Nguy cơ bị bỏ tù nếu đến Qatar xem World Cup

Một cái nắm tay chốn đông người, một nụ hôn trên khán đài cũng dễ khiến khán giả quốc tế gặp rắc rối với luật pháp Qatar, dù nước chủ nhà khẳng định 'được tự do thể hiện bản thân'.

 Tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh năm nay, fan hâm mộ không được cổ vũ thoải mái như mong muốn, khi Qatar đặt ra nhiều nguyên tắc nhỏ nhặt.

Tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh năm nay, fan hâm mộ không được cổ vũ thoải mái như mong muốn, khi Qatar đặt ra nhiều nguyên tắc nhỏ nhặt.

Những fan bóng đá quốc tế thuộc cộng đồng LGBT đang lo sợ và e dè khi đến Qatar xem vòng chung kết World Cup 2022, theo Huff Post. Lý do chính: đồng tính luyến ái bị coi là vi phạm pháp luật ở quốc gia theo Hồi giáo này và người vi phạm có thể bị bắt giữ, bỏ tù.

Mới 2 tuần trước, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino khẳng định "tất cả người hâm mộ được chào đón tại World Cup không phân biệt xuất xứ, hoàn cảnh, tôn giáo, giới tính, xu hướng tình dục hay quốc tịch".

Tuy vậy, ngày 8/11, trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Đức ZDF, Khalid Salman, đại sứ World Cup của Qatar lại khẳng định đồng tính là điều bất hợp pháp và bị cấm tại Qatar.

 Dù nước chủ nhà phủ nhận, người đồng tính ở trên thế giới tin rằng họ không được chào đón ở Qatar, thậm chí có thể bị bắt giữ.

Dù nước chủ nhà phủ nhận, người đồng tính ở trên thế giới tin rằng họ không được chào đón ở Qatar, thậm chí có thể bị bắt giữ.

"Họ phải chấp nhận luật lệ của chúng tôi ở đây. Tôi không phải là một người Hồi giáo hà khắc nhưng vì sao điều đó (đồng tính) bị cấm ư? Bởi đó là sự khuyết tật trong nhận thức", Guardian dẫn lời ông Salman cho biết.

Bị cấm cản

Một quan chức từ Văn phòng Truyền thông của Chính phủ Qatar nói với NBC News vào tháng trước rằng người hâm mộ sẽ được “tự do thể hiện bản thân nhưng cũng phải tôn trọng các giá trị và văn hóa địa phương”.

Human Dignity Trust, một nhóm vận động toàn cầu cho quyền của LGBT, nhấn mạnh đàn ông Hồi giáo có thể bị tử hình nếu quan hệ đồng tính. Tuy nhiên, chưa có báo cáo nào về việc có người bị tử hình vì "phạm tội" này.

Trước thềm World Cup, lực lượng an ninh Qatar đã bị cáo buộc săn lùng rồi ngược đãi người đồng tính bằng cách bắt giữ và đối xử tệ bạc với họ trong tù.

Một người đàn ông Philippines nói với iNews mình bị dụ đến một phòng khách sạn thông qua ứng dụng hẹn hò, rồi bị cảnh sát bắt giữ và trục xuất ra khỏi Qatar.

Trong một tuyên bố, chính phủ Qatar đã bác bỏ những cáo buộc đó: "Qatar không dung thứ cho sự phân biệt đối xử với bất kỳ ai, và các chính sách và thủ tục của chúng tôi được củng cố bởi cam kết về quyền con người cho tất cả".

 Hai khán giả nữ trao nhau nụ hôn trong một trận đấu của Đức vào World Cup 2010.

Hai khán giả nữ trao nhau nụ hôn trong một trận đấu của Đức vào World Cup 2010.

Dù vậy, sự phân biệt đối xử với cộng đồng LGBT là điều có thể thấy rõ. Hồi tháng 5, hàng chục khách sạn được FIFA công nhận đã từ chối nhận khách LGBT. Nếu không từ chối, họ cũng yêu cầu những người thuộc cộng đồng này phải "thay đổi hành vi và cư xử đúng mực".

