Nguy cơ khủng hoảng mới giữa Ấn Độ và Pakistan

Cuộc đụng độ trên biên giới tồi tệ nhất giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại dãy Himalaya trong nhiều thập kỷ qua đến nay đã lắng xuống. Tuy nhiên, nguy cơ khủng hoảng vẫn hiển hiện đối với khu vực Nam Á, nơi hai nước láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân là Ấn Độ và Pakistan cũng luôn căng thẳng với nhau.

Tuần trước, Ấn Độ chính thức hạ cấp quan hệ với láng giềng Pakistan bằng cách giảm 50% nhân viên trong Cao ủy Ấn Độ tại Pakistan. Lần gần đây nhất Ấn Độ làm điều tương tự là năm 2001, sau một vụ tấn công vào Quốc hội Ấn Độ. Quan hệ hai nước đã bị xáo trộn kể từ khi New Delhi thu hồi quy chế đặc biệt của vùng lãnh thổ tranh chấp Jammu và Kashmir vào ngày 5-8-2019 và tăng cường trấn áp mạnh tay tại thung lũng này. Vậy đụng độ Trung-Ấn liên quan gì đến quan hệ Pakistan-Ấn Độ? Có một số lý do giải thích tại sao vụ đụng độ sẽ làm tăng khả năng của một cuộc khủng hoảng mới giữa Ấn Độ và Pakistan.

Thứ nhất: Phản ứng lặng thinh của Ấn Độ với Trung Quốc sau cuộc giao tranh tại Thung lũng Galwan đã đặt ra những câu hỏi hóc búa và những quan ngại về uy tín liên quan tới vai trò “bị thổi phồng” là đối trọng với Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các cuộc chạm trán thù địch với Trung Quốc trong năm 2017 và một lần nữa trong năm nay đã buộc giới hoạch định chính sách Ấn Độ cân nhắc về sự cần thiết phải “chung sống hòa hợp” với Trung Quốc; các hội nghị thượng đỉnh không chính thức chẳng hạn như trong năm 2018 và năm 2019 được thúc đẩy bởi sự cần thiết của chiến lược này.

Sau cuộc khủng hoảng mới nhất, các cuộc đàm phán ngoại giao và chỉ huy chiến trường giữa Bắc Kinh và New Delhi cho thấy Ấn Độ có khả năng ưu tiên một quan hệ tối thiểu với Trung Quốc trước một cuộc cạnh tranh địa chính trị rất rõ ràng trong khi hợp tác hoàn toàn với Mỹ.

Quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan lâu nay luôn trong tình trạng căng thẳng. Ảnh tư liệu

Quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan lâu nay luôn trong tình trạng căng thẳng. Ảnh tư liệu

Thứ hai, kể từ khi lên nắm quyền năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thể hiện sự sẵn sàng và năng lực để thực hiện các cam kết dân tộc ở trong nước, nhất là trên mặt trận kinh tế. Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của ông Modi đã tìm cách củng cố cơ sở chính trị của mình bằng cách tăng gấp đôi các cam kết theo chủ nghĩa dân tộc. Nghiên cứu cho thấy, các nhà lãnh đạo đang tìm cách chuyển hướng sự chú ý sang những kẻ thù truyền thống và các đối thủ lâu dài cũng như các cuộc xung đột vu hồi đặc biệt có thể xảy ra dưới hình thức tranh chấp lãnh thổ.

Do những tranh cãi về Kashmir hồi năm ngoái, các chính trị gia Ấn Độ đã quyết tâm đánh liều với quan hệ song phương khi tuyên bố ý định “giành” các khu vực hành chính của Pakistan là Azad Kashmir và Gilgit-Baltistan. Thông thường, những tuyên bố như vậy có thể được xem là “chuyện đùa”- ngoại trừ lần này, BJP cho rằng điều này nên được xem xét nghiêm túc. Quân đội Ấn Độ đã bắt đầu lên kế hoạch các cuộc pháo kích vào sâu trong các ngôi làng Kashmir để đám cháy lan rộng vào lãnh thổ do Pakistan quản lý. Tháng 5 vừa qua, sau nhiều tháng cân nhắc, Cục Khí tượng Ấn Độ đã bắt đầu liệt kê một số khu vực ở phía biên giới Pakistan vào dự báo thời tiết của mình - một diễn biến chưa từng có.

