Nguồn nhân lực công nghiệp văn hóa: Cần gì, thiếu gì?

Để phát triển công nghiệp văn hóa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hiện có, việc khai thác, phát huy tối đa sức mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao là điều kiện tất yếu. Tuy vậy, đây rõ ràng là 'bài toán đường dài', trong khi nguồn nhân lực thực tế hiện nay vẫn còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng với kỳ vọng, mục tiêu của các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta.

Không gian sáng tạo tại phố Phùng Hưng, Hà Nội. (Nguồn ảnh: Sở Du lịch Hà Nội)

“Mở khóa” cho nhân lực sáng tạo

Theo “Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa”, 12 lĩnh vực cần tập trung triển khai gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật - nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa. Với số lượng lĩnh vực nhiều và rộng như vậy, nếu không xác định được trọng tâm của công tác đào tạo nhân lực sẽ dễ dẫn đến sự dàn trải, không hiệu quả, tốn kém nguồn lực.

Tháng 12/2023, tại “Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, để công nghiệp văn hóa (CNVH) nước ta sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam “Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Cạnh tranh”, trên nền tảng văn hóa “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng” của “Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943”.

Trong các yếu tố quan trọng để phát triển CNVH, sáng tạo trở thành yếu tố đứng đầu, là tâm điểm hội tụ kết nối các ngành nghề, lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Trên cơ sở này, các nguồn lực về cơ chế chính sách, thiết chế văn hóa, khoa học công nghệ, hợp tác... mang tính nền tảng quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý, môi trường để ươm mầm tài năng sáng tạo. Các quỹ hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa ưu tiên cho sáng tạo, hỗ trợ học bổng cho các tài năng trẻ, trao phần thưởng cho các dự án, công trình, sản phẩm sáng tạo... Đặc biệt, công tác đào tạo nhân lực cũng phải lấy yếu tố sáng tạo là trung tâm.

Nói cách khác, nguồn nhân lực thực sự “sáng tạo” và “công nghiệp” là trụ cột của công cuộc xây dựng và phát triển các ngành CNVH. Ví dụ, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 nằm trong nhóm các thành phố có ngành CNVH phát triển hàng đầu có thương hiệu, sản phẩm uy tín, khả năng cạnh tranh cao với các Thành phố trong khu vực và là “Thành phố sáng tạo” có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á. Mục tiêu đến năm 2045, Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” của khu vực châu Á, thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm văn hóa, du lịch lớn đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế. Để làm được điều này, nguồn nhân lực chính là thành tố cấu thành quan trọng, quyết định trực tiếp đến quá trình xây dựng thương hiệu, chất lượng và sức mạnh cho CNVH Thủ đô.

Tại nhiều diễn đàn, hội thảo trực tiếp và trực tuyến bàn về vấn đề này, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa đều thống nhất quan điểm, nguồn nhân lực là tài nguyên quan trọng, xuyên suốt. Phát huy tối đa sức mạnh của nguồn nhân lực sẽ góp phần xây dựng thành công ngành CNVH lớn mạnh, bền vững. Theo đó, khởi điểm nên bắt đầu từ trẻ em được giáo dục, hướng nghiệp, kết nối với xã hội để sẵn sàng cho tương lai, trong đó tính sáng tạo được đặt ở trọng tâm. Chẳng hạn, riêng trong lĩnh vực nghệ thuật, việc bổ sung thêm các hình thức giáo dục sáng tạo kết hợp với giáo dục khoa học sẽ hình thành một hệ sinh thái giáo dục sáng tạo, góp phần thúc đẩy tài năng, nguồn nhân lực sáng tạo trẻ, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô.

Bên cạnh đó, công tác phát hiện các tài năng trẻ để đưa vào nguồn đào tạo, bồi dưỡng cần được đẩy mạnh hơn. Dù vậy trên thực tế, công tác đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ còn nhiều bất cập, nhất là những bộ môn truyền thống. Trong khi đó, vẫn chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích hữu hiệu để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư để phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật. Công tác đào tạo, chuẩn bị lực lượng kế thừa chưa được chính các đơn vị nghệ thuật nhà nước quan tâm đúng mức, dẫn đến sự thiếu hụt nhân sự kế thừa trong nhiều vị trí, lĩnh vực, từ nhân sự lãnh đạo cho đến đội ngũ trực tiếp làm nghệ thuật. Lao động nghệ thuật là loại hình lao động “khổ luyện” mang nhiều tính chất đặc thù, do đó chế độ đãi ngộ cần được bảo đảm phù hợp để thu hút nhân tài.

Thiếu gì, cần gì để thực sự đổi mới?

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cần chú trọng xây dựng nhân lực sáng tạo. (Nguồn ảnh: Báo Hà Nội Mới).

