Nguy cơ bị tình trạng COVID-19 kéo dài cao hơn ở phụ nữ

Theo kết quả nghiên cứu mới đây đăng trên Tạp chí Current Medical Research and Opinion, phụ nữ có nguy cơ bị tình trạng COVID-19 kéo dài cao hơn nam giới.

COVID-19 kéo dài dễ xảy ra hơn ở phụ nữ

Kết quả nghiên cứu mới dựa trên phân tích 1,3 triệu bệnh nhân COVID-19 đã cho thấy phụ nữ có nguy cơ tiến triển các triệu chứng dai dẳng sau khi mắc COVID-19 cao hơn 22%.

Đối với phụ nữ, các triệu chứng kéo dài sau khi mắc COVID-19 bao gồm: mệt mỏi, các vấn đề về tai mũi họng, cũng như các rối loạn cảm xúc như trầm cảm. Họ cũng có các triệu chứng về hô hấp, và rối loạn thần kinh, da, tiêu hóa và xương khớp. Trái lại, nam giới bị tình trạng COVID-19 kéo dài có nhiều khả năng bị các rối loạn nội tiết như bệnh đái tháo đường và các vấn đề về thận.

Nhóm nghiên cứu cho biết: "Kiến thức về sự khác biệt giới tính liên quan tới các biểu hiện lâm sàng, tiến triển bệnh và hậu quả tác động của COVID-19 là rất quan trọng để xác định và thiết lập hợp lý các liệu pháp điều trị và can thiệp sức khỏe cộng đồng hiệu quả nhằm đáp ứng các nhu cầu điều trị khác nhau của cả hai giới".

Trưởng nhóm nghiên cứu Shirley Sylvester, chuyên gia cao cấp về sức khỏe phụ nữ tại Johnson & Johnson ở New Brunswick, N.J. (Mỹ) và cộng sự lưu ý rằng sự khác biệt về cơ chế hoạt động giữa hệ thống miễn dịch của nam giới và phụ nữ có thể là một yếu tố quan trọng dẫn tới sự khác biệt về tình trạng COVID-19 ở 2 giới.

"Phụ nữ có các đáp ứng miễn dịch bẩm sinh và khả năng thích ứng nhanh và mạnh mẽ hơn, có thể bảo vệ họ khỏi nhiễm trùng và mức độ nghiêm trọng ban đầu. Tuy nhiên, chính sự khác biệt này có thể khiến phụ nữ dễ bị tổn thương hơn với các bệnh liên quan đến tự miễn dịch kéo dài so với nam giới" - Sylvester cho biết thêm.

COVID-19 kéo dài dễ xảy ra hơn ở phụ nữ

Cần quan tâm hơn nữa về giới tính trong các nghiên cứu

Theo các nhà khoa học, phân tích tổng quan bao gồm dữ liệu từ các bài báo được xuất bản từ tháng 12/2019 đến tháng 6/2021 cho thấy, chỉ có 35 trong số hơn 640.600 bài báo có phân chia dữ liệu theo giới tính với đủ thông tin về các triệu chứng để so sánh sự khác biệt trong cơ chế đáp ứng với bệnh giữa nam giới và phụ nữ.

Mặc dù nhiều nghiên cứu đã đánh giá sự khác biệt về giới tính đối với nguy cơ nhập viện, phải điều trị tại khoa hồi sức tích cực, cần hỗ trợ thông khí và tỷ lệ tử vong, nhưng các triệu chứng và tổn thương lâu dài đối với cơ thể liên quan tới giới tính vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.

Các nhà khoa học cho biết: "Sự khác biệt về giới tính liên quan tới tình trạng COVID-19 đã được báo cáo trong các đợt bùng phát SARS-CoV-2 trước đây. Do đó, sự khác biệt về tình trạng bệnh giữa phụ nữ và nam giới bị nhiễm SARS-CoV-2 có thể đã được dự đoán trước. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là hầu hết các nghiên cứu đã không đánh giá hoặc báo cáo dữ liệu chi tiết theo giới tính, điều này đã dẫn tới hạn chế sự hiểu biết lâm sàng liên quan tới giới tính và có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị". Họ cho rằng, dữ liệu chia theo nhóm giới tính nên được đưa ra ngay cả khi đó không phải là mục tiêu chính của nghiên cứu vì những dữ liệu này có thể có ý nghĩa đối với các phân tích khác, góp phần giải quyết các tình trạng bệnh lý khác nhau.

Các nhà khoa học lưu ý rằng phụ nữ trong các ngành nghề như điều dưỡng và giáo dục có thể có nguy cơ phơi nhiễm với SARS-CoV-2 cao hơn. Ngoài ra, cũng có thể có sự khác biệt về giới trong khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc, điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị và làm tăng nguy cơ gặp nhiều biến chứng hơn.

Mời xem video nhiều người quan tâm

Mẫn Thu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//nguy-co-bi-tinh-trang-covid-19-keo-dai-cao-hon-o-phu-nu-169220622154452328.htm