Nguy cơ bệnh gout trở nặng

Ăn uống liên miên cùng những bàn tiệc thịnh soạn, có thể sẽ gây cơn đau cấp do viêm khớp, hoặc người mắc bệnh gout dễ trở nặng trong dịp Tết.

Những cơn viêm khớp gout ban đầu hay gặp ở ngón chân cái, cổ chân, khớp gối. Ảnh minh họa: ITN

Ăn uống liên miên cùng những bàn tiệc toàn món ngon, thịnh soạn có thể sẽ gây cơn đau cấp do viêm khớp, hoặc người mắc bệnh gout dễ trở nặng trong dịp Tết.

Hơn 80% bệnh nhân là nam giới ngoài 40 tuổi

Gout là bệnh rối loạn chuyển hóa có liên quan đến ăn uống do nồng độ axit uric quá cao trong huyết tương dẫn đến lắng đọng các tinh thể urat (muối của axit uric) hoặc tinh thể axit uric. Ai cũng có thể mắc bệnh gout.

Tuy nhiên, thống kê cho thấy, hơn 80% bệnh nhân là nam giới rơi vào độ tuổi ngoài 40. Bệnh nhân thường là những người có chế độ ăn uống không khoa học, uống nhiều rượu bia, có thói quen tiêu thụ nội tạng động vật và thịt đỏ, lười vận động…

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Khoa - Trưởng khoa Nội Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), những cơn viêm khớp do gout cấp hay gặp ở ngón chân cái, cổ chân, khớp gối. Cơn đau đến rất bất ngờ, thậm chí ngay trong hoặc sau một bữa tiệc hay trong giấc ngủ ngon về đêm.

Lý giải về nguyên nhân bệnh gout dễ khởi phát, tăng nặng vào dịp Tết, bác sĩ Khoa cho biết, việc thay đổi về chế độ ăn uống, hay không tuân theo liệu trình điều trị sẽ dễ làm gia tăng đột ngột nồng độ axit uric trong máu.

Từ đó, dễ làm bệnh gout xuất hiện và khởi phát nặng thêm, thậm chí ngay cả khi đang dùng các thuốc điều trị bệnh. Một nguyên nhân làm bệnh nặng thêm có thể là dùng nhiều thức uống có cồn.

Bởi, bia rượu có hàm lượng purin rất cao. Vì thế, khi tiêu thụ các loại đồ uống có cồn nhiều, cơ thể sẽ bị rối loạn chuyển hóa purin, gây tăng tổng hợp và giảm đào thải axit uric.

Ngoài ra, chế độ sinh hoạt thất thường như hội họp, ăn chơi, thức khuya liên tục, ăn mặc phong phanh, không giữ đủ ấm cho cơ thể… cũng có thể khiến tình trạng bệnh nặng thêm.

Đồng thời, trong dịp Tết, người dân thường có tâm lý vui chơi quá đà, kèm theo sự chủ quan cho rằng, bỏ qua việc uống thuốc một vài ngày cũng không ảnh hưởng nhiều.

Để phòng ngừa các cơn viêm khớp gout tái phát trong hoặc sau Tết, người bệnh và người có nguy cơ cần tiếp tục duy trì liệu trình điều trị đã được bác sĩ kê toa và chỉ định.

Không nên bỏ thuốc giữa chừng hoặc uống thuốc thất thường. Trước Tết, người bệnh nên đi tái khám. Nếu cần, bệnh nhân sẽ được bác sĩ cho xét nghiệm kiểm tra nồng độ axit uric máu, chức năng gan thận để đánh giá và điều chỉnh thuốc phù hợp.

Người bị bệnh gout cũng cần nghiêm túc chấp hành chế độ ăn lành mạnh, sống khỏe. Cần vận động thường xuyên giúp giảm cân, ổn định axit uric, duy trì sức khỏe tim mạch. Yếu tố quan trọng khác là duy trì uống đầy đủ ít nhất 2 lít nước mỗi ngày.

Những lưu ý đặc biệt

BSCKI Vũ Thanh Tuấn - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết, thực tế cho thấy, mỗi năm vào dịp Tết, số người mắc bệnh gout và cần điều trị tăng lên rất nhiều so với ngày bình thường.

Hầu hết các trường hợp này khi xét nghiệm đều cho thấy tăng máu nhiễm mỡ, tăng men gan, giảm chức năng thận… Do đó, người bệnh cần chú ý tới thực đơn vào ngày Tết.

Cụ thể, việc kiêng một số món ăn sẽ giúp phòng ngừa được sự xuất hiện hoặc trầm trọng hơn của gout. Trong đó, bệnh nhân cần kiêng nội tạng động vật. Bởi, đây là loại thực phẩm giàu purin và cholesterol - yếu tố không tốt với cơn đau cấp của bệnh gout.

Hải sản, thịt đỏ, bánh chưng cũng là các thực phẩm người bệnh cần tránh. Đây là những món giàu chất đạm, làm tăng axit uric và thúc đẩy sự phát triển của cơn đau gout.

Một số thực phẩm khác nên kiêng trong ngày Tết bao gồm: Rau có nhiều nhân purin như giá đỗ, măng tây, nấm; Đồ uống có ga và cồn; Thực phẩm giàu chất béo như mỡ động vật, đồ ăn chiên xào…

Trái lại, người bị bệnh gout nên ăn khoảng 100 - 150g thịt cùng 400g hoa quả, đồng thời ưu tiên và bổ sung vào thực đơn các loại trái cây như đu đủ chín, nho, dưa hấu, lê, táo… Những loại hoa quả này chứa hàm lượng khoáng chất và vitamin dồi dào. Từ đó, giúp tăng cường đề kháng và hạn chế tái phát cơn đau do gout.

Bệnh nhân cũng nên ăn một số loại rau xanh ít nhân purin như cải bẹ, lá lốt, bí đỏ, rau ngót… Những loại rau này sẽ giúp tăng đề kháng cũng như hạn chế cơn đau nhức do gout gây ra. Một số thực phẩm khác nên ưu tiên bao gồm: Các loại bơ thực vật, ngũ cốc, sữa, trứng.

Theo bác sĩ Tuấn, bệnh nhân gout không được nhịn đói vì việc làm này dễ gây tăng nồng độ axit uric trong máu. Thay vào đó, nên ăn thành nhiều bữa trong ngày và bổ sung vào thực đơn các loại rau quả tươi. Đồng thời, cần vận động nhẹ nhàng để hỗ trợ điều trị gout và tăng độ dẻo dai cho khớp.

Để phòng bệnh tái phát cho dù trời lạnh, ngày Tết các bệnh nhân bị gout vẫn nên duy trì chế độ luyện tập trong nhà, giữ ấm cơ thể. Khi ra đường, bệnh nhân gout nên giữ ấm toàn thân, đi găng tay, tất chân, đội mũ, quàng khăn ấm, đảm bảo chân tay không bị lạnh.

Buổi tối, người bệnh gout có thể ngâm chân tay vào nước muối ấm hoặc sử dụng túi chườm để chân tay được ấm hơn. Việc này hiệu quả hơn nếu chân có cơn đau đột ngột do bệnh gout gây ra.

Ngoài ra, để giảm đau người bệnh ngồi nhiều nên gác phần chân bị đau lên gối khoảng 30 phút. Đây là cách giúp máu lưu thông dễ dàng hơn và hạn chế cơn đau chân hiệu quả.

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguy-co-benh-gout-tro-nang-post669928.html