Nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam vẫn ổn định trước những thách thức chung của khu vực

Theo Báo cáo Quý III/2023 về Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương của Savills cho thấy, thị trường đầu tư bất động sản khu vực này đang đối diện với nhiều thách thức, dẫn đến sự suy giảm đáng kể. Tuy nhiên, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư đang dần được củng cố

Thị trường đầu tư trong khu vực còn nhiều biến động

Theo đó, những thách thức dai dẳng như lãi suất tăng cao và sự bất ổn kinh tế toàn cầu tiếp tục gây trở ngại cho hoạt động đầu tư tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ước tính sơ bộ trong Quý III/2023 cho thấy, tổng khối lượng đầu tư tại khu vực, bao gồm các dự án phát triển và giao dịch đang chờ giải quyết đạt 20,7 tỷ USD, giảm 48% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức thấp nhất kể từ năm 2013.

Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy các nhà đầu tư đang khôi phục niềm tin vào thị trường bất động sản khu vực, được hỗ trợ bởi triển vọng về lãi suất cùng một số giao dịch lớn đang trong giai đoạn kiểm toán kỹ lưỡng.

Theo báo cáo của này cho thấy Nhật Bản vẫn là một tâm điểm quan trọng nhờ hưởng lợi từ chính sách tiền tệ linh hoạt và đồng yên yếu đi. Mặc dù tổng khối lượng đầu tư giảm trong Quý III/2023, thị trường công nghiệp và khách sạn vẫn thể hiện sự mạnh mẽ, bù đắp phần nào cho sự suy giảm của các phân khúc khác.

Hoạt động đầu tư tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vẫn còn nhiều thách thức.

Khối lượng đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp vượt qua khối lượng đầu tư vào văn phòng trong Quý III/2023, nhờ vào nhu cầu không ngừng đối với các kho hàng công nghiệp và trung tâm logistics hiện đại cùng với cơ hội thu lợi nhuận hấp dẫn. Trong đó, khối lượng đầu tư vào văn phòng tiếp tục giảm do các quỹ đa quốc gia đang cố gắng giảm tỷ lệ sở hữu văn phòng và với chi phí vay cao hơn, nhưng vẫn còn một số giao dịch văn phòng đang chờ hoàn tất. Đáng nói, nguồn vốn đầu tư vào bất động sản bán lẻ và khách sạn tại khu vực này vẫn duy trì ở mức thấp trong Quý III/2023, với chỉ 2 giao dịch quan trọng được hoàn thành tại Singapore và Nhật Bản.

Báo cáo của Savills cũng chỉ ra, hoạt động đầu tư xuyên biên giới được thúc đẩy bởi các giao dịch trong khu vực, tuy nhiên tổng giá trị đầu tư giảm 54% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 6 tỷ USD trong Quý III/2023. Singapore chiếm khoảng 50% hoạt động xuyên biên giới.

Dòng vốn từ khu vực Bắc Mỹ đã tăng trở lại sau sự suy giảm mạnh trong quý trước. Nhật Bản vẫn là điểm đến hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài, tiếp theo là Úc và Ấn Độ. Các tài sản công nghiệp, khách sạn và văn phòng là 3 phân khúc hàng đầu về thu hút đầu tư, đặc biệt là các khách sạn Nhật Bản do sự gia tăng lưu lượng khách du lịch trong nước.

Việt Nam vẫn duy trì sức hấp dẫn với nhà đầu tư

Bất chấp sự suy giảm kinh tế toàn cầu, hiệu suất của Việt Nam vẫn duy trì ổn định với sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư sản xuất nước ngoài. Đến cuối tháng 8/2023, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới đăng ký đã tăng 69,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 8,8 tỷ USD. Chính phủ đã triển khai các chính sách tiền tệ để thúc đẩy ổn định kinh tế tổng hợp, trong khi các khoản đầu tư công tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 14,5 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2023.

Giá trị xuất khẩu đã tăng ổn định từ tháng 4/2023, với tốc độ đáng kể lên đến 7,7% so với tháng trước vào tháng 8. Tồn kho tại Mỹ giảm xuống 10% vào tháng 8, điều này tạo thuận lợi cho nhu cầu sản xuất do Mỹ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Đặc biệt, bất động sản công nghiệp tiếp tục là loại hình thúc đẩy đầu tư bất động sản tại Việt Nam. Cụ thể vào tháng 7 vừa qua, Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đã ký Biên bản ghi nhớ với tỉnh Thanh Hóa để phát triển một khu công nghiệp có diện tích 650ha với vốn đầu tư 400 triệu USD. Họ cũng đang xem xét việc phát triển một khu công nghiệp có diện tích 300ha tại Tỉnh Nam Định.

Bất động sản công nghiệp tiếp tục là lĩnh vực thúc đẩy đầu tư tại Việt Nam.

Cùng thời điểm, Suntory Pepsico đã nhận được sự chấp thuận để xây dựng một nhà máy mới tại Long An với tổng vốn đầu tư 185 triệu USD, trong khi Tập đoàn Hyosung có kế hoạch đầu tư gần 1 tỷ USD vào một nhà máy sản xuất sợi carbon tại Vũng Tàu.

Đến cuối tháng 8, ba dự án mới của Khu Công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) đã bắt đầu triển khai, hai dự án đã nhận được sự chấp thuận đầu tư và có 12 thỏa thuận hợp tác phát triển được ký kết. Vào ngày 11/8/2023, một liên doanh giữa Lineage Logistics và SK Logistics cũng đã được công bố để cải thiện và mở rộng hệ thống kho lạnh của Việt Nam.

“Các lĩnh vực sản xuất, thương mại và dịch vụ sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong khi hoạt động M&A bất động sản ngày càng sôi động. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo đuổi việc giảm lãi suất là tín hiệu tốt cho bất động sản nhà ở”, ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc điều hành Savills Việt Nam nhận xét.

An Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguon-von-dau-tu-vao-viet-nam-van-on-dinh-truoc-nhung-thach-thuc-chung-cua-khu-vuc-post270895.html