Làm thế nào để có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu và nhu cầu phát triển công nghiệp văn hóa nước ta? Đầu tiên là sự cần thiết phải thay đổi về mặt tư duy và nhận thức từ chính những người đang hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa và rộng hơn là cả xã hội. Đây là điều liên tục được đề cập tới nhưng để thực hiện được không hề dễ dàng. Để tạo ra một sự đổi mới trong công tác phát triển nguồn nhân lực sáng tạo, bền vững liên quan đến cả những yếu tố vĩ mô như cơ chế, chính sách cho đến những yếu tố vi mô như hành động, nhận thức của từng cá nhân. Chính vì thế, trải qua nhiều năm nay, các ngành CNVH ở nước ta vẫn phải “loay hoay” tìm cách đổi mới.

Trong báo cáo tóm tắt “Kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008” của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” tại TP Hồ Chí Minh - một trong hai trung tâm CNVH lớn nhất cả nước, ghi nhận lực lượng văn nghệ sĩ thành phố có sự phát triển đáng kể, nhất là lực lượng sáng tác trẻ. Tuy nhiên, qua 15 năm triển khai, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trên địa bàn thành phố cũng còn một số hạn chế nhất định. Chẳng hạn như, văn hóa, văn học, nghệ thuật vẫn chưa được một số cấp ủy đảng, chính quyền nhận thức và quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng. Các tác phẩm văn học, nghệ thuật ngày càng nhiều, song còn ít tác phẩm văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ và giá trị. Chế độ, chính sách cho văn nghệ sĩ chưa phù hợp, chưa tạo được sức hút với các tài năng.

Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, được phê duyệt vào tháng 10/2023, cũng chỉ ra, đội ngũ làm trong các lĩnh vực của CNVH chưa được tiếp cận các kỹ năng cần thiết và phát triển chuyên môn để thích ứng trước yêu cầu mới. Hầu hết các lĩnh vực từ điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh, thời trang, quảng cáo, du lịch văn hóa… đều ghi nhận tình trạng nguồn nhân lực thiếu, yếu, không đồng đều và chưa đồng bộ. Bởi vậy, Đề án cũng nhấn mạnh việc xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến việc phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ hiện đại để tạo nền tảng, cơ sở sản sinh ra các sản phẩm văn hóa mang tính công nghiệp, chất lượng cao, phù hợp thị trường. Về vấn đề xã hội hóa, thành phố sẽ sớm có cơ chế đặc thù để định hướng ủng hộ, tạo điều kiện, hỗ trợ hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân mang tính đầu tàu, dẫn dắt, tiên phong phát triển 8 ngành CNVH mũi nhọn của thành phố.

Rõ ràng, bên cạnh những yếu tố nền tảng như cơ chế, chính sách, môi trường khuyến khích tối đa sự sáng tạo, chính các tác giả, những lao động trong các ngành CNVH cũng phải ý thức và có khả năng tạo ra những sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao, ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Chỉ khi có những sản phẩm CNVH thực sự chất lượng cao mới có một nền công nghiệp văn hóa thực chất, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Có một thực tế là đa số đội ngũ nhân lực từ quản lý, kinh doanh cho đến sáng tạo trong các ngành CNVH ở Việt Nam hiện nay chủ yếu được đào tạo trong nước, số lượng được đào tạo bài bản ở môi trường nước ngoài chưa nhiều. Kinh nghiệm Hàn Quốc từng cử hàng ngàn nhân sự sang Hollywood (Hoa Kỳ) học hỏi, sau đó về nước và trở thành đội ngũ cốt cán, cho thấy công tác đào tạo nguồn nhân lực có khả năng cạnh tranh phải gắn với nhu cầu thực tiễn hội nhập quốc tế. Đào tạo ở lĩnh vực văn hóa không chỉ dừng ở kiến thức nghệ thuật, chuyên ngành mà còn đa lĩnh vực để nắm bắt thời cơ. Đặc biệt, tái đào tạo là yêu cầu bắt buộc để không lạc hậu trước những chuyển động không ngừng của xã hội.

Cuối cùng, ngoài chú trọng đến các nguồn nhân lực chính, công tác đào tạo cũng không thể “bỏ quên” những người thụ hưởng văn hóa. Dù không trực tiếp tham gia vào ngành công nghiệp văn hóa, công chúng vừa là động lực cho người làm sáng tạo vừa là “thước đo” cho những tác phẩm nghệ thuật, sản phẩm, dịch vụ chất lượng. Bởi vậy, việc cải thiện thẩm mỹ, nhu cầu, thị hiếu thưởng thức của công chúng cũng là khía cạnh rất quan trọng, góp phần kích thích sự đổi mới, sáng tạo.

Đỗ Trang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nguon-nhan-luc-cong-nghiep-van-hoa-can-gi-thieu-gi-post501759.html