Nguy cơ lỗ nặng vì nuôi cá theo ‘chuẩn’

Dù đã nuôi cá tra theo tiêu chuẩn SQF (Safe Quality Food – thực phẩm an toàn, chất lượng), người nuôi cá vẫn đang đối diện với cảnh bị đội giá thành do giá thức ăn và nhiều chi phí khác tăng cao, bị doanh nghiệp chế biến thủy sản ép giá...

Sau một năm triển khai mô hình nuôi cá theo tiêu chuẩn SQF, nhiều người nuôi cá tra ở Tiền Giang đã chuyển tâm trạng từ vui mừng sang thất vọng vì phải đối mặt với nguy cơ lỗ nặng. Cá chuẩn, giá không chuẩn Theo ông Nguyễn Minh Châu, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Tiền Giang, nếu tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật và được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn SQF 1000, các sản phẩm từ cá tra sẽ có nhiều thuận lợi để vượt qua những rào cản kỹ thuật trên thị trường thế giới, tăng kim ngạch xuất khẩu. Dù vậy, hiện tại, hơn 50% diện tích ao của HTX thủy sản Hòa Hưng, từng nuôi theo tiêu chuẩn SQF 1000CM, đang trong tình trạng “treo ao”. Theo ông Lê Thanh Dung, Chủ nhiệm HTX thủy sản Hòa Hưng, nguyên nhân là do giá thức ăn tăng liên tục, chi phí cho nuôi cá SQF rất tốn kém... nhưng giá bán giữa cá nuôi theo SQF với cá nuôi theo phương thức truyền thống đều ngang nhau. Anh Huỳnh Văn Tiềm, cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH Thanh Tuấn (xã An Thái Trung, huyện Cái Bè), cho biết: ao cá gần 10.000 m2 của công ty sắp thu hoạch với sản lượng khoảng 200 tấn, chất lượng cá rất tốt vì nuôi đúng “chuẩn”. Thế nhưng nhà máy chỉ chịu mua 15.500 đồng một kg, bằng với giá cá nuôi thông thường. “Do giá thức ăn tăng mạnh nên giá thành 1 kg cá hiện lên đến 17.500 đồng. Nếu bán theo giá nhà máy đưa ra, mỗi kg cá chúng tôi lỗ 2.000 đồng và bán hết 200 tấn cá sẽ lỗ 400 triệu đồng”. Bó tay khi doanh nghiệp chèn ép “Vừa qua, nhân viên một công ty đến ký hợp đồng và hẹn cân cá trước ngày 30/4 nhưng đến giữa tháng 5, họ mới đến cân. Họ “quy” cá của tôi vào diện quá lứa để hạ giá mua. Chưa hết, công ty còn ép giá bằng cách chê thịt cá đỏ, vàng… dù tôi nuôi theo đúng quy trình SQF”, bà Lê Thị A, xã viên HTX thủy sản Hòa Hưng, than. Về điều này, ông Lê Thanh Dung cho rằng, xã viên nuôi theo cá quy trình SQF nhưng đầu ra lại phụ thuộc vào doanh nghiệp bên ngoài nên HTX không thể giúp gì dù biết họ bị ép giá. “Chúng tôi đã cố gắng tìm đối tác để liên kết tìm đầu ra cho cá tra SQF nhưng chưa có kết quả”, ông Dung phân trần. Trong khi đó, ông Phan Hữu Hội, Phó chi cục trưởng thủy sản Tiền Giang, cho biết, đã đề xuất phương án mời Viện thủy sản 2 hoặc ĐH Cần Thơ đứng ra làm “trọng tài” trong cuộc tranh cãi thịt cá đỏ, vàng giữa doanh nghiệp và người nuôi nhưng đến nay vẫn chưa được trả lời cụ thể. “Cái chính là vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong “liên kết 4 nhà” để tạo đầu ra cho sản phẩm cá tra. Chúng tôi đã từng khuyến cáo người dân nên nuôi cá theo hợp đồng và có ràng buộc pháp lý hẳn hoi để hạn chế tình trạng bị doanh nghiệp ép giá. Nếu không thì sẽ không còn ai mặn mà với chuyện nuôi cá theo chuẩn SQF”, ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Tiền Giang, nói với Đất Việt. Châu Thành

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/kinhte/Nguy-co-lo-nang-vi-nuoi-ca-theo-chuan/20106/100028.datviet