Nguy cơ tuyệt chủng ếch vì món ăn khoái khẩu của người Pháp

Hơn 500 nhà vận động bảo vệ môi trường đã cảnh báo tổng thống Pháp về sự thịnh hành của món cuisses de grenouille (chân ếch) có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của một số loài ếch.

Trong bức thư ngỏ viết cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ ra rằng mỗi năm có 4.070 tấn chân ếch đông lạnh được nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) - tương đương 80-200 triệu con ếch, tùy thuộc vào kích cỡ của loài, CNN đưa tin.

Tổ chức phi lợi nhuận Robin des Bois (Pháp) và tổ chức từ thiện Pro Wildlife (Đức) qua nghiên cứu đã xác định được riêng nước Pháp đã tiêu thụ đến hơn 3.000 tấn chân ếch đông lạnh mỗi năm.

Chính vì vậy, 557 nhà vận động bảo vệ môi trường đã kêu gọi Pháp phải gánh vác trách nhiệm bảo vệ các loài ếch, vì nước này tiêu thụ nhiều chân ếch nhất EU.

Nguồn cung cấp chân ếch chủ yến đến từ Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Albania - nơi một số loài ếch ngoài tự nhiên đang suy giảm số lượng đáng kể.

Các nhà bảo tồn động vật và nhà khoa học Pháp đề nghị tzổng thống Pháp thắt chặt quy định nhập khẩu ếch để bảo vệ giống loài và hệ sinh thái các nước. Ảnh: Telegraph.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy một số loài ếch phổ biến như ếch ăn cua hay ếch đồng lúa đang bị suy giảm do "săn bắt thương mại và sự xuất khẩu mạnh mẽ suốt nhiều năm".

Quy định cấm săn bắt ếch vì mục đích thương mại chỉ áp dụng cho các quần thể ếch có nguồn gốc từ EU. Vì vậy, những loài nhập khẩu không nhận được sự bảo vệ này.

Sandra Altherr - người đứng đầu bộ phận khoa học tại Pro Wildlife - chia sẻ với truyền thông: “Thật vô lý! Quần thể ếch tự nhiên ở châu Âu được bảo vệ theo luật pháp EU. Nhưng EU lại dung túng cho việc săn bắt và nhập khẩu hàng triệu động vật này ở các quốc gia khác - ngay cả khi điều này đe dọa đến quần thể ếch ở đó. Điều này hoàn toàn không phù hợp với chiến lược đa dạng sinh học mà EU mới đề ra".

Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ thú y vì Đa dạng sinh học Pháp - Alain Moussu - chia sẻ rằng các bác sĩ thú y đều đồng lòng ký tên vào thư ngỏ này vì họ lo ngại tình trạng mất cân bằng sinh thái do sự suy giảm của quần thể lưỡng cư.

Moussu cho rằng một trong những sự mất cân bằng sinh thái này là do sự gia tăng số lượng muỗi, điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Thư ngỏ đề nghị Pháp xây dựng các đề xuất để bảo vệ các loài ếch đang bị suy giảm, đồng thời chính phủ Pháp cũng phải đảm bảo việc giám sát, quản lý tính bền vững của các hoạt động buôn bán chân ếch được điều chỉnh bởi các quy tắc thương mại quốc tế.

Mai Bình

Nguồn Znews: https://znews.vn/mon-chan-ech-cua-nguoi-phap-de-doa-su-ton-tai-cua-cac-loai-ech-post1465109.html