Nguy cơ thất truyền hát giao duyên trên vịnh Hạ Long

Được chuyển lên bờ sinh sống ổn định, nhiều cư dân làng chài trên vịnh Hạ Long vẫn đau đáu nhớ, nuối tiếc văn hóa làng chài thủy cư dần mai một.

Còn đâu những câu hát giao duyên trên vịnh?

Tháng 8/2022, PV Báo Giao thông đến khu tái định cư làng chài tại khu 8, phường Hà Phong, TP Hạ Long và ghi nhận những căn nhà khang trang xây san sát trong một khu đất rộng gần 8ha, các công trình giao thông, điện chiếu sáng, trường học, nhà văn hóa, điểm thu gom rác thải... được xây dựng, bố trí đầy đủ, hợp lý.

Hạ tầng giao thông ở khu tái định cư cơ bản được đầu tư hoàn thiện

Hạ tầng giao thông ở khu tái định cư cơ bản được đầu tư hoàn thiện

Ông Lê Hồng Hải, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hà Phong, TP Hạ Long phấn khởi khoe: Khu vực tái định cư làng chài hiện có 354 hộ với 1.705 nhân khẩu. Sau 7 năm lên bờ, cuộc sống của các hộ dân đã ổn định.

Toàn khu có 529 phương tiện thủy với công suất từ 5CV trở lên để làm ăn trên biển và các công việc khác trên bờ. Hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống như điện, giao thông, trường học đều đảm bảo, nên bà con ai cũng yên tâm gắn bó với vùng đất mới.

Cụ Đỗ Thị Nhân (83 tuổi, trú khu 8) cho hay: "Nhà tôi nhiều thế hệ sống tại làng chài Vạn Giá ở vịnh Hạ Long. Từ ngày lên bờ sinh sống, cả nhà an tâm hơn nhiều, mừng nhất là con trẻ đều được đến lớp, không mù chữ giống như cha, ông..."

Một buổi biểu diễn của cư dân làng chài trên vịnh Hạ Long (ảnh tư liệu)

Một buổi biểu diễn của cư dân làng chài trên vịnh Hạ Long (ảnh tư liệu)

Mừng với cuộc sống mới, nhưng cụ Nhân vẫn đau đáu nhớ về những ngày vui hát xướng ở làng chài. Ngày ấy ở dưới sông, cứ cưới, hỏi, ngày lễ đầu năm là cả làng tổ chức hội diễn xướng.

"Đến khi du lịch phát triển, làng nào cũng mở sân khấu để diễn phục vụ khách du lịch. Vì thế thu nhập của bà con rất cao, có ngày lên tới gần 1 triệu đồng. Bà con vui vì không chỉ có thu nhập khi diễn phục vụ khách mà còn vui vì đang góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa mà cha, ông truyền lại...", cụ Nhân cho hay.

Từ ngày lên bờ, không còn được tham gia, được dự các hội diễn xướng, cụ Nhân vừa buồn vừa lo. Lo vì cứ đà này, nhất là khi những người biết hát xướng, quen hát xướng già đi, thì nguy cơ thất truyền những câu hát giao duyên trên vịnh.

Cụ Nhân và cụ Nữ xem lại bức ảnh diễn xướng trên vịnh Hạ Long

Cụ Nhân và cụ Nữ xem lại bức ảnh diễn xướng trên vịnh Hạ Long

Chung tâm trạng, cụ Nguyễn Thị Nữ, 83 tuổi, nguyên là cư dân làng chài Vông Viên thì bộc bạch: Lên bờ thì không còn phải sống lênh đênh ở trên vịnh với khó khăn, thiếu thốn đủ bề và hiểm nguy luôn rình rập lúc giông bão. Nhưng từ lúc lên bờ, chẳng mấy ai còn tụ tập hát xướng, hát giao duyên nữa.

Lý giải lý do bà con không còn tụ tập hát xướng, giao duyên, cụ Nữ cho hay, do hát xướng, giao duyên thường tổ chức trên thuyền, giữa khung cảnh sông nước hữu tình.

"Giờ lên bờ, mỗi người một công việc khác nhau, quan trọng nhất không có không gian thích hợp để tổ chức các hoạt động văn nghệ như vậy. Lo nhất là sau này, giới trẻ không còn biết hát giao duyên, hát xướng nữa", cụ Nữ nói.

