Nguy cơ bệnh tật từ các sản phẩm tiếp xúc BBP

Benzyl butyl phthalate (BBP) là một chất thuộc nhóm hóa chất có tên gọi là phthalates, thường được sử dụng để sản xuất các sản phẩm nhựa mềm và dễ uốn.

Benzyl butyl phthalate (BBP) là một chất thuộc nhóm hóa chất có tên gọi là phthalates, thường được sử dụng để sản xuất các sản phẩm nhựa mềm và dễ uốn. Đây là chất được sử dụng trong nhiều sản phẩm tiêu dùng như thảm, các loại túi, chai lọ, màng bọc...

Theo cảnh báo của các nhà khoa học Mỹ, việc sử dụng thực phẩm đã tiếp xúc với BBP có thể làm tăng lưu lượng chất béo trong cơ thể và ảnh hưởng lâu dài tới thể trạng của những thế hệ sau này.

Mặc dù BBP không được sử dụng trong chế biến thực phẩm, nhưng loại hóa chất này vẫn được sử dụng để sản xuất nhiều loại vật dụng chứa đựng thực phẩm hoặc trong các băng tải và phụ kiện có bề mặt nhựa trên các loại máy móc sử dụng để xử lý nhiều loại thực phẩm chế biến.

BBP được sử dụng trong các vật dụng có tiếp xúc với thực phẩm.

TS. Mahua Choudhury tại Đại học Texas (Mỹ) cho biết: Các nhà khoa học đã sử dụng các tế bào gốc động vật để xác định những thay đổi trong chuỗi gene của tế bào gốc khi tiếp xúc với BBP. Kết quả là trong những tế bào tiếp xúc nhiều với BBP, quá trình adipogenesis (quá trình mà các tế bào mỡ phát triển) cao hơn gấp năm lần so với những tế bào khác.

Tế bào gốc là những tế bào biệt hóa, có khả năng trở thành các tế bào chuyên biệt khác nhau. Những thay đổi biểu sinh quan sát thấy trong các tế bào gốc động vật khi tiếp xúc với BBP cho thấy BBP có thể ảnh hưởng đến không chỉ các tế bào trưởng thành ở người lớn tiếp xúc với BBP, mà còn tác động đến cả thai nhi khi họ mang thai và sinh sản.

Nguy cơ mắc ung thư từ việc tiếp xúc với BBP

Nhận rõ mối nguy hại từ các hóa chất phthalates, BBP bị cấm ở tất cả các đồ chơi và sản phẩm chăm sóc trẻ em được sản xuất tại châu Âu hoặc nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU). EU cũng đã cấm sử dụng BBP trong sơn móng tay, vì nó được coi là chất gây ung thư, gây đột biến gene hay gây độc cho quá trình sinh sản. Trong khi Hoa Kỳ và một số quốc gia phát triển đã thiết lập giới hạn về số lượng BBP cho phép trong nhiều sản phẩm tiêu dùng nhất định, song theo các nhà khoa học, hàm lượng BBP cho phép này tại một số nước phát triển như Mỹ vẫn có thể gây độc hại do quá trình tiếp xúc lâu dài có thể gây tác động tích lũy đến các tế bào trong cơ thể.

Sử dụng các thực phẩm tiếp xúc với BBP dễ mắc chứng béo phì.

Làm gia tăng chứng béo phì

Đồng tác giả của nghiên cứu về ảnh hưởng của BBP - TS. Catherine A. Powell tại Trường đại học Texas A&M Rangel College of Pharmacy cho biết: “Các nhà nghiên cứu đã điều tra vai trò của di truyền trong sự hình thành và gia tăng của bệnh béo phì và họ đã phát hiện ra rằng: chất BBP còn ảnh hưởng tới gene gây ra bệnh béo phì ở người và có tính di truyền qua các thế hệ”. Điều đó có nghĩa là sự ảnh hưởng của BBP sẽ tác động đến thế hệ con cái của những người từng tiếp xúc nhiều với BBP.

Chỉ tính riêng tại một quốc gia phát triển như Mỹ, hơn một phần ba dân số trưởng thành bị mắc chứng béo phì và các bệnh liên quan do béo phì, bao gồm cả bệnh tiểu đường týp 2, đột quỵ và bệnh tim. Tại các quốc gia phát triển như châu Âu, số ca mắc bệnh béo phì đã tăng theo cấp số nhân chỉ trong vòng vài năm trở lại đây.

TS. Ravi Sonkar - Đại học Texas A&M Rangel College of Pharmacy cho biết: “Với chế độ ăn uống thiếu khoa học và ít hoạt động, tỉ lệ mắc béo phì gia tăng trong xã hội hiện đại còn là do tiếp xúc với chất BBP từ các vật dụng bảo quản thực phẩm”.

TS.BS. Lê Thanh Hải

((Theo sciencedaily, 2016))

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nguy-co-benh-tat-tu-cac-san-pham-tiep-xuc-bbp-n123793.html