 người cho một đầu sách, nhưng tôi cần phải viết. Với tôi, viết là sống' - nhà văn Nguyễn Trí nói với tôi như vậy trong cuộc hội ngộ gần đây nhất của chúng tôi vào tháng 11.2023 ở Hà Nội.

Trong cuộc trò chuyện dài nhiều giờ đồng hồ về nghề viết, nhà văn Nguyễn Trí rất ít cười, gương mặt lộ rõ vẻ suy tư, nhưng cặp mắt của ông sáng lên, thứ ánh sáng mãnh liệt của một người đã dấn mình vào biển cả văn chương, suốt đời lặn ngụp với nó, và sẽ không con sóng nào có thể dập tắt được.

Có lẽ ánh sáng đam mê cùng với sự can đảm, kỷ luật của một người viết đã tiếp thêm nghị lực cho nhà văn 67 tuổi chưa từng được đào tạo bài bản về văn chương: trong 10 năm qua, Nguyễn Trí đã cho ra đời 20 đầu sách và hiện có 3 bản thảo tiểu thuyết và 5 tập truyện ngắn chưa in. Các tác phẩm của ông tập trung vào thân phận những người cùng cực - những người ít xuất hiện trong văn học và ít được văn học tôn vinh - đã được trao nhiều giải thưởng như Giải thưởng năm 2013 của Hội Nhà văn Việt Nam cho tập truyện ngắn Bãi vàng, đá quý, trầm hương; giải Nhất cuộc thi viết về đề tài công nhân cho tiểu thuyết mới nhất Hoa xương rồng (2023).

Tôi bắt đầu đọc tác phẩm của Nguyễn Trí vào năm 2013, trước khi tập truyện ngắn đầu tay của ông, Bãi vàng, đá quý, trầm hương, vượt qua trên dưới 200 tác phẩm được đề cử để đoạt giải thưởng văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam với số phiếu tuyệt đối 9/9 của các thành viên hội đồng chung khảo. Trước đó, dù đã ấn tượng với các truyện ngắn của ông đăng rải rác trên các báo, nhưng khi đọc Bãi vàng, đá quý, trầm hương, tôi không khỏi bất ngờ vì chất sống căng chật từng trang viết của ông. Sau này tôi mới biết những truyện ngắn trong quyển sách này, dù viết về những nhân vật giang hồ, dân đào vàng nơi rừng thiêng nước độc, những người công nhân đầu tắt mặt tối của các khu công nghiệp miền Đông Nam bộ… đều lấy cảm hứng từ chính cuộc đời của tác giả.

Nhà văn Nguyễn Trí qua nét vẽ họa sĩ Lê Sa Long.

Khác với nhiều nhà văn khác, Nguyễn Trí từng phải lăn lộn và “ngoi lên từ dưới đáy xã hội” (như tựa đề một tiểu thuyết của ông). Trước đó, để kiếm sống, ông đã phải bôn ba qua rất nhiều nghề: nấu rượu, nhảy tàu, đồ tể, đi tìm vàng, khai thác đá quý, trầm hương, chặt củi, đốt than, thợ mộc, thợ nề, xe ôm, công nhân, làm mướn, và cả nghề dạy tiếng Anh “bồi”.

“Vì tôi đã ở dưới đáy xã hội nên tôi cần viết về những người từng ở dưới đáy”, Nguyễn Trí nói với tôi như vậy. Đọc các trang viết của Nguyễn Trí, ta không khỏi bùi ngùi, đau xót và cảm thông cho những phận người bị cuộc đời vùi dập. Đó là những người con lai Việt Mỹ, những gái làng chơi, những người nghiện… Qua ngòi bút của Nguyễn Trí, các nhân vật hiện lên với tính người đầy đủ nhất, họ không chỉ là nạn nhân mà còn là những con người biết phản kháng và tìm lối thoát cho mình. Với văn phong đời thường, không hoa mỹ, Nguyễn Trí phơi bày sự bộn bề của xã hội Việt Nam và đặt câu hỏi cho người đọc: liệu chúng ta có thể làm gì cho xã hội này công bằng hơn, tốt đẹp hơn?

