Nguồn vốn ủy thác góp phần đảm bảo an sinh xã hội

Từ nguồn vốn ủy thác của ngân sách địa phương chuyển sang, nhiều năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hòa Bình đã thực hiện cho vay đối với hàng nghìn lượt hộ nghèo.

Một buổi giao dịch cho vay hộ nghèo, đối tượng chính sách tại điểm giao dịch xã Hang Kia, huyện Mai Châu (Hòa Bình). Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Từ nguồn vốn ủy thác của ngân sách địa phương chuyển sang, nhiều năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hòa Bình đã thực hiện cho vay đối với hàng nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Chí Đạo là xã vùng sâu còn nhiều khó khăn của huyện Lạc Sơn, thu nhập chủ yếu của người dân đến từ trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Những năm qua, từ khi người dân trong xã được tiếp cận vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, kinh tế của nhiều hộ gia đình đã ổn định và ngày càng phát triển.

Nhiều năm trước, kinh tế của gia đình anh Bùi Văn Chiến, xóm Ong Man, xã Chí Đạo gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân chính là do thiếu vốn. Ngay khi được vay 20 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Chiến đã quyết định đầu tư chăn, nuôi bò.

Với nguồn thức ăn cho bò là cây cỏ có sẵn, nên kinh tế của gia đình thay đổi nhiều. Sau khi thoát diện hộ cận nghèo, năm 2021, gia đình anh Chiến tiếp tục được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ nguồn vốn này kết hợp vốn gia đình dành dụm được, anh Chiến đã mua thêm 6 con bò nuôi vỗ béo.

Anh Chiến cho biết, hiện tại, dù giá bò giảm so với trước nhưng trừ chi phí, mỗi con bò sau khoảng 1 năm nuôi cho thu lãi hơn 10 triệu đồng. Hiện, gia đình đang nuôi 8 con vỗ béo, kết hợp thêm trồng trọt, buôn bán nên kinh tế đã ổn định. Với những người dân ở vùng còn nhiều khó khăn, vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hộ có ý nghĩa rất quan trọng để phát triển kinh tế, thoát khỏi diện hộ nghèo.

Gia đình chị Nguyễn Thị Gấm ở xóm Sèo, xã Cao Sơn (huyện Đà Bắc) là hộ nghèo ở địa bàn xã vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình. Kinh tế gia đình chị Gấm chủ yếu phụ thuộc vào chăn nuôi, trồng keo, ngô và dong riềng. Giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng đáng kể đến đầu ra, giá nông sản, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của gia đình.

Từ đầu năm 2023 đến nay, khi được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đà Bắc cho vay 70 triệu đồng để phát triển chăn nuôi, kinh tế của gia đình chị Gấm đã dần ổn định. Chị Gấm chia sẻ, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình đã tiếp tục duy trì, đầu tư chăn nuôi ổn định kinh tế. Đây là số vốn có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm khó khăn của gia đình vì lãi suất phù hợp, thủ tục vay đơn giản.

Năm 2020, gia đình bà Xa Thị Đào, xóm Mè, xã Tú Lý (Đà Bắc) cũng đã vượt lên khó khăn nhờ được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách. Gia đình bà Đào đã đầu tư nuôi trâu sinh sản, đến nay, thu nhập của gia đình ngày càng ổn định, dự kiến đến năm 2024 sẽ thoát nghèo.

Gia đình anh Chiến, chị Gấm, bà Đào là ba trong số hàng trăm hộ được vay vốn từ vốn ủy thác ngân sách địa phương chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội.

Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đà Bắc Nguyễn Đình Hoàng cho biết, hiện nay, nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương hơn 8,5 tỷ đồng. Những năm qua, nguồn vốn này chủ yếu được đơn vị cho vay giải quyết việc làm. Đặc biệt, trong giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nguồn vốn đã giúp nhiều hộ trên địa bàn huyện có điều kiện khôi phục kinh tế, vượt qua khó khăn.

Toàn tỉnh Hòa Bình, sau gần 9 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 và hơn 2 năm thực hiện Kết luận số 06-KL/TW, ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư đã tác động tích cực đến hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, hàng năm, UBND tỉnh Hòa Bình và các huyện, thành phố đã chuyển vốn từ ngân sách địa phương sang ngân hàng chính sách xã hội để thực hiện cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hòa Bình Nguyễn Minh Hưng cho biết, mặc dù, tỷ trọng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chưa cao nhưng đây là sự quan tâm rất lớn của các cấp ủy, chính quyền đối với tín dụng chính sách. Hai năm trở lại đây, nguồn vốn này đã góp phần lớn trong việc bổ sung vốn cho vay để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho người lao động. Trong những năm tới, đây sẽ là một trong những nguồn vốn quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Từ đầu năm 2023, tổng số vốn ủy thác địa phương từ UBND tỉnh Hòa Bình và các huyện, thành phố đã chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội đạt trên 39,5 tỷ đồng; trong đó, có 4/10 đơn vị vượt chỉ tiêu kế hoạch, gồm: Lương Sơn, Tân Lạc, TP Hòa Bình và Yên Thủy. Đến nay, tổng nguồn vốn ủy thác ngân sách địa phương đạt trên 141 tỷ đồng, tăng trên 135 tỷ đồng so với thời điểm trước khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW./.

Lưu Trọng Đạt/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nguon-von-uy-thac-gop-phan-dam-bao-an-sinh-xa-hoi/303791.html