Nguy cơ lây nhiễm dịch CGC từ chim

* Thêm 2 tỉnh phát hiện chim “dính” virus H5N1

Tại cuộc họp BCĐ quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm (CGC) hôm qua, ông Đàm Xuân Thành – Phó Cục trưởng Cục Thú y khẳng định, kết quả xét nghiệm mới nhất ở một số đàn chim yến nuôi tại Bình Thuận đã phát hiện chim yến bị bệnh do nhiễm virus CGC H5N1.

Ngoài ra, Cục cũng vừa kiểm tra xét nghiệm một số cơ sở nuôi chim trĩ ở Tiền Giang phát hiện thấy chim trĩ ở đây bị nhiễm virus CGC H5N1. Trước đó, Cục Thú y đã xét nghiệm các mẫu vật của một đàn chim yến tại tỉnh Ninh Thuận đã phát hiện đàn chim này bị nhiễm virus H5N1. Như vậy, hiện đã có 3 tỉnh gồm Ninh Thuận, Bình Thuận và Tiền Giang phát hiện chim nuôi bị nhiễm virus H5N1.

Cục Thú y cảnh báo, diễn biến dịch CGC trên chim hiện rất phức tạp, đặc biệt là trên chim yến và chim trĩ, khả năng lây lan sang chim hoang dã cũng rất cao. Do đặc thù chim nuôi thường bay kiếm mồi ở rất xa nên nguy cơ mang theo mầm bệnh rất cao. Trước tình hình này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám yêu cầu trong ngày hôm nay (17/4), Cục Thú y và Cục Chăn nuôi nhanh chóng hoàn tất nội dung, trình Bộ NN-PTNT thông tư hướng dẫn nuôi chim yến để Bộ sớm ban hành. Đồng thời, Bộ NN-PTNT sẽ lập tức có công điện yêu cầu về phòng chống CGC trên đàn chim yến đối với các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào.

Liên quan đến tình hình kiểm soát và ngăn chặn virus H7N9 xâm nhập vào nước ta, Cục Thú y cho biết, vừa thực hiện lấy mẫu và xét nghiệm 151 mẫu gia cầm từ các tỉnh Lạng Sơn, Hưng Yên, Tuyên Quang, Cao Bằng. Kết quả cho thấy, 100% mẫu này đều âm tính với virus cúm A/H7N9 và cả cúm A/H5N1. Như vậy trong 2 tuần qua, cơ quan thú y không ghi nhận bất kỳ ổ dịch CGC nào trên đàn gia cầm.

Cục Thú y cũng cho biết, hiện tại Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) đã tài trợ cho Trung tâm Chẩn đoán Thú y TƯ khoản kinh phí 50.000 USD để Việt Nam khẩn cấp tiến hành giám sát phát hiện virus cúm A/H7N9 ở gia cầm nhập lậu và khoảng 60 chợ đầu mối buôn bán gia cầm trong nội địa. Hiện các khâu chuẩn bị đang được thực hiện và đã sẵn sàng cho việc xét nghiệm khoảng 3.000 mẫu. Dự kiến tới cuối tháng 4/2013, sẽ lấy được khoảng 7.200 mẫu gia cầm để xét nghiệm.

Cục Thú y cho biết thêm, theo các nghiên cứu trước đây cho thấy virus cúm A/H7N9 đã từng phát hiện ở chim hoang tại Mông Cổ và Hàn Quốc, tuy nhiên không gây độc cho chim mang mầm bệnh (chim mang virus cúm A/H7N9 không bị chết). Tuy nhiên khi lây sang người, virus H7N9 biến đổi và gây tử vong cao.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/1/1/109221/nguy-co-lay-nhiem-dich-cgc-tu-chim.aspx