Nhiều nhà văn có được cơ duyên chọn nghề viết nhưng với Nguyễn Trí, có lẽ văn chương chọn ông. Từ nhỏ, ông say mê đọc sách nhưng cha ông cấm cản vì cho rằng những quyển tiểu thuyết sẽ khiến con trai mình mơ mộng hão huyền. Rồi những biến cố lịch sử ập đến khiến ông phải lang bạt khắp đồng bằng từ miền Trung đến miền Ðông Nam bộ. Tưởng những vòng quay khắc nghiệt của cơm áo gạo tiền sẽ kéo Nguyễn Trí rời xa văn chương, nhưng không, trong những ngày tháng nhọc nhằn và đau khổ nhất, Nguyễn Trí thấy mình cần phải cầm bút lên và viết.

“Ngày xưa mỗi khi anh Trí viết gì, tôi lại xé” - bà Lương Thị Hồng, vợ nhà văn đã nói với tôi như vậy. “Tôi xé vì thấy sau một ngày dài làm lụng chân tay vô cùng khổ cực, anh ấy không chịu nghỉ ngơi mà ngồi viết cho tới 2 giờ sáng. Thương chồng, lo anh ấy đổ bệnh, tôi không muốn anh ấy dồn tâm sức của mình cho những trang viết mà không biết để làm gì”.

“Thế khi nào chị cho anh ấy viết?”, tôi hỏi.

“Từ ngày 14.10.2009, khi con gái của chúng tôi bị người ta đâm chết. Lúc đó, anh ấy suy sụp lắm. Anh ấy bỏ rượu và lao vào viết. Tôi không thể ngăn anh ấy nữa vì tôi nhận ra rằng những trang viết là nơi anh ấy có thể trút nỗi buồn và đau khổ”.

Dù hơn 13 năm đã trôi qua, nhưng khi nhắc tới người con gái xấu số, gương mặt của nhà văn Nguyễn Trí và vợ ông đều hằn những nét đớn đau. Cô con gái hiếu thảo, đứa con mà họ đã gửi gắm biết bao hoài bão, ước mơ, được đặt cho một cái tên rất đẹp - Nguyễn Thanh Tuyền - khi ấy mới 20 tuổi đã bị giết hại trong một vụ xô xát ở khu công nghiệp Nhơn Trạch. Trước đó, người con trai cả của ông bà đã sa ngã, nghiện ngập. Gia đình làm đủ cách để kéo con trai khỏi guồng quay của ma túy, nhưng không thể, nên phải đưa con vào trại cai nghiện. Trong khi vừa phải thăm nuôi con trai, vừa phải chăm sóc hai cháu nội còn rất nhỏ, thì con gái Thanh Tuyền bị giết hại. Khi nghe hung tin, ông đã ngất xỉu vì ngày hôm đó ông vừa nói chuyện với con, vừa đưa cho con những đồng tiền lương ít ỏi của mình.

Nhà văn Nguyễn Trí trò chuyện với các độc giả nhỏ tuổi. Ảnh: NVCC

Trong bóng tối của sự cùng quẫn, đau khổ đó, Nguyễn Trí đã vịn vào tình người trong những trang sách mà ông từng đọc và từng viết để đứng dậy. Với tấm lòng của một người cha, ông đã hai lần ra tòa xin giảm án cho hung thủ đâm chết con mình. Trước đó, ông đến thăm hung thủ ở bệnh viện và động lòng vì thấy cô gái trẻ sinh con trong tù và phải nuôi con nhỏ trong hoàn cảnh tù đày. Ông tâm sự: "Bước vô, tôi thấy chân con nhỏ bị còng vô dây, đầu kia của dây buộc lên phía trên để đi lại được nhưng không trốn thoát ra ngoài được. Ðứa con mới đầy tháng nằm trên võng, dây cột võng được buộc theo kiểu rất chặt của công an để con nhỏ không tháo dây tự tử được. Nhìn cảnh đó lòng tôi nhũn xuống...".

Khác với nhiều tác giả có cơ hội tung tẩy và bay bổng cùng văn chương, Nguyễn Trí viết để vượt qua đau khổ, viết để trải bầu tâm sự, viết để tự chữa lành.

