Nguyên đơn kiện sàn vàng ACB thua kiện

(SGGP).- Ngày 31-10, phiên xử sơ thẩm vụ một khách hàng kiện đòi Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, trụ sở tại quận 3 TPHCM) bồi thường thiệt hại phát sinh từ các giao dịch kinh doanh vàng “ảo” trên sàn vàng của ACB đã kết thúc.

(SGGP).- Ngày 31-10, phiên xử sơ thẩm vụ một khách hàng kiện đòi Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, trụ sở tại quận 3 TPHCM) bồi thường thiệt hại phát sinh từ các giao dịch kinh doanh vàng “ảo” trên sàn vàng của ACB đã kết thúc.

Nhận định rằng các nội dung khởi kiện của nguyên đơn Trần Trọng Nghĩa (SN 1973, ngụ quận Phú Nhuận) không có cơ sở hoặc đã hết thời hiệu khởi kiện, hội đồng xét xử tuyên không chấp nhận các yêu cầu của nguyên đơn, buộc nguyên đơn chịu án phí hơn 358 triệu đồng.

Theo đơn kiện của ông Nghĩa, ông có ký hợp đồng giao dịch vàng với ACB để kinh doanh trên sàn vàng. Vào sáng 24-12-2007, ông đặt lệnh bán 3.000 lượng vàng với giá 15.690.000 đồng/lượng, nhưng nhân viên của ACB báo rằng chỉ khớp được 150 lượng vàng, do vậy ông đặt lệnh hủy 2.850 lượng chưa khớp và đặt tiếp lệnh bán số vàng này với giá đã giảm, chỉ còn 15.660.000 đồng/lượng. Đến cuối giờ chiều, ông mới biết nhân viên của ACB đã nhầm lẫn, thật ra số vàng đã khớp lệnh bán là 2.850 lượng chứ không phải 150 lượng. Vì bị thông báo nhầm lẫn, ông đặt lệnh bán khống 2.850 lượng vàng khiến tài khoản của ông bị âm 2.700 lượng vàng. Sau đó, với lý do ông Nghĩa không đến ký lại hợp đồng dù đã được thông báo, ACB từ chối thực hiện lệnh giao dịch của ông. Khi vàng xuống giá, tỷ lệ ký quỹ của ông Nghĩa rớt xuống dưới quy định và ACB tự ý bán 3.000 lượng vàng của ông để thu hồi nợ.

Ông Nghĩa cho rằng qua hai vụ việc trên, ACB gây thiệt hại cho ông hàng ngàn lượng vàng. Sau khi cấn trừ 146 tỷ đồng đã nhận, ông đề nghị hội đồng xét xử buộc ACB bồi thường cho ông hơn 250 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo hội đồng xét xử, giao dịch giữa ông Nghĩa với ACB diễn ra vào các ngày 24-12-2007, 27-3-2008, 28-3-2008, 1-4-2008; vì vậy đến ngày 5-10-2011 ông Nghĩa mới yêu cầu tòa án tuyên bố là các giao dịch dân sự này vô hiệu thì đã quá thời hiệu 2 năm kể từ ngày giao dịch được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự. Đối với việc ACB bán 3.000 lượng vàng của ông Nghĩa để thu hồi nợ, hội đồng xét xử cho rằng ACB không có lỗi do tỷ lệ nợ của ông Nghĩa đã vượt quá hạn mức quy định. Không đồng ý với phán quyết này, ông Nghĩa cho biết sẽ làm đơn kháng cáo.

A.CHÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/phapluat/2011/10/272094/