Nguồn vốn vay ưu đãi giúp người lao động có thêm điều kiện phát triển kinh tế

Hỗ trợ vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho người lao động là mục tiêu lớn nhất của Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 và Nghị định 74/2019/NĐ-CP ngày 23/ 9/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Tại tỉnh Quảng Trị, nguồn vốn vay này đã tăng cơ hội khởi nghiệp, giúp nhiều gia đình có thêm điều kiện phát triển kinh tế.

Anh Lê Thế Bảo ở thôn Liêm Công Phường, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh gia công hàng tại xưởng nhôm kính -Ảnh: TÚ LINH

Theo đó, tại các nghị định nêu trên, sửa đổi bổ sung đáng chú ý như sau: mức vay đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh không quá 2 tỉ đồng/dự án, không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa không quá 100 triệu đồng, thời hạn vay tối đa 120 tháng. Với sửa đổi, bổ sung này, nhiều cơ sở, người lao động có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng.

Hai năm trước, anh Lê Thế Bảo (sinh năm 1990) ở thôn Liêm Công Phường, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh vay 90 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Vĩnh Linh để sản xuất, kinh doanh. Cùng với vốn của cá nhân tích góp được, anh Bảo mở xưởng gia công nhôm kính và cơ khí tại nhà.

Có tay nghề cơ khí khá vững vàng nên anh Bảo gia công hàng hóa chất lượng, được nhiều người tin tưởng đặt hàng. Xưởng của anh đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động. Anh Bảo cho biết, nhờ có việc làm thường xuyên nên thu nhập khá ổn định. Sau khi trừ mọi chi phí anh dành dụm được khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, anh Bảo trả lãi và gốc cho khoản vay đúng thời hạn.

Cũng tại thôn Liêm Công Phường, anh Ngô Quang Thế (sinh năm 1984) khá thành công với mô hình sản xuất nước đá tinh khiết. Anh Thế cho biết, sau nhiều năm lao động xa nhà, năm 2020 anh quyết định về quê lập nghiệp. Biết có nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Vĩnh Linh, anh Thế làm hồ sơ vay 90 triệu đồng. Cộng thêm vốn của gia đình, anh đầu tư xưởng sản xuất nước đá tinh khiết.

Xưởng có doanh thu ước tính mỗi năm hơn 350 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 2 - 4 lao động với thu nhập 4-6 triệu đồng/tháng/ người. Thời gian tới, anh Thế có kế hoạch vay thêm nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm để mở rộng xưởng sản xuất, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho gia đình.

Huyện Vĩnh Linh hiện có tổng số người trong độ tuổi lao động rất lớn, trong đó nhiều người cần nguồn vốn để phát triển kinh tế. Vì vậy, chủ trương tạo việc làm tại chỗ thông qua chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay và Quỹ quốc gia về việc làm để phát triển sản xuất được huyện đặc biệt quan tâm. Để thực hiện công tác này, huyện tập trung chỉ đạo các ban, ngành liên quan phối hợp với Phòng giao dịch NHCSXH huyện nhằm đưa nguồn vốn vay đến đúng đối tượng có nhu cầu, giúp tạo việc làm, ổn định đời sống.

Theo lãnh đạo Phòng giao dịch NHCSXH huyện Vĩnh Linh, đối với chương trình cho vay giải quyết việc làm, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền những ưu đãi của nguồn vốn vay đến người dân, ngân hàng luôn tiến hành thẩm định, giải ngân cho vay thuận lợi, nhanh chóng để các dự án vay vốn sớm đi vào thực hiện và phát huy hiệu quả.

Cùng với các chương trình cho vay hộ nghèo, cho vay học sinh, sinh viên, nước sạch, vệ sinh môi trường...hàng chục tỉ đồng vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH của huyện và xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã giải ngân hơn 91 tỉ đồng cho hơn 1.500 khách hàng vay vốn giải quyết việc làm; 9 tháng đầu năm 2023 giải ngân 18,9 tỉ đồng cho 229 khách hàng.

Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Trần Đức Xuân Hương cho biết, để các Nghị định 61/2015, 74/2019 của Chính phủ đi vào cuộc sống hiệu quả hơn nữa, Chi nhánh NHCSXH tỉnh thường xuyên phối hợp với Sở LĐ,TB&XH tuyên truyền về chủ trương, chính sách để người dân tiếp cận nguồn vốn vay nhanh chóng, thuận lợi. Từ nguồn vốn này, hàng chục nghìn người dân được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện an sinh xã hội; đặc biệt là hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống sau COVID-19.

Bên cạnh đó, Sở LĐ,TB&XH luôn quan tâm, xem xét cân đối, bố trí thêm kinh phí để tăng cường các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho vay chương trình này đối với các các đối tượng là chủ tịch UBND xã, trưởng thôn, hội, đoàn thể ủy thác, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn; tăng cường tham mưu, đề xuất cấp trên phân bổ nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm hằng năm cho tỉnh.

Đến nay, dư nợ cho vay giải quyết việc làm toàn tỉnh đạt trên 623 tỉ đồng, với tổng số hơn 13.000 khách hàng. Hầu hết các dự án vay vốn được đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, phát triển nghề phụ, nghề truyền thống và kinh doanh tổng hợp.

Cho vay theo các Nghị định 61/2015, Nghị định 74/2019 của Chính phủ là một trong những chương trình tín dụng chính sách hiệu quả nhất của Chi nhánh NHCSXH tỉnh thời gian qua. Đặc biệt, thông qua đó, nhiều đối tượng lao động yếu thế như lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động ở khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo việc làm cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/nguon-von-vay-uu-dai-giup-nguoi-lao-dong-co-them-dieu-kien-phat-trien-kinh-te/181011.htm