Nguy hiểm 'chủ nghĩa thờ ơ chính trị'

Trong nhiều trường hợp, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,'tự diễn biến','tự chuyển hóa' trong nội bộ hiện nay có sự liên quan nhất định đến những biểu hiện của 'chủ nghĩa thờ ơ chính trị'.

"Chủ nghĩa thờ ơ chính trị" là một khuynh hướng trong tư tưởng chính trị, đồng thời cũng là một "căn bệnh", xét dưới góc độ tính nguy hại và tốc độ lây lan của nó. Thuật ngữ “chủ nghĩa thờ ơ chính trị” được C.Mác dùng để chỉ khuynh hướng xem nhẹ, thậm chí phủ định các hình thức đấu tranh của giai cấp công nhân ngay trong chính phong trào công nhân. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, trong tất cả các hình thức và các giai đoạn đấu tranh của giai cấp công nhân chống lại giai cấp tư sản và chế độ tư bản, những người cộng sản đều phải nắm lấy, tiến hành cuộc đấu tranh trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng... như một phần không thể tách rời của cuộc đấu tranh giai cấp. Có thể thấy, ngay từ khi ra đời cho đến nay, giai cấp công nhân đã và đang thường xuyên tiến hành cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản và các thế lực bóc lột một cách vô cùng quyết liệt.

Tuy nhiên, cũng ngay từ đầu cả về lý luận và thực tiễn đã xuất hiện trào lưu coi nhẹ, thậm chí phủ định vai trò của đấu tranh giai cấp. Mỗi lần, những người theo "chủ nghĩa thờ ơ chính trị" thường đưa ra những lý thuyết mơ hồ, lập luận suy diễn, ru ngủ phong trào đấu tranh của công nhân. Cuối cùng theo họ, giai cấp công nhân nên khoanh tay đứng nhìn và không nên lãng phí thời gian vào việc tham gia các phong trào đấu tranh.

Ở Việt Nam hiện nay, "chủ nghĩa thờ ơ chính trị" còn biểu hiện khá phổ biến với mức độ, tính chất và sự ảnh hưởng khác nhau. Biểu hiện rõ nhất là ở trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Những biểu hiện chủ yếu trước hết là không quan tâm hoặc coi nhẹ việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng, Công đoàn. Đồng thời, trong quá trình hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư, đã xuất hiện xu hướng đề cao hợp tác, hợp tác bằng mọi giá mà dẫn đến mất cảnh giác, lơ là đấu tranh, từng bước thỏa hiệp vô nguyên tắc. Hơn nữa, những vi phạm đến lợi ích của quốc gia, dân tộc không nhận thức được hoặc nhận thức được nhưng không giải quyết kịp thời.

Như vậy, thực chất của "chủ nghĩa thờ ơ chính trị" là đi ngược lại, có tính chất phủ định những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin. Hậu quả của "chủ nghĩa thờ ơ chính trị" là làm cho một bộ phận công nhân xa rời mục tiêu lý tưởng; từng bước làm phai nhạt bản chất cách mạng của giai cấp công nhân; gây sự chia rẽ, hoài nghi giữa công nhân trong khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với công nhân trong các khu vực kinh tế khác...

Tất nhiên, trong quan hệ với giới chủ, những người công nhân trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là những người làm thuê, nhưng trong mối quan hệ với toàn bộ giai cấp công nhân Việt Nam, họ là bộ phận không tách rời của giai cấp đã làm chủ tư liệu sản xuất, làm chủ xã hội. Vì vậy, họ là giai cấp lãnh đạo xã hội thông qua Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh “kinh tế tư nhân là động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”, vai trò của đội ngũ công nhân trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài càng được nâng lên. Do đó, công tác xây dựng Đảng, Công đoàn trong các doanh nghiệp rất cần sự quan tâm hơn nữa của Đảng, Nhà nước, tổ chức Công đoàn cùng các tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Phải từng bước ngăn ngừa, khắc phục, đẩy lùi "chủ nghĩa thờ ơ chính trị" đã và đang xuất hiện một cách vô tình hay cố ý.

Góp phần tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, đồng thời phát huy bản chất ưu việt của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đang xây dựng, hơn bao giờ hết, chúng ta cần nhận thức rõ bản chất, đấu tranh vạch trần, lên án những biểu hiện của “chủ nghĩa thờ ơ chính trị”, kiên quyết không để nó có thể “lây lan” trở thành căn bệnh nguy hiểm tàn phá lĩnh vực tư tưởng lý luận, cũng như toàn bộ đời sống tinh thần của xã hội.

Đảng, Nhà nước cần có biện pháp hiệu quả để đấu tranh, khắc phục những biểu hiện của "chủ nghĩa thờ ơ chính trị" trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cần nghiên cứu một cách khoa học, sát với thực tiễn để xây dựng tổ chức cơ sở đảng, Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội ở các loại hình doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Trong công tác xây dựng Đảng và tổ chức Công đoàn ở khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, cần chọn cử và quản lý chặt chẽ cán bộ phụ trách, nhất là quản lý về tư tưởng chính trị, đạo đức để họ thực sự là người đại diện tin cậy, người bảo vệ lợi ích chính đáng của đội ngũ công nhân và người lao động. Bên cạnh đó, xử lý nghiêm những hành vi xâm phạm đến lợi ích chính đáng, hợp pháp của công nhân, người lao động, làm tổn hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc...

TS. PHẠM XUÂN THIÊN
Trưởng Khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị tỉnh Hải Dương

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/goc-nhin/nguy-hiem-chu-nghia-tho-o-chinh-tri-238835