Nguy cơ bùng phát ho gà, sốt xuất huyết, thủy đậu ở Nghệ An

Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp khó lường tại Nghệ An đã tạo điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh phát triển. Theo nhận định, Nghệ An đang đứng trước nguy cơ gia tăng bệnh truyền nhiễm như ho gà, sốt xuất huyết, thủy đậu…

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Nghệ An cho biết, dù chưa xuất hiện các bệnh nguy hiểm như sởi, cúm gia cầm… Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm 2024 địa phương đã ghi nhận một số trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại tại xã Môn Sơn ở huyện Con Cuông. Đáng nói là cũng tính từ đầu năm đến nay, tỉnh Nghệ An ghi nhận 37 ca mắc bệnh ho gà tại 30 xã, phường, thị trấn thuộc 13 huyện, thị xã, thành phố Vinh… không có trường hợp tử vong.

Bên cạnh đó, số ca mắc sốt xuất huyết cũng ghi nhận tăng, hiện tại có 50 ca trong đó, có 34 ca nội tại các huyện như: Quỳnh Lưu, TX.Hoàng Mai, Diễn Châu 8 ca, thành phố Vinh và 16 ca ngoại lai. Ngoài ra, còn có 4.220 trường hợp mắc bệnh cúm, 811 trường mắc bệnh tiêu chảy và 197 trường hợp mắc thủy đậu.

Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ em ở Nghệ An.

Theo CDC Nghệ An, trên địa bàn đã có nguồn bệnh và lưu hành nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong cộng đồng. Mối nguy dịch bệnh xâm nhập, bùng phát càng lớn hơn khi tỉnh nằm ở vị trí địa lý thuận lợi cho việc giao thương đi lại, nên khả năng có nhiều ca bệnh ngoại lai xâm nhập.

Tiến sĩ Chu Trọng Trang, Giám đốc CDC Nghệ An cho biết, nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát là rất lớn nên không được phép chủ quan. "Phải chủ động thực hiện đầy đủ, đồng bộ các biện pháp, giải pháp phòng, chống dịch mà Bộ Y tế, UBND tỉnh, Sở Y tế đã chỉ đạo. Các cấp, ngành, địa phương, đơn vị liên quan cần tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, kịp thời, đúng hướng, toàn diện…phù hợp với tình hình thực tế để phòng, chống dịch bệnh", Giám đốc CDC Nghệ An cho biết.

Cần chủ động phòng, chống dịch bệnh theo nguyên tắc "4 tại chỗ",nâng cao khả năng nhận định, dự báo dịch, để xây dựng tốt kịch bản phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo cho cán bộ làm công tác phòng, chống dịch bệnh, cần bố trí đầy đủ kinh phí và sẵn sàng các trang thiết bị, thuốc, hóa chất để ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra…

Cùng với đó thúc đẩy tiêm chủng thường xuyên cho trẻ thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm bù, tiêm vét cho trẻ chưa được tiêm, chưa tiêm đủ mũi. Khuyến cáo thai phụ tiêm ngừa đầy đủ để tạo lá chắn miễn dịch cho trẻ em, cộng đồng.

Cuối tháng 3/2024, ghi nhận 1 chùm ca bệnh sởi tập trung tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh ở nhóm trẻ dưới 10 tuổi. Trong 16 ca bệnh sởi tại huyện Đức Thọ hiện đang có 6 ca được điều trị tại Nghệ An từ ngày 18 - 26/3 (5 ca mắc sởi được điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, 1 ca điều trị tại Bệnh viện Quốc tế Vinh). Khai thác thông tin từ người nhà bệnh nhân thì tất cả các bệnh nhân này đều chưa được tiêm phòng vaccine sởi.

Hoàng Trinh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguy-co-bung-phat-ho-ga-sot-xuat-huyet-thuy-dau-o-nghe-an-169240401092429915.htm