Nguồn gốc tên gọi trái 'khổ qua'

Truy về nguồn gốc, tên gọi 'khổ qua' có nét nghĩa tương đồng với tên gọi 'mướp đắng'.

Chúng ta hẳn chẳng còn xa lạ gì với trái khổ qua mà ở miền Bắc gọi là “mướp đắng”. Ở nhiều nơi, người ta đọc trại thành “ô qua” hay “đỗ qua”, nhưng chắc chắn tên gốc là “khổ qua”. Vì sao nói vậy?

Ảnh: Plantura.

Dễ dàng tìm hiểu được, “khổ qua” là một từ Hán Việt [...]. Trong đó, “khổ” có nghĩa gốc là “đắng, vị đắng”, từ đó phát sinh ra nghĩa mở rộng là “chịu đựng vất vả, cực nhọc”. Đây cũng là “khổ” trong “cực khổ”, “đau khổ”, “khổ sở”, “khổ tâm”... Ngoài ra, ta còn có thành ngữ “khổ tận cam lai”, nghĩa gốc là “vị đắng hết thì vị ngọt sẽ đến”, nghĩa chuyển là “hết thời khó nhọc sẽ đến ngày yên vui".

Còn về “qua”, theo Từ điển Hán Việt của Trần Văn Chánh giảng: “Qua: Dưa, bầu, mướp, bí”. Còn theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu thì giải thích: “Dưa, các thứ dưa có quả đều gọi là qua”. Nhìn chung, trong tiếng Hán, đây là chữ thường được ghép vào tên của các loại quả có hình bầu dục hoặc thon dài. Chẳng hạn, “tây qua” là dưa hấu, “đông qua” là “bí đao”, “nam qua” là “bí ngô” (miền Nam gọi là “bí đỏ”), “ty qua” là “mướp”, “mộc qua” là “đu đủ”, “hoàng qua” là “dưa chuột”, “phật thủ qua” là “su su”,…

Như thế, “khổ qua” có thể được dịch thuần là “loại dưa mướp có vị đắng”, khá gần với tên “mướp đắng” ở miền Bắc. Do sự đồng âm mà nhiều người vẫn hay nói vui là “ăn khổ qua cho qua cái khổ”.

Nói về dưa mướp, tiếng Hán có từ “qua cát” (dưa và dây sắn) để chỉ những người họ hàng, thân thích. Từ này được cho là khởi nguồn của “dây dưa” trong tiếng Việt. Ngoài ra, ta còn có “qua lí”, tức “dưa và mận”, lấy ý từ câu “qua điền bất nạp lí, lí hạ bất chỉnh quan” (đừng sửa dép ở ruộng dưa, đừng sửa mũ dưới cây mận; do hai hành động này dễ khiến ta bị tình nghi là muốn ăn trộm dưa, ăn trộm mận). Truyện Quan Âm Thị Kính cũng có đoạn: “Ngán thay sửa dép ruộng dưa/Dẫu cho ngay chết cũng ngờ rằng gian”.

Lê Trọng Nghĩa (chủ biên)

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguon-goc-ten-goi-trai-kho-qua-post1463564.html