Nguyễn Đức Nghĩa đã "hết sĩ diện"!

- Chỉ còn ít hôm nữa phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án "xác không đầu" sẽ được tiến hành. Việc Nguyễn Đức Nghĩa kháng cáo một số tình tiết trong bản án nhằm giảm tội, trong khi trước đó không lâu, chính Nghĩa đã từng thừa nhận tội ác và chấp nhận mức mình phạt cao nhất, đã khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng. Tuy nhiên, theo Thượng tá, TS Nguyễn Văn Nhật, Giám đốc Trung tâm Tội phạm học (Học viện Cảnh sát nhân dân), thì việc Nguyễn Đức Nghĩa kháng cáo rất hợp quy luật tâm lý tội phạm...

Theo TS Nhật, dù phiên phúc thẩm tòa giữ nguyên mức án thì Nghĩa vẫn sẽ “kháng cự” đến cùng để có thể kéo dài cuộc sống tù tội của mình. Trước phiên tòa phúc thẩm Nguyễn Đức Nghĩa, ai cũng biết Nghĩa khó thoát án tử hình, bởi những chứng cứ buộc tội Nghĩa đã rất rõ ràng. Nhưng điều mà dư luận quan tâm là bị cáo đã kháng cáo, vì trước đó, Nghĩa đã thừa nhận tất cả tội trạng và đón nhận cái chết như một kết cục tất yếu. Nghĩa từng nói rằng, với tội ác hắn đã gây ra thì “chết cũng chưa hết tội”. Về sự kiện này, TS Nguyễn Văn Nhật, chuyên gia tâm lý tội phạm hàng đầu Việt Nam cho biết: Việc kháng cáo của Nghĩa và việc hắn "thất hứa" với chính lời hứa của mình không phải là một hành động tráo trở, mà đó là một hành động phù hợp với quy luật tâm lý tội phạm. TS Nhật cho biết: Tính ích kỷ chính là động cơ chính của hành động giết người của Nguyễn Đức Nghĩa. Sau khi giết người, Nghĩa đã phạm tội ác man rợ. Nhưng động cơ phanh thây người tình của Nghĩa là để phi tang và trốn tránh. Ngay cả hành động cướp của cũng là để phi tang và trốn tránh. Nhưng hành vi của nghĩa đã phạm tội giết người cướp của man rợ, không chối cãi được. Việc Nghĩa dũng cảm nhận mọi tội trạng, kể cả cái chết thể hiện tâm lý iêng hùng của một tên tội phạm lì lợm, đã chai lì về mặt tình cảm. Tuy nhiên, sau một thời gian bị giam giữ, được gia đình khuyên can và bạn tù tác động, Nghĩa lại phản cung. Hành động phản cung của Nguyễn Đức Nghĩa được tiến sỹ Nhật cho đó là bản năng tự vệ của một người trước khi chết. Theo TS Nhật, việc Nghĩa tự thất hứa với lời hứa của mình là một hành động buông xuôi. Giờ đây Nghĩa không quan tâm đến cái gì xảy ra trước đó. Tính sĩ diện và iêng hung của Nghĩa giờ cũng không còn nữa. TS Nhật cho rằng, việc Nguyễn Đức Nghĩa nhận hết tội trạng ở phiên sơ thẩm chỉ vì hắn còn một chút sĩ diện với bạn gái Hoàng Thị Yến. Thế nhưng, trong suốt phiên sơ thẩm, thấy Yến quá lạnh lùng đã khiến Nghĩa hụt hẫng. “Tôi xem đi xem lại đoạn băng ở phiên tòa sơ thẩm. Trước khi kết thúc tôi nghĩ cả hai thể nào cũng ôm nhau một cái. Bởi, giữa lúc vĩnh biệt không bao giờ gặp lại, người ta có thể có những tình cảm đặc biệt. Nhưng cả hai đều lạnh lùng, hụt hẫng, không hề có sự quyến luyến tình cảm. Có thể Nghĩa nghĩ việc cơ quan điều tra bắt được hắn là do lời khai của Yến. Vì thế, Nghĩa không còn gì để sĩ diện nữa. Chính vì không còn gì để sĩ diện, lại đứng giữa sự sống và cái chết nên Nghĩa đã thay đổi, tìm cách kéo dài cuộc sống” - TS Nguyễn Văn Nhật nói. Theo TS Nhật, ngay cả khi Tòa phúc thẩm tuyên chết thì Nghĩa vẫn cứ kháng cáo. Thậm chí, giả sử khi Chủ tịch nước bác ân xá thì Nghĩa vẫn sẽ tìm mọi cách, sẽ “kháng cự” đến cùng để kéo dài cuộc sống. "Xét về góc độ luật pháp, việc tù nhân tìm cách kéo dài cuộc sống không sai. Nhưng, trước những chứng cớ đã rất rõ ràng, Nghĩa khó có thể thoát án tử hình..." - TS Nhật cho biết. Nguyễn Tuyến

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/xahoi/201010/Nguyen-duc-Nghia-da-het-si-dien-939230/