Nguồn sáng Điện Biên Phủ

Có một câu hỏi cứ trở đi trở lại nhiều lần: Vì sao chúng ta giành chiến thắng ở Điện Biên Phủ, khi so sánh lực lượng giữa ta và địch là một trời một vực? Một đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu, vừa mới giành được độc lập với khó khăn chồng chất buộc phải đối đầu với một cường quốc.

Sắp đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi lại bồi hồi nhớ về những ngày làm lính trong Thành, nơi có những cán bộ tuổi cha chú từng trực tiếp tham gia đánh trận quyết chiến chiến lược tháng 5/1954 ấy. Hồi đó, tôi được giao làm công tác nghiên cứu, biên tập ở Văn phòng Tổng cục Chính trị, có dịp được hầu chuyện các cụ. Đại tá Tiến, quê Phú Thọ năm ấy đã vào tuổi lục thập. Ông là chiến sĩ Điện Biên Phủ.

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. Ảnh tư liệu.

“Chuyện đánh Điện Biên nhộn ra trò, hôm nào rỗi mình kể cho nghe, có khi ối chuyện đăng báo được”, một buổi tối, Đại tá rủ rỉ. “Các cậu bây giờ thật sướng như tiên, học hành đến đầu đến đũa, trẻ măng đã quân hàm cấp tá. Hồi đánh Điện Biên Phủ, cánh mình đêm mơ toàn thấy mùi thuốc súng và mùi đất đá khét lẹt. Cùng đơn vị với mình, Nguyễn Văn Bạch là người đã cho nổ cả tấn bộc phá, làm nứt toác đồi A1.

Để đưa được một nghìn cân thuốc nổ vào cuối đường hầm, cả Đại đội trưởng Nguyễn Phú Xuyên Khung, Tổ trưởng Đảng Lưu Viết Thoảng và Bạch phải bò mãi vào cuối hầm kiểm tra kỹ thuật. Yêu cầu chỉ điểm hỏa một lần phải gây nổ được cả khối bộc phá gắn với năm đường dây cháy chậm và năm nụ xòe. Bạch ở ngoài cửa hầm điểm hỏa bằng nụ xòe. Nếu không nổ thì anh sẽ ôm ba cân thuốc nổ bò vào cuối hầm điểm hỏa bằng... người, như một chiến sĩ cảm tử. Công trạng lớn như núi mà anh ấy có bao giờ nói gì đâu. Ai hỏi đến chuyện này chỉ bảo cấp trên phân công thì làm”.

Đại tá Tiến được biên chế ở tổ thọc sâu, thuộc Đại đội Tô Văn, Đại đoàn 308. Ông kể, nghĩ lại cũng thấy quân ta giỏi thật, chưa nổ súng đánh trận chính đã đánh trận phụ. Phụ nhưng mà oanh liệt ra trò, ấy là trận vượt sông Đà đánh đồn Tu Vũ. “Cánh mình tiêu diệt gọn quân địch, mà không anh nào sứt mẻ gì. Xong trận ấy mình hứng chí cũng làm thơ đấy: “Đêm nay Tu Vũ công đồn/ Sông Đà rực lửa dập dồn quân đi...”.

Trận đánh đồi Độc Lập, thắng địch nhưng mà quân ta hy sinh nhiều! Sau đó lần lượt đánh chiếm các cứ điểm Căng A lớn, Căng A con, đánh sang Bản Kéo. Có đêm cánh mình đào hào dưới ánh trăng như dát vàng. “Đầu súng trăng treo” của ông Chính Hữu đã nhằm nhò gì ”.

Ngày 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến, Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam phấp phới bay trên nóc hầm Tướng De Castries. Ảnh tư liệu.

Tướng De Castries, sau khi thất bại trở về Pháp, đã trả lời trước Ủy ban Điều tra của Bộ Quốc phòng Pháp về thất bại ở Điện Biên Phủ: “Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc”.

Những ấn tượng in đậm trong chúng tôi ngày đó phần nhiều qua lời kể của những người đi trước. Gần một tấn thuốc nổ rung trời Điện Biên vào đêm 6/5. Sức công phá dữ dội, đồi A1 như vỡ vụn, đá sỏi như bị nghiền nát. Đó là đòn đánh lớn, bất ngờ khiến cho những công trình quân sự vô cùng kiên cố của địch lung lay như gặp cơn bão lớn, báo hiệu ngày tàn của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Và rồi hôm sau, ngày cuối cùng trong “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, bộ đội ta phất cao cờ chiến thắng, tiến thẳng vào sở chỉ huy địch, Tướng De Castries và toàn bộ lực lượng tham mưu tại tập đoàn cứ điểm bị bắt sống.

Đó là hình ảnh lẫm liệt Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng; Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo. Đó là cả “binh đoàn xe thồ” chở gạo ra mặt trận. Những con số này đã nói lên tất cả: Tính chung trong chiến dịch, nhân dân ta đã đóng góp 25.560 tấn gạo, 226 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm. Đã có gần 26.500 lượt dân công, gần 30 nghìn xe đạp thồ, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ, 3.130 chiếc thuyền... được huy động phục vụ chiến dịch.