Sau khi hoàn thành các truyện ngắn đầu tay, không biết làm thế nào để đăng báo, ông đã liên lạc với nhà văn Hồ Anh Thái vì nghe nói nhà văn này rất hay giúp đỡ, giới thiệu những tác giả mới. Ông vui mừng khi Hồ Anh Thái nhiệt tình đón nhận các truyện ngắn đầu tay của mình, giúp biên tập rồi gửi in ở các báo. Chính nhà văn Hồ Anh Thái cũng giúp ông tập hợp các truyện ngắn đã viết thành tuyển tập Bãi vàng, đá quý, trầm hương và giới thiệu bản thảo với NXB Trẻ, để rồi sau khi in, quyển sách đã được vinh danh với Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013.

Có lẽ vì thấu hiểu giá trị của tình đồng nghiệp trong thế giới văn chương vốn nhiều ganh ghét, tị hiềm, Nguyễn Trí thường là “đại sứ” cho các tác phẩm văn học của các nhà văn khác. Ông thường xuyên quảng bá tác phẩm văn học mà mình yêu thích với bạn đọc. Nhiều năm qua, ông không những chỉ giới thiệu mà còn bán hộ những tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Quang Tấn, người hết lòng cho văn chương, vừa vượt qua bạo bệnh và đang phải đương đầu với khối u gan.

Kể từ khi được trao giải thưởng cho tập truyện ngắn đầu tay, Nguyễn Trí càng cật lực cho nghề viết. Ông viết để sống, để thoát nghèo, trả nợ, và nuôi hai cháu nội ăn học. Ông tâm niệm văn chương không phải là cuộc rong chơi mà là một nghề nghiêm túc, đòi hỏi tính kỷ luật và sự tập trung cao. Vì thế mỗi ngày làm việc, ông tắt điện thoại lúc 7 giờ tối, đi ngủ rồi thức dậy lúc 2 giờ sáng và viết.

“Sao anh không ngủ vào ban đêm cho ngon giấc rồi có sức để viết vào ban ngày?”, tôi hỏi. Nguyễn Trí lắc đầu và cho biết khi viết giữa đêm khuya, ông cô đơn hơn, và có thể nghe rõ ý nghĩ của mình từ sâu thẳm của sự tĩnh lặng. Về đêm, ông không bị ai quấy rầy. Chỉ có ông với các nhân vật của mình, nơi đó ông thả sức sáng tạo.

“Tôi đặt cho mình tiêu chí phải viết ít nhất 2.000 từ mỗi đêm, và dừng lại khi đã viết 80% mạch viết”- Ông chia sẻ - “Tôi cần giữ lại 20% mạch viết để ngày hôm sau có thể khởi đầu trong tâm trạng có nhiều cảm hứng. Điều bất hạnh nhất đối với một nhà văn là không có gì trong đầu cả”. Để có nhiều chữ trong đầu, Nguyễn Trí không chỉ hồi tưởng, tư duy, mà còn đọc rất nhiều và đọc rất kỹ. Khi tôi hỏi về các tác giả, tác phẩm mà ông yêu thích, ông hào hứng kể, và nhớ rất chi tiết nội dung của nhiều tác phẩm. Ông coi việc đọc là công việc quan trọng của một nhà văn bởi nó giúp duy trì tình yêu với văn chương, đồng thời giúp tiếp thu được những kỹ năng, những trào lưu trong văn học. Trân trọng công sức lao động của nghề cầm bút, ông luôn mua sách để ủng hộ các nhà văn, và không bao giờ nhận sách tặng.

Nguyễn Trí tâm sự ông cần phải sống được bằng nghề viết. Những năm trước, ông có nguồn nhuận bút từ việc đăng báo các truyện ngắn, nhưng với việc khai tử nhiều tờ báo giấy, nguồn thu ấy hiện rất hạn hẹp. Vì thế, ông bắt buộc phải tìm kiếm các cuộc thi với hy vọng chạm đến giải thưởng. “Khi biết tin cuộc thi về đề tài công nhân với giải thưởng lên đến 300 triệu đồng, tôi nói với vợ tôi rằng tôi cần tham gia để có tiền trả nợ. Hiện tôi nợ 150 triệu đồng, chi phí cho cuộc phẫu thuật tim vừa qua”. Ông đã làm việc ngày đêm để hoàn thành 4 tác phẩm dự thi (hai tiểu thuyết và hai truyện ngắn). Trong số đó, tiểu thuyết Hoa xương rồng - tác phẩm dựa trên trải nghiệm của gia đình ông trong thời gian làm công nhân khu công nghiệp, ông bị tai nạn nằm viện, vợ ông phải đi vay tiền xã hội đen, con gái ông phải bỏ học - đã được trao giải Nhất. Ông cho biết: “Tác phẩm này, tôi viết rất nhanh, chỉ 35 ngày để hoàn tất. Nhưng mỗi tình tiết, mỗi con chữ đều đánh đổi bằng máu, bằng nước mắt”.

