Nguy cơ khủng bố rình rập nước Anh

Theo số liệu mới nhất của Trung tâm Cơ sở dữ liệu khủng bố toàn cầu (GTD), từ năm 1970, Anh có số người thiệt mạng vì khủng bố cao nhất tại Tây Âu với tổng cộng gần 4.000 nạn nhân. Nguy cơ khủng bố tại Anh trong thời điểm hiện tại cũng được đặt ở mức "nghiêm trọng" với 4 vụ tấn công khủng bố kinh hoàng trong vòng 3 tháng qua.

Từ đầu năm đến nay, thủ đô London gần như rung chuyển bởi một loạt các vụ tấn công. Gần đây nhất là vụ lao xe tải vào nhóm tín đồ Hồi giáo gần đền thờ Finsbury Park, phía Bắc thủ đô London khiến 11 người thương vong. Đó là chưa kể 5 âm mưu khủng bố khác đã được các cơ quan chức năng của Anh ngăn chặn kể từ sau vụ tấn công trên cầu Westminster hồi tháng 3.

Hiện trường vụ lao xe tải vào nhóm tín đồ Hồi giáo gần đền thờ Finsbury Park. Ảnh: AP

Trong khi đó, số đối tượng khả nghi do người dân nước này thông báo cho chương trình chống khủng bố của chính phủ đã tăng gấp đôi, kể từ sau khi xảy ra các vụ tấn công đẫm máu tại 2 thành phố London và Manchester đầu năm nay. Theo Người phát ngôn Hội đồng Cảnh sát trưởng quốc gia Anh Simon Cole, tính từ tháng 3 vừa qua - thời điểm nước Anh hứng chịu 1 trong 4 vụ tấn công kinh hoàng, chương trình mang tên “Phòng ngừa” đã được thông báo về khoảng 200 đối tượng khả nghi, tăng gấp đôi so với số liệu những tháng trước khi xảy ra các vụ khủng bố. Tính riêng trong năm ngoái, chương trình “Phòng ngừa” đã giúp lực lượng an ninh Anh ngăn chặn khoảng 150 người có ý định đến Syria để tham gia lực lượng thánh chiến tại quốc gia Trung Đông này. Khoảng 55-60% số đối tượng mà người dân phát giác đều có liên quan đến những người Anh được cho là có quan hệ với tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng.

Tuy nhiên, ông Cole cho rằng số đối tượng mà người dân trình báo cho chương trình trên vẫn khá thấp, chỉ khoảng 500 người trong cả năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 so với tổng số khoảng 6.300 đối tượng lọt vào "tầm ngắm" của các cơ quan an ninh, lực lượng cảnh sát hoặc các tổ chức khác mỗi năm.

Tờ The Guardian dẫn nguồn tin tình báo Anh nhận định, xứ sở sương mù đang gặp nguy hiểm bởi nhiều phần tử cực đoan không thể tìm đường sang Syria, bị xúi giục thực hiện các vụ tấn công ngay tại quê nhà và tình hình càng trở nên phức tạp khi nhiều tay súng người Anh trở về từ chiến trường Syria, điều này có nghĩa nguy cơ đồng loạt đến từ nhiều phía.

Giám đốc Cơ quan An ninh (MI5), ông Andrew Parker, từng cảnh báo rằng nhà chức trách có thể ngăn chặn phần lớn nhưng không phải tất cả các vụ tấn công. Thống kê cho thấy hơn 850 công dân Anh đã ra nước ngoài chiến đấu cho IS và các nhóm thánh chiến khác ở Syria và Iraq. Khoảng một nửa số đó đã trở về nước. Số đối tượng khả nghi nằm trong danh sách theo dõi của MI5 đã tăng lên 3.000, trong đó có những kẻ trở về từ Syria.

Trong khi đó, giám đốc Cơ quan Tình báo đối ngoại (MI6), ông Alex Young, có nhắc đến những bộ phận hoạch định khủng bố được tổ chức bài bản thuộc tổ chức IS. Chúng không chỉ chuyển đi thông điệp kêu gọi những tên “sói cô độc” thực hiện hành động “tử vì đạo” ở phương Tây, mà còn hướng dẫn cụ thể cách thức tấn công trên internet qua những kênh liên lạc được mã hóa. Đáng lưu ý, các nhóm khủng bố, nhất là IS, đang thay đổi rất mạnh các chiến lược khủng bố, bằng việc sử dụng các cách thức cũng như các thành viên mới chưa bị các cơ quan an ninh theo dõi chặt chẽ. Điều này càng đặt ra thách thức lớn cho giới chức an ninh Anh nói riêng và phương Tây nói chung.

Ngoài những nguyên nhân như sự chia rẽ trong xã hội, tình trạng cực đoan hóa gia tăng, nhiều nhà phân tích cho rằng việc thiếu cơ chế chia sẻ thông tin tình báo giữa các quốc gia châu Âu cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới các lỗ hổng an ninh để các phần tử khủng bố khai thác, khiến nhiều vụ tấn công xảy ra liên tiếp thời gian gần đây.

Trước đó, xuất phát từ nguy cơ khủng bố ngày càng gia tăng, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua luật hình sự hóa tất cả các hoạt động khủng bố, luật kiểm soát súng ngắn và luật về chia sẻ dữ liệu hành khách đi máy bay (EU PNR). Đặc biệt, EU đã triển khai lực lượng biên phòng và tuần tra bờ biển, đồng thời thành lập trung tâm chống khủng bố trực thuộc cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol).

Điều đáng nói là đến nay mới chỉ có 6 nước áp dụng luật này. Các nhà lãnh đạo EU cũng đã từng công bố chiến lược chống khủng bố với nhiều giải pháp đột phá bao gồm: Tăng cường kiểm soát biên giới bên ngoài, ngăn chặn nguồn cung cấp tài chính và tuyển nhân lực của các tổ chức khủng bố, ngăn chặn hình thành các thế hệ khủng bố mới.

Nhưng hiện tại, tính hiệu quả của những giải pháp này vẫn là câu hỏi lớn khi mà hiện các quốc gia thành viên EU và Anh – quốc gia mới quyết định chia tay EU không lâu, sở hữu các cơ quan tình báo riêng biệt và thường không mấy mặn mà với việc chia sẻ thông tin tình báo của mình với các nước khác. Những vụ tấn công vẫn diễn ra liên tiếp tại London đã cho thấy nguy cơ khủng bố luôn rình rập, đồng thời tiếp tục làm gia tăng mối lo ngại về bất ổn an ninh tại xứ sở sương mù nói riêng và toàn bộ “Lục địa già” nói chung./.

HÀ LAN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/nguy-co-khung-bo-rinh-rap-nuoc-anh-515425