Thứ ba, trong khi mặt trận Trung-Ấn giảm nhiệt, ký ức về cuộc không chiến ngắn ngày nhưng căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan vào tháng 2 năm ngoái vẫn còn “như vừa hôm qua” ở cả Islamabad và New Delhi. Trong khi Pakistan bắn hạ một chiếc MiG-21 Bison già cỗi của Ấn Độ, bắt giữ và trao trả một phi công Ấn Độ, New Delhi tuyên bố họ đã bắn hạ một chiếc F-16 của Pakistan. Kể từ đó, đảng cánh hữu Shiv Sena của Ấn Độ đã kêu gọi “nhiều cuộc tấn công hơn nữa” nhằm vào Pakistan để củng cố sự kiểm soát của BJP đối với Kashmir.

Hơn nữa, khi các tờ báo Ấn Độ đưa tin về việc nước này đã tiêu diệt “300-400 tên khủng bố” trong một cuộc không kích vào Balakot hồi tháng 2 năm ngoái, Pakistan đã phản bác rằng các mục tiêu này “chẳng gây thiệt hại gì ngoài những tảng đá và cây cối.” Mặc dù phe đối lập Ấn Độ nhiều lần chỉ trích ông Modi về cuộc tấn công Balakot, nhưng nó đã giúp BJP giành chiến thắng bầu cử năm 2019.

Điều này dẫn đến một điểm thứ tư và rất quan trọng: Các cuộc khủng hoảng khu vực liên tiếp dưới thời BJP có nghĩa là thiệt hại nội bộ cho các nhà lãnh đạo Ấn Độ đang tăng lên, chứ không giảm đi. Trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, tổn thất của Quân đội Ấn Độ là một “cơ hội tốt” cho các chính trị gia đối lập Ấn Độ, những người đã nhanh chóng lên án BJP vì thiếu sự chuẩn bị và trong một số trường hợp đã đầu hàng hoàn toàn. Xung đột với Pakistan có thể là cứu cánh rất cần thiết cho giới truyền thông Ấn Độ mà phần lớn do đảng cầm quyền Ấn Độ kiểm soát.

Yếu tố cuối cùng giải thích lý do tại sao đối đầu Trung-Ấn có thể lan sang cả căng thẳng với Pakistan là có liên quan đến Tổng thống Mỹ Donald Trump. Những người ủng hộ một mối quan hệ Ấn-Mỹ mạnh mẽ đã vận động vất vả để phô trương một hình ảnh tích cực của mối quan hệ song phương. Tuy nhiên, trên mặt trận kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng Covid-19, cả nền kinh tế Ấn Độ và quan hệ kinh tế Mỹ-Ấn đều đi theo quỹ đạo đi xuống. Trump ít nhất từng ba lần đề nghị hòa giải cuộc xung đột Ấn Độ-Pakistan về Kashmir, và là quan chức cấp cao nhất của Mỹ làm điều đó kể từ thời Tổng thống Bill Clinton sau khi hai bên đụng độ tranh giành Kargil.

Trong khi đó, các mối quan hệ giữa Mỹ và Pakistan đã cho thấy sự ổn định trong những năm gần đây, một phần là do Pakistan tạo điều kiện giúp Mỹ đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Taliban ở Afghanistan. Việc thiếu vắng sự xác nhận bảo đảm từ Washington cho quan điểm của New Delhi về Pakistan khiến cho Ấn Độ ít an toàn hơn và có khả năng họ sẽ phải dựa vào sức mạnh của chính mình để phân định rõ lợi ích lãnh thổ và chính trị trong tương lai.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nguy-co-khung-hoang-moi-giua-an-do-va-pakistan-200086.html