Nguồn lực và động lực cho phát triển - tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương

Ngày 28.3, tại Quảng Ninh, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và Tỉnh ủy Quảng Ninh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: 'Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid -19 - Tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương'.

Dự hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký; Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải; Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan; Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng; Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc; Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được...

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu đề dẫn Hội thảo

Hội thảo bàn thảo vấn đề có ý nghĩa quan trọng, mang tính thời sự, cấp thiết đối với sự phát triển của đất nước và mỗi địa phương, nhất là khi cả nước đang quyết liệt triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương của Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII, Kết luận số 24-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid -19, Việt Nam cần nhận diện đúng, dự báo trúng và bắt nhịp nhanh với các xu hướng toàn cầu, hiểu rõ phương châm, cách tiếp cận của những nước đi sau, những nền kinh tế có quy mô nhỏ và vừa. “Nếu như không thể đứng được trên vai của những người khổng lồ thì chí ít cũng có thể đi cùng với họ, để khai thác tốt nhất những động lực và nguồn lực bên ngoài, không chỉ để khắc phục những hệ lụy của đại dịch Covid - 19 mà còn phải kiến tạo được những nền tảng cho sự phát triển trong trung và dài hạn”.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội đã thông qua gói chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Khẳng định đây là nguồn vốn rất quan trọng, nhưng với yêu cầu phát triển hiện nay, ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, các địa phương cần nỗ lực hơn nữa trong việc tìm kiếm, khơi thông, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, các nguồn lực tại chỗ, nhất là các nguồn lực đa dạng trong nhân dân, để hiện thực hóa các sáng kiến phát triển của mình.

Gợi mở cách tiếp cận mới trong việc huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, xác lập động lực mới cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xuất phát từ xu hướng toàn cầu - tầm nhìn quốc gia - hành động địa phương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, chia sẻ, thảo luận về: cơ hội, thách thức, đặc điểm nguồn lực và động lực mới cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh; nhìn nhận và xử lý đúng đắn vấn đề nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội từ phương diện quản trị địa phương gắn với thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng, tổ chức lãnh thổ; nâng cao chất lượng thể chế địa phương trong kiến tạo, chuyển hóa, tái tạo, giải phóng tối đa các nguồn lực, biến tiềm năng thành hiện thực, biến thách thức thành cơ hội phát triển; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực, kết nối giữa nguồn lực của khu vực nhà nước với nguồn lực của khu vực ngoài nhà nước, giữa nguồn lực trung ương và nguồn lực tại chỗ, nhất là nguồn lực trong nhân dân và nắm bắt, chuyển hóa, tái tạo, tận dụng các nguồn lực mới…

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Hơn 20 tham luận, thảo luận trực tiếp tại hội thảo đã tập trung làm rõ nhiều vấn đề mới, đang bức thiết đặt ra, bàn sâu từ phương diện quản trị địa phươngvề vai trò, vị trí, phương pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả, thành công đột phá, bài học hay, kinh nghiệm quý, kể cả những tồn tại, bất cập, vướng mắc, điểm nghẽn, từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị có giá trị trong huy động, phân bổ, sử dụng tối ưu nhất nguồn lực và tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước và các địa phương.

Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu ý kiến

Các đại biểu thống nhất cho rằng, những biến cố, khủng hoảng là điều không mong muốn, nhưng cũng là cơ hội để nhận ra những bất cập, điểm yếu mà ở trạng thái bình thường chưa lộ rõ, từ đó điều chỉnh một cách có hệ thống việc khai thác, sử dụng các nguồn lực có hiệu quả hơn, tạo động lực phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn. Cùng với việc phát huy đa dạng các nguồn lực, cả nguồn lực hữu hình - vô hình, nguồn lực vật chất - tinh thần, nguồn lực truyền thống - mới…, các đại biểu cũng lưu ý, mỗi nguồn lực có những đặc điểm riêng, cần cách thức khơi dậy, khai thác, sử dụng và phát huy riêng để chuyển hóa thành các động lực phát triển, chú trọng những thế mạnh riêng có của địa phương. Phải coi trọng quản trị địa phươngtrên cả 3 trụ cột chính là: thể chế - bộ máy - con người, nhất là gia tăng năng lực quản trị, năng lực dự báo và ra quyết định, nhạy bén với biến chuyển tình hình, gắn với thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng, tổ chức lãnh thổ…

Các đại biểu cũng đi sâu phân tích, tìm kiếm giải pháp khơi thông, giải phóng các nguồn lực cụ thể, như: nguồn lực tài chính công; nguồn lực đất đai; nguồn nhân lực; thể chế phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; chính sách tài khóa; nguồn lực xã hội; bảo đảm an sinh xã hội; nguồn tài nguyên văn hóa; năng lực hấp thu công nghệ và tăng cường mối liên kết giữa các thành phần kinh tế; phát triển kinh tế biển xanh; phục hồi ngành du lịch; nâng cao hiệu quả quản trị địa phương; phát huy nguồn lực, sức mạnh của khu vực ngoài nhà nước; cải tiến chỉ số cải cách thủ tục hành chính…

Toàn cảnh Hội thảo

Nhấn mạnh tầm quan trọng của liên kết vùng, các đại biểu lưu ý, các địa phương phải vượt qua tư duy cục bộ, cát cứ, chủ nghĩa địa phương; cần xác định nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài, đồng thời, tranh thủ các nguồn ngoại lực, coi nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Phải biết dựa vào dân, huy động sức mạnh trong nhân dân không chỉ giúp hóa giải bộn bề khó khăn, mà còn có thể mở ra những không gian, dư địa phát triển mới ngay trong biến cố, thách thức...

Bế mạc hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, Ban Tổ chức sẽ tiếp thu và báo cáo các nội dung có liên quan về việc khai thác, phân bổ, tối ưu hóa sử dụng nguồn lực và tạo động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tiếng nói từ các địa phương, tới Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan chức năng có liên quan.

Tin và ảnh: Thành Trung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nguon-luc-va-dong-luc-cho-phat-trien---tam-nhin-quoc-gia-va-hanh-dong-dia-phuong-1pt0xcpyrm-81478