Cụ Nguyễn Thị Nhân đang hoài niệm bên những tấm hình về một thời mình tham gia diễn xướng phục vụ du khách thăm quan vịnh Hạ Long.

Cụ Nguyễn Thị Nhân đang hoài niệm bên những tấm hình về một thời mình tham gia diễn xướng phục vụ du khách thăm quan vịnh Hạ Long.

Được biết, tháng 11/2017, UBND TP Hạ Long đã ban hành kế hoạch bảo tồn và phát huy một số giá trị văn hóa tiêu biểu của làng chài trên vịnh Hạ Long nhằm phát huy bền vững, tránh làm mai một giá trị văn hóa tiêu biểu và tạo sản phẩm du lịch độc đáo nhằm thu hút và kéo dài thời gian tham quan của khách du lịch trên vịnh Hạ Long.

Tổng kinh phí kế hoạch dự kiến vào khoảng trên 1.698 tỷ đồng, triển khai tại khu vực Cửa Vạn trên vịnh Hạ Long và khu tái định cư Cái Xà Cong, phường Hà Phong, TP Hạ Long.

Khu vực Trung tâm văn hóa Cửa Vạn khách vắng vẻ, không có hoạt động biểu diễn

Khu vực Trung tâm văn hóa Cửa Vạn khách vắng vẻ, không có hoạt động biểu diễn

Nhưng đến thời điểm hiện tại, kế hoạch này dường như vẫn "dậm chân tại chỗ". Thực tế tại Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn, các hạng mục tuy đã được đầu tư, nhưng đều đã xuống cấp và vắng khách qua lại. Còn tại một số làng chài trước đây hiện là vùng neo, đậu của nhà bè nuôi thủy sản không phép.

Khôi phục để tăng thêm sức hút cho vịnh Hạ Long

Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long, cho biết: Kế hoạch bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của bà con làng chài được cơ quan chức năng phối hợp xây dựng trong giai đoạn 5 năm một lần.

"Ở giai đoạn 2017-2022, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên chưa có nhiều kinh phí để triển khai. Hiện nay, cơ quan chức năng đã và đang xây dựng kế hoạch bảo tồn cho giai đoạn tiếp theo", ông Huỳnh thông tin.

Làng chài Cửa Vạn vốn là quần cư của hàng trăm hộ ngư dân và là "cái nôi" của văn hóa dân gian trong lòng vịnh Hạ Long, giờ giăng kín nhiều lồng bè trái phép

Làng chài Cửa Vạn vốn là quần cư của hàng trăm hộ ngư dân và là "cái nôi" của văn hóa dân gian trong lòng vịnh Hạ Long, giờ giăng kín nhiều lồng bè trái phép

Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh thì cho rằng: Giá trị vịnh Hạ Long là địa hình, địa mạo và giá trị văn hóa. Trong đó, giá trị văn hóa phi vật thể ở các làng chài và các nghệ nhân dân gian với những làn điệu hát giao duyên trên những con thuyền.

"Vịnh Hạ Long là tài sản văn hóa độc đáo của nhân loại. Tuy nhiên, du lịch ở vịnh Hạ Long hiện còn khá đơn điệu. Nếu chỉ đưa khách đi thăm mấy hòn đá, ngắm mấy hang động thì sẽ nhàm chán, thậm chí có người chỉ đến một lần và không muốn đến nữa", ông Vinh nhìn nhận.

Theo ông Vinh, để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vịnh Hạ Long, ngành du lịch, địa phương quản lý cần có sự kết hợp với các tổ chức chuyên ngành để đổi mới tuyên truyền. Đặc biệt, là cần có các hình ảnh bằng phim, ảnh, có các hoạt động trình diễn nghệ thuật cổ truyền của người dân làng chài, như hát giao duyên, hát đối, kể truyện truyền tích dân gian trên biển, câu cá, chèo thuyền… để thu hút du khách.

"Muốn làm được điều đó, cơ quan chức năng cần có nhận thức đúng đắn về giá trị văn hóa dân gian của cư dân nơi đây để có chế độ đãi ngộ hợp lý đối với những người có công lưu giữ, biểu diễn, truyền dạy", ông Vinh kiến nghị.

Quang Minh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nguy-co-mai-mot-nhung-cau-hat-giao-duyen-tren-vinh-ha-long-d564313.html