Nguồn vốn thiết thực giúp người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng

Công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Thời gian qua, Công an tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quản lý, giáo dục và giúp đỡ người lầm lỗi trở về địa phương sống có ích cho gia đình, xã hội.

Chị Đ.T.H.H. (trái, 33 tuổi, ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) là người đầu tiên được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg

Trong đó, việc triển khai các nguồn vốn cho những người hoàn lương vay được Công an tỉnh và công an các địa phương triển khai nhanh chóng, có hiệu quả thiết thực. Trong đó có những cá nhân đã sử dụng nguồn vốn vay từ các nguồn để làm kinh tế giỏi.

* Tạo “cần câu” cho người hoàn lương

Một trong những nguồn vốn vay được nhiều người hoàn lương mong chờ là nguồn vốn vay theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg ngày 17-8-2022 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (gọi tắt là Quyết định 22, có hiệu lực từ ngày 10-10-2023).

Quyết định 22 quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Do đó, ngay khi triển khai Quyết định 22, đã có hàng trăm người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh làm hồ sơ xin được vay vốn để có điều kiện làm ăn, tái hòa nhập cộng đồng.

Theo Quyết định 22, từ ngày 10-10, người chấp hành xong án phạt tù có thể vay ngân hàng chính sách xã hội tối đa 4 triệu đồng/tháng/người để học nghề; tối đa là 100 triệu đồng/người để sản xuất, kinh doanh; tối đa 2 tỷ đồng khi thực hiện dự án.

Chị Đ.T.H.H. (33 tuổi, ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) là người đầu tiên trên địa bàn Đồng Nai được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai theo Quyết định 22. Không giấu được niềm vui khi cầm trên tay số tiền 50 triệu đồng được vay, chị H. cho biết sẽ sử dụng nguồn vốn vay này thật tốt để mang lại hiệu quả kinh tế cao, không phụ sự kỳ vọng của mọi người và sự giúp đỡ, tạo điều kiện của cơ quan chức năng.

Đồng Nai được xem là tỉnh đi đầu trong việc xây dựng và đưa Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự (ANTT) tỉnh đi vào hoạt động hiệu quả. Nhờ nguồn quỹ này, nhiều người chấp hành xong án phạt tù đã có việc làm ổn định. Đơn cử như trường hợp anh T.C.N. (ngụ xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu) từ một người lầm lỗi đã vươn lên lập nghiệp và tạo việc làm cho nhiều người khác.

Anh N. kể, ngày ra khỏi trại giam, anh mất hết ý chí phấn đấu, bản thân luôn mặc cảm và cảm giác bị mọi người xa lánh. Thế nhưng, sau khi được những người xung quanh động viên và nhất là sự tin tưởng của lực lượng công an xét hỗ trợ vay vốn 30 triệu đồng từ nguồn Quỹ Doanh nhân với ANTT tỉnh, anh đã bắt tay vào việc kiếm tiền. Từ số vốn vay đó, anh đã mua phân bón, giống cây, cải tạo vườn bưởi của gia đình và vay mượn thêm của người thân để kinh doanh dịch vụ cho thuê giàn giáo xây dựng. Cho đến nay, không chỉ có thu nhập ổn định nuôi sống bản thân và gia đình, anh còn tạo việc làm cho hơn 10 người lao động khác trên địa bàn.

Tương tự, vừa ra tù vì tội cố ý gây thương tích vào năm 2022, anh N.H.D. (28 tuổi, ngụ xã Phú Ngọc, H.Định Quán) đã được xét cho vay 50 triệu đồng để làm ăn. Tận dụng khu vườn rộng của gia đình, với số vốn vay được, anh đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gà và ba ba. Cho đến nay, với công sức bỏ ra, anh đã có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống.

“Ban ngày, tôi đi làm thuê, còn thời gian rảnh tôi chăm sóc vật nuôi được mua từ nguồn vốn vay. Tôi hy vọng với sự nỗ lực của bản thân sẽ sớm có nguồn thu lo cho gia đình, ổn định cuộc sống” - anh D. chia sẻ.

* Nhiều hoạt động mang lại hiệu quả cao

Trung tá Huỳnh Văn Tấn Đông, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh cho hay, để giúp người chấp hành án phạt tù trở về tái hòa nhập cộng đồng, Công an tỉnh đã xây dựng và triển khai nhiều mô hình ANTT có hiệu quả.

Điển hình nhất là mô hình Quỹ Doanh nhân với ANTT tỉnh từ khi thành lập (năm 2010) đến nay đã có gần 750 lượt doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp với số tiền hơn 25 tỷ đồng. Qua đó, đã tạo điều kiện cho gần 1,3 ngàn trường hợp được vay số tiền xoay vòng hơn 35 tỷ đồng. Đa số những người nhận vốn vay đều sử dụng đúng mục đích, có cuộc sống ổn định, hòa nhập cộng đồng và không tái phạm tội.

Theo trung tá Đông, để duy trì và phát triển được mô hình này là nhờ vào sự ủng hộ rất lớn, chung tay đóng góp của toàn xã hội. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp bền bỉ gắn bó từ ngày đầu thành lập quỹ cho đến nay. Sự chung tay của các doanh nhân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thể hiện tấm lòng vì cộng đồng, sẻ chia với hoàn cảnh của những người đang khao khát hoàn lương. Hơn nữa, thông qua vận động của các cơ quan chức năng, hàng trăm doanh nghiệp lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh cũng đã tạo việc làm cho người sau khi chấp hành án xong, giúp họ có công việc, thu nhập, tránh tái phạm tội.

Công an tỉnh trao vốn vay Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự tỉnh cho người hoàn lương tại H.Trảng Bom trong năm 2023

Tổng giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình (TP.Biên Hòa) Phạm Đức Bình cho hay, từ ngày Quỹ Doanh nhân với ANTT tỉnh ra đời đến nay, mỗi năm ông đều đóng góp hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn sẵn sàng nhận những người mãn hạn tù trở về làm việc tại công ty với mức thu nhập ổn định. Theo ông Bình, đây là hoạt động rất ý nghĩa, mang tính nhân văn. Là chủ doanh nghiệp nên ông cho rằng bản thân phải có trách nhiệm với xã hội, giúp những người sau khi chấp hành án phạt tù có việc làm, thu nhập để sớm hòa nhập cộng đồng.

Còn theo thượng tá Đỗ Khắc Hồng, Trưởng Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (PC10) Công an tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay, PC10 đã hướng dẫn các địa phương tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 730 người và cho 15 người sau khi chấp hành án được vay vốn ngân hàng chính sách với tổng số tiền 500 triệu đồng.

Sau khi được Bộ Công an triển khai thực hiện Quyết định 22, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo PC10 thành lập tổ công tác tiến hành kiểm tra và hướng dẫn công an các thành phố, huyện, xã trong toàn tỉnh thực hiện. Thông qua công tác tham mưu, hướng dẫn của PC10, chỉ sau hơn 1 tháng triển khai, công an các địa phương đã lập danh sách, gửi về cho Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai gần 220 trường hợp đề nghị vay vốn, hiện đã có 1 trường hợp được giải quyết cho vay.

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác tái hòa nhập cộng đồng, thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới nội dung, hình thức nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân, các sở, ban, ngành và đoàn thể; nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác quản lý, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động, từ đó có nhiều đóng góp hơn nữa cho Quỹ Doanh nhân với ANTT tỉnh và tiếp nhận người sau khi chấp hành xong án phạt tù vào làm việc.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202311/nguon-von-thiet-thuc-giup-nguoi-lam-loi-tai-hoa-nhap-cong-dong-0cc61b6/