Nguy cơ đột quỵ não ở người trẻ

Theo Tổ chức Y tế thế giới, có 15 triệu người đột quỵ/năm, trong đó có 5 triệu người tử vong và 5 triệu người tàn phế. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 mắc bệnh đột quỵ não, tỷ lệ tử vong do đột quỵ não chiếm 18%.

Đột quỵ não (còn gọi là tai biến mạch máu não) là bệnh lý gây tử vong đứng hàng thứ ba trên thế giới, sau bệnh lý tim mạch và ung thư. Tỷ lệ tàn phế do đột quỵ não chiếm hàng đầu.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Danh Phước Nguyên - Trưởng Khoa Nội thần kinh Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, đột quỵ não đặc trưng bởi hiện tượng mất chức năng não cục bộ cấp tính và kéo dài trên 24 giờ, có thể gây tử vong. Đột quỵ gồm hai loại chính là đột quỵ thiếu máu não cấp (nhồi máu não) chiếm khoảng 80%; đột quỵ xuất huyết gồm xuất huyết trong não từ 10-15% và xuất huyết khoang dưới nhện khoảng 3%.

Nhồi máu não là tình trạng giảm lưu lượng tưới máu não có thể do tắc nghẽn động mạch não dẫn đến hình thành ổ nhồi máu khi vùng nhu mô não nhận lượng máu ít hơn bình thường. Xuất huyết não xảy ra khi các mạch máu não bị vỡ, gây chảy máu trong nhu mô não hoặc não thất. Xuất huyết khoang dưới nhện tự phát là tình trạng máu chảy vào trong khoang dưới màng nhện bao quanh não tự phát (không do chấn thương).

Đột quỵ não thường xảy ra ở người cao tuổi, tuy nhiên thời gian gần đây, tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang ghi nhận nhiều ca đột quỵ não ở người trẻ tuổi, trong đó có 1 trường hợp 38 tuổi bị đột quỵ cấp được đội ngũ y, bác sĩ cứu chữa thành công là anh N.V.T, ngụ huyện An Biên.

Anh T nhập viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, tiếp xúc chậm, liệt hoàn toàn nửa người bên trái, không nói được. Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não diện rộng và được điều trị bằng phương pháp can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ. Sau khi điều trị, sức khỏe anh T dần phục hồi, tự đi lại, sinh hoạt được. Tuy nhiên, khả năng lao động suy giảm nhiều.

“Tôi là lao động chính trong gia đình và không nghĩ bản thân bị đột quỵ khi còn trẻ. Tuy may mắn được cứu sống nhưng tôi không thể lao động nặng, gia đình mất lao động chính nên cuộc sống khó khăn”, anh T chia sẻ.

Bệnh nhân bị đột quỵ não được điều trị dần phục hồi sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang.

Bác sĩ chuyên khoa II Danh Phước Nguyên cho biết để điều trị nhồi máu não, người bệnh cần được tái thông mạch máu để phục hồi tưới máu não bằng cách sử dụng thuốc tiêu sợi huyết tĩnh mạch hoặc can thiệp lấy huyết khối, đảm bảo tưới máu não để hạn chế lan rộng tổn thương, cứu vùng tranh tối tranh sáng (là vùng giảm tưới máu, rối loạn chức năng nhưng chưa hoại tử do thiếu máu); chống biến chứng, chống tái phát sớm; phục hồi chức năng và phòng ngừa tái phát.

Người mắc bệnh đột quỵ não có thể để lại những hậu quả như loét tì đè ở người tình trạng yếu liệt, rối loạn cảm giác, rối loạn ý thức làm tăng nguy cơ cứng khớp và loét. Thời gian điều trị dài, ảnh hưởng nhiều đến kinh tế gia đình và xã hội.

Tất cả bệnh nhân đột quỵ đều có nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu; đau vai do liệt nửa người, hội chứng vai - cánh tay; suy giảm nhận thức mạch máu do các thể của bệnh lý mạch máu não. Bệnh nhân có thể bị suy giảm nhận thức nhẹ đến sa sút trí tuệ; có thể mất khả năng giao tiếp bằng miệng, bằng chữ viết.

Ngoài ra, người bệnh trầm cảm sau đột quỵ là di chứng thường gặp, chiếm từ 30-60% trường hợp trong năm đầu sau đột quỵ.

Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang phối hợp Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ tổ chức hội thảo khoa học cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh mạch máu thần kinh - đột quỵ.

“Đột quỵ não xảy ra đột ngột, nguy cơ tử vong cao, đột quỵ não không chừa bất cứ ai, để lại nhiều di chứng nặng nề, do đó việc phòng bệnh rất quan trọng. Phương pháp tốt nhất hạn chế đột quỵ là phải kiểm soát sức khỏe tốt như hạn chế rượu, bia, thuốc lá, tích cực tập thể dục, nếu có bệnh lý như bệnh tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường, bệnh tim, rối loạn lipid máu thì phải điều trị tích cực”, bác sĩ chuyên khoa II Danh Phước Nguyên khuyến cáo.

Bài và ảnh: VĨ AN

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//y-te/nguy-co-dot-quy-nao-o-nguoi-tre-14143.html