Huyền thoại xe đạp thồ đã được nhà văn, cựu chiến binh Pháp Jules Joy (1907-2000), người đoạt Giải thưởng Văn học của Viện Hàn lâm Pháp vào năm 1958, viết trong cuốn “Trận Điện Biên Phủ”: “Đã có hàng trăm tấn bom được ném xuống các tuyến giao thông và những con đường tiếp vận của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhưng chẳng bao giờ cắt đứt nổi những con đường ấy… Tướng Navarre bị thua chính là những chiếc xe đạp thồ với những kiện hàng từ 200 đến 320 kg được điều khiển bởi những con người ăn không thật no và ngủ thì nằm ngay trên những mảnh nilong trải trên đất”.

Những ấn tượng đó không chỉ in sâu trong tâm trí những người lính Cụ Hồ, lớp cha trước lớp con sau mà các thế hệ hôm nay và mai sau nữa không thể nào quên. Đó là cuốn biên niên sử vĩ đại. Đó là chiến thắng thuộc về sức mạnh văn hóa Việt Nam, sức mạnh của lòng yêu nước vô bờ bến. Có một câu hỏi cứ trở đi trở lại nhiều lần: Vì sao chúng ta giành chiến thắng ở Điện Biên Phủ, khi so sánh lực lượng giữa ta và địch là một trời một vực? Một đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu, vừa mới giành được độc lập với khó khăn chồng chất, buộc phải đối đầu với một cường quốc.

Với số quân đông, hỏa lực mạnh, công sự vững chắc, đối phương rất tự tin, bởi đây là “một tập đoàn cứ điểm đáng sợ”, “một pháo đài bất khả xâm phạm”, “sức kháng cự của Việt Minh chỉ như con muỗi chích con hổ” (!) Xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thực dân Pháp hòng thực hiện ý đồ thu hút chủ lực ta lên đó để tiêu diệt, rồi chuyển sang tiến công ta. Nhưng ý đồ ấy đã tiêu tan. Sau này, chính các nhà nghiên cứu văn hóa quân sự Pháp thừa nhận rằng, Việt Nam chiến thắng không chỉ nhờ ở tài thao lược của nghệ thuật quân sự mà còn là kết quả từ tầng sâu văn hóa của một dân tộc. Tầng sâu văn hóa, tầm cao trí tuệ ấy được hình thành, được bồi tụ qua hàng nghìn năm văn hiến.

Một góc TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên hôm nay.

Năm 1993, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp M. Bigeard, nguyên Trung tá, Phó Chỉ huy của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khi thăm lại chiến trường xưa đã nói với một nhà quay phim nước ngoài: “Nếu tôi là người Việt Nam, tôi cũng sẽ trở thành Việt Minh”. Tướng De Castries, sau khi thất bại trở về Pháp, đã trả lời trước Ủy ban Điều tra của Bộ Quốc phòng Pháp về thất bại ở Điện Biên Phủ: “Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc”. Chúng ta chiến thắng là vì dân tộc ta có tinh thần yêu nước, có khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng.

Ngay sau chiến thắng lẫy lừng, Thư của Ban Chấp hành T.Ư Đảng gửi các cấp ủy và cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 11/5/1954 nhận định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là một chiến thắng rất lớn của quân và dân ta từ trước đến nay… Bộ đội trên Mặt trận Điện Biên Phủ đã quyết tâm tiêu diệt địch, chịu đựng gian khổ, anh dũng chiến đấu. Bộ đội và dân quân du kích trên chiến trường toàn quốc đã liên tục hoạt động phối hợp. Cán bộ và chiến sĩ trong và ngoài Đảng đã trên dưới một lòng hoàn thành nhiệm vụ. Nhân dân đã tích cực tham gia kháng chiến, hăng hái phục vụ tiền tuyến, đi dân công”.

Chúng ta chiến thắng là nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Diễn biến của chiến dịch đã thể hiện bước trưởng thành vượt bậc về tác chiến của quân đội ta, đặc biệt là việc thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là quyết định lịch sử đúng đắn, sáng tạo, một minh chứng về tài quân sự, tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và lòng dũng cảm của vị Tổng Tư lệnh - Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như sự đồng lòng của cán bộ, chiến sĩ ngoài mặt trận và của toàn dân ta.

Đại tướng sau này đã viết trong hồi ức “Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử”: “Ngày hôm đó (26/1/1954), tôi đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình!”. Vào thời điểm trăn trở với quyết định tấn công, trong tâm trí ông luôn vang lên lời dặn dò của Bác Hồ: “Tướng quân tại ngoại. Trao chú toàn quyền quyết định. Chắc thắng mới đánh. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”.

Lịch sử đất nước ta, dân tộc ta đã sang những trang mới. Chiến thắng Điện Biên Phủ, bản hùng ca bất hủ, “một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử” (lời Bác) trong thế kỷ XX, vẫn đang cổ vũ chúng ta đi tới. Thời kỳ toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, năm châu bốn biển một nhà. Quan hệ Việt Nam và Pháp cũng như quan hệ với các quốc gia trên thế giới hôm nay là quan hệ giữa những người bạn lớn.

Hà Nội dang rộng vòng tay yêu thương đón bè bạn bốn phương, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, vì hòa bình, hữu nghị và phát triển. Chiến thắng Điện Biên Phủ - đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - như một tiếng chuông buổi sớm, một tiếng sấm đầu mùa, dự báo một trang sử mới cho nhân loại. Trong thời đại ngày nay, nguồn sáng Điện Biên Phủ cổ vũ chúng ta vững tin trên đường lớn, vì đất nước giàu mạnh, hạnh phúc, vì thế giới hòa bình.

Hải Đường

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nguon-sang-dien-bien-phu-075916.bbg