Các khán giả người Anh đang lo lắng về những vấn đề có thể xảy ra. Họ đang kêu gọi cùng tạo thành một nhóm bảo vệ đặc biệt để cố gắng ngăn lực lượng cảnh sát vốn nghiêm khắc ở Qatar không làm khó những cổ động viên nước mình.

Một quan chức Qatar gần đây đã đưa ra một số lời đảm bảo cho cộng đồng LGBT ở châu Âu. Trong khi "nắm tay" có thể được cho phép ở nơi công cộng, Đại sứ Qatar tại Vương quốc Anh Fahad bin Mohammed Al-Attiyah không thể đảm bảo trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Times of London rằng bất cứ điều gì hơn thế nữa sẽ được chấp nhận.

“Tôi nghĩ rằng du khách phải lưu tâm đến các chuẩn mực và văn hóa của xã hội Qatar", ông cảnh báo và cho rằng việc thể hiện tình cảm nơi công cộng cũng là bất hợp pháp ở Anh.

Vào tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Anh James Cleverly khiến nhiều người thuộc cộng đồng LGBT sau khi nói với người hâm mộ bóng đá của xứ sở sương mù cần “tôn trọng văn hóa, tư tưởng chống lại đồng tính luyến ái" của Qatar nếu tới quốc gia này xem bóng đá vào cuối năm.

Đáp lại, người phát ngôn của tân Thủ tướng Rishi Sunak giận dữ trả lời rằng không người hâm mộ nào mong đợi chuyện phải "thỏa hiệp với con người thật của họ".

 Các khán giả ở Anh giơ cao biểu ngữ phản đối cách Qatar đối xử với cộng đồng LGBT.

Các khán giả ở Anh giơ cao biểu ngữ phản đối cách Qatar đối xử với cộng đồng LGBT.

Khán giả ngán ngẩm vì nhiều quy định

Dario Minden, một khán giả đến từ Đức, cho biết dù rất thích xem bóng đá nhưng quyết định sẽ "tẩy chay" World Cup lần này ở Qatar để thể hiện tình đoàn kết với cộng đồng LGBT.

Gần đây, tại một sự kiện nhân quyền do Liên đoàn Bóng đá Đức tổ chức ở Frankfurt, Minden nói trực tiếp với đại sứ Qatar tại Đức rằng quốc gia này nên bãi bỏ các hình phạt đối với đồng tính luyến ái.

“Tôi là một đồng tính và cũng là người hâm mộ bóng đá. Tôi coi rằng đây là một cơ hội tuyệt vời để nói trước một người đại diện cấp cao như vậy”, Minden bày tỏ.

Không chỉ người đồng tính, người khác giới có hành động thể hiện tình cảm nơi công cộng cũng có thể gặp rắc rối. Trước khi nới lỏng lệnh cấm quan hệ ngoài luồng, những phụ nữ đến báo cáo cảnh sát Qatar vì bị quấy rối, bạo lực tình dục cũng có thể bị gán ghép tội "đi quá giới hạn trước hôn nhân".

Nhiều quan chức châu Âu có liên quan đã cố gắng thuyết phục cơ quan thực thi pháp luật Qatar không quy những hành động cổ vũ điển hình vào tội gây rối trật tự công cộng, bao gồm: trèo lên bàn, treo cờ lên các bức tượng hay hát vang các bài hát yêu thích tại nơi công cộng.

Các khán giả đồng tính hiện được phép vẫy lá cờ cầu vồng - vật biểu tượng cho cộng đồng họ ở ngoài nơi công cộng. Nhưng liệu thực tế chuyện này có đem lại rắc rối gì cho họ hay không vẫn còn phải chờ tới khi World Cup thực sự diễn ra.

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguy-co-bi-bo-tu-neu-den-qatar-xem-world-cup-post1373789.html