Nguy cơ siêu nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi

Năm 2023, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi (SPCN) của Việt Nam là 3,53 tỷ USD. Ngoài nhập khẩu chính ngạch, còn một khối lượng rất lớn vật nuôi và SPCN nhập lậu theo đường tiểu ngạch. Trong khi đó, xuất khẩu chỉ đạt 515 ngàn USD. Với tình trạng này, khi các dòng thuế quan các SPCN nhập khẩu về mức 0% thì Việt Nam có thể trở thành nước siêu nhập khẩu các SPCN.

Trang trại chăn nuôi heo tại huyện Thống Nhất. Ảnh: Bình Nguyên

Vừa qua, 4 hiệp hội gồm: Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Thức ăn gia súc Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam và Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam đã gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội kiến nghị về những bất cập, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi. Một trong những nội dung quan trọng là kiến nghị kiểm soát chặt nhập khẩu SPCN.

* Nhập siêu SPCN

Việt Nam đang là nước nhập siêu các SPCN. Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, lượng heo nhập khẩu hiện đạt gần 400 ngàn tấn/năm, chiếm trên 10% lượng thịt heo sản xuất trong nước. Gia cầm nhập trên 350 ngàn tấn/năm, chiếm tới 25-27% so với sản xuất trong nước. Tương tự, nhập khẩu thịt trâu, bò cũng tăng mạnh. Không chỉ nhập thịt và phụ phẩm móng vó, tim, nội tạng… ở dạng đông lạnh, lượng bò sống nhập từ Australia về khoảng 500 ngàn con/năm. Ngoài ra, còn có một lượng lớn vật nuôi sống như: heo, trâu, bò… nhập khẩu tiểu ngạch không thống kê được.

Điều đáng báo động là tình trạng nhập khẩu rất nhiều SPCN thải loại ở các nước về làm thực phẩm. Điển hình, gà đẻ loại thải (gà hết chu kỳ khai thác trứng) của Thái Lan, Hàn Quốc không dùng làm thực phẩm nên xuất sang Việt Nam với giá rất rẻ. Loại gà này được tiêm nhiều loại vaccine, uống kháng sinh để phòng và trị bệnh, thường tồn dư nhiều loại thuốc, khi đem làm thực phẩm sẽ không đảm bảo an toàn. Tương tự như gia cầm, sản phẩm thịt heo nhập khẩu cũng phần lớn là thứ phẩm của lò mổ như: nội tạng, đầu, móng giò… Bên cạnh đó, tình trạng nhập lậu các SPCN cũng đang tăng nhanh.

SPCN trong nước ở thế yếu khi cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu giá rẻ là một trong những nguyên nhân chính khiến thời gian qua, người chăn nuôi lao đao vì SPCN bán ra với giá rẻ, thậm chí có giai đoạn bị dội chợ vì nguồn cung lớn hơn cầu. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, giá các SPCN tiếp tục ở mức thấp. Ngay cả thời điểm Tết Nguyên đán 2024, các SPCN không xuất hiện tình trạng giá cao như mọi năm. Đến nay, giá heo hơi vẫn ở mức 56-58 ngàn đồng/kg, gà ta lông màu từ 40-42 ngàn đồng/kg, gà công nghiệp giá từ 25-26 ngàn đồng/kg…

Thời gian qua, không ít trang trại, hộ chăn nuôi không trụ được phải bỏ nghề, vì càng nuôi càng lỗ.

Đồng Nai có tổng đàn chăn nuôi lớn với hơn 2,27 triệu con heo và hơn 22,6 triệu con gia cầm. Vì thế, người chăn nuôi trong tỉnh cũng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn các địa phương khác vì việc nhập khẩu nhiều SPCN.

Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán cho biết, đợt dịch tả heo châu Phi trước đây đã gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. Tiếp đến, đại dịch Covid-19 khiến giá nguyên liệu thức ăn tăng, thị trường tiêu thụ giảm, SPCN bán dưới giá thành sản xuất. Do đó, hàng loạt hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không trụ được đã bỏ nghề, vì càng nuôi càng lỗ. Với tình hình giá thức ăn chăn nuôi vẫn tiếp tục ở mức cao và nhiều chi phí phát sinh, sức tiêu thụ của thị trường vẫn chậm sẽ tiếp tục là nguyên nhân khiến người chăn nuôi đối mặt với nguy cơ phá sản.

* Kiến nghị kiểm soát chặt nhập khẩu

Kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu SPCN là nội dung quan trọng trong kiến nghị của 4 hiệp hội: Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Thức ăn gia súc Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam và Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam gửi lên Chính phủ.

Đa dạng các loại thịt nhập khẩu được bán tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố Biên Hòa.

Nội dung kiến nghị chỉ ra, các quy định về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của nước ta chưa chặt chẽ, còn nhiều lỗ hổng. Trong khi đó, để xuất khẩu được sản phẩm thịt, trứng gia cầm, Việt Nam phải chịu nhiều rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt tại các nước nhập khẩu, khiến các mặt hàng SPCN của nước ta đang bị yếu thế và thiệt thòi ngay trên sân nhà.

Việc nhập khẩu ồ ạt các SPCN vào nước ta đang là vấn đề hệ trọng, gây ra nhiều rủi ro, hệ lụy như: gây lan truyền dịch bệnh, nhất là những dịch bệnh nguy hiểm; gây áp lực cạnh tranh không công bằng với các SPCN trong nước. Vì SPCN nhập khẩu chính ngạch hiện nay phần lớn là thứ phẩm mà ở các nước họ ít dùng làm thực phẩm như: đầu, cổ, cánh, tim, cật, lòng mề, gà đẻ và bò sữa thải loại…; chưa kể đó còn là các loại thực phẩm đã gần hết hạn sử dụng nên có giá rất rẻ. Từ đó, gây rủi ro lớn về chất lượng và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, nhất là ở khu vực bếp ăn tập thể cho học sinh, quân nhân, công nhân.

Một trong những nội dung kiến nghị được nhấn mạnh là tình trạng nhập siêu SPCN làm mất cơ hội và động lực đầu tư của doanh nghiệp, người chăn nuôi trong nước và về lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia. Với tốc độ nhập khẩu như hiện nay, chỉ 3-5 năm tới, khi các dòng thuế quan các SPCN nhập khẩu về mức 0% thì Việt Nam sẽ trở thành nước siêu nhập khẩu các SPCN. Nhà nước cần có chính sách và thời gian để người chăn nuôi và doanh nghiệp trong nước có thể thích nghi được.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202403/nguy-co-sieu-nhap-khau-cac-san-pham-chan-nuoi-a9c5b7a/