Hiện nay nhà văn Nguyễn Trí có thể dùng tiền thưởng để trả nợ và trang trải chi phí trong gia đình. Nhưng trong tương lai, ông vẫn phải đương đầu với bài toán làm thế nào để tác phẩm đến được nhiều hơn với bạn đọc. Ông vẫn phải tự in, tự bán tác phẩm của mình. “Tôi dùng trang facebook để bán sách. Thường tôi chỉ bán được 400 - 500 cuốn một đầu sách. Vậy là độc giả của tôi trung bình chỉ khoảng 400 - 500 người. Quá ít với một đất nước 100 triệu dân, đúng không cô?”, ông nói với tôi.

Vợ chồng nhà văn Nguyễn Trí - Lương Thị Hồng, bà là người hỗ trợ đắc lực cho công việc viết văn của ông. Ảnh: NVCC

Trò chuyện với nhà văn Nguyễn Trí, tôi canh cánh với việc phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam. Tôi ước ao rằng giống như ở các nước tôi đã đi qua, những người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng sẽ lập ra những câu lạc bộ đọc sách và giới thiệu các quyển sách hay. Tôi ước ao rằng người Việt cũng khoe các quyển sách yêu thích của họ thường xuyên như khoe sự thành đạt của con cái, những chiếc xe, những ngôi nhà, mảnh đất mới tậu được. Tôi cũng ước ao rằng đất nước chúng ta có những quỹ hỗ trợ văn học để nhà văn có thể gửi đề án sáng tác của mình, nhận được tài trợ để có thể tập trung thời gian cho công việc nghiên cứu, thu thập thông tin và sáng tác.

Từng không ủng hộ việc viết lách của chồng, vợ ông hiện là người hỗ trợ đắc lực cho công việc của nhà văn Nguyễn Trí. Bà chăm sóc, động viên chồng theo đuổi đam mê. “Trong nhà tôi dành ra một phòng riêng để anh ấy viết” - Bà kể - “Ở đó có rất nhiều sách vở, ghi chép cùng rất nhiều mẩu giấy với dòng chữ anh Trí viết vội khi một ý tưởng hay thoáng qua đầu. Dù đôi khi muốn dọn dẹp cho ngăn nắp, nhưng tôi không dám đụng vào vì sợ sẽ làm xê dịch tài liệu, anh ấy lại mất thời gian tìm kiếm”.

Trong 10 năm qua, Nguyễn Trí đã trải qua một hành trình phi thường của một người cầm bút. Ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị, chuyển tải những thông điệp quan trọng về tình người và hy vọng. Tác phẩm của ông tôn vinh thân phận những con người “ở dưới đáy xã hội” - những câu chuyện ấy cần được lắng nghe và chia sẻ trong hành trình vươn tới một xã hội công bằng và tốt đẹp hơn.

Mùa xuân đang tới, tôi hy vọng những tác phẩm của Nguyễn Trí sẽ tiếp tục nở hoa, hương thơm của chúng sẽ tỏa lan đến được với nhiều bạn đọc.

Nhà văn Nguyễn Trí sinh năm 1956 tại Bình Định, hiện sống tại Long Thành, Đồng Nai. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông: Bãi vàng, đá quý, trầm hương; Đồ tể; Thiên đường ảo vọng; Ảo và sợ; Bay cao thì mặc bay cao; Tuổi thơ không có cánh diều; Ngoi lên từ đáy; Ma lực của cội nguồn; Trên đồi đất đỏ; Bụi đời và thục nữ; Diều hâu; Bên kia của ánh sáng; Ma bùn lưu manh và những câu chuyện khác

Ông đã được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013 cho Bãi vàng, đá quý, trầm hương; giải B cuộc thi “Vì an ninh Tổ quốc” cho tiểu thuyết Diều hâu; giải Tư cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 5 (2016 - 2019) cho Bụi đời và thục nữ, cùng nhiều giải thưởng khác.

Nguyễn Phan Quế Mai

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nguyen-tri-hanh-trinh-phi-thuong-cua-mot-nguoi-viet-42552.html