Nguồn cơn dẫn đến bạo loạn chết người, buộc Pháp ban bố tình trạng khẩn cấp ở New Caledonia?

Pháp đã lệnh cho quân đội bảo vệ các cảng và sân bay quốc tế tại vùng lãnh thổ New Caledonia ở Thái Bình Dương khi tình trạng khẩn cấp được ban bố ngày 16/5, sau 2 đêm bạo loạn khiến 4 người chết và hàng trăm người bị thương.

 Một tòa nhà bị phá hủy bởi những kẻ bạo loạn ở Noumea, New Caledonia. Ảnh: Reuters

Một tòa nhà bị phá hủy bởi những kẻ bạo loạn ở Noumea, New Caledonia. Ảnh: Reuters

Tình trạng bạo lực nhất trong 4 thập kỷ

Tình trạng hỗn loạn xảy ra sau khi Quốc hội Pháp ủng hộ những thay đổi gây tranh cãi về danh sách cử tri mà các nhà lãnh đạo người Kanak bản địa cho rằng sẽ làm giảm sức ảnh hưởng từ lá phiếu của họ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề nghị tổ chức các cuộc trao đổi vào ngày 16/5 với các nhà lập pháp New Caledonia, đồng thời phê chuẩn việc sử dụng lực lượng an ninh và lệnh giới nghiêm vào ban đêm để chấm dứt tình trạng bạo lực tồi tệ nhất trong 4 thập kỷ qua.

Các cửa hàng bị cướp phá và các tòa nhà công cộng bị phóng hỏa trong cuộc bạo loạn xảy ra vào ban đêm. Các quan chức cho biết, 4 người trong đó có một hiến binh đã thiệt mạng. Họ nói thêm rằng hàng trăm người đã bị thương.

New Caledonia, nằm giữa Australia và Fiji, là một trong số vài vùng lãnh thổ trên toàn cầu vẫn đang thuộc Pháp trong thời kỳ hậu thuộc địa. Trở thành thuộc địa của Pháp từ nửa sau thế kỷ XIX, nó có vị thế đặc biệt, không giống như các lãnh thổ hải ngoại khác của nước này.

Mặc dù đã 3 lần từ chối độc lập trong các cuộc trưng cầu ý dân, nhưng trong số những người dân Kanak vẫn tồn tại sự ủng hộ mạnh mẽ đối với nền độc lập.

Ông Macron kêu gọi nối lại đối thoại chính trị. Nhưng người phát ngôn của Chính phủ Prisca Thevenot cho biết, Chính phủ Pháp đã phê chuẩn tình trạng khẩn cấp từ sáng 16/5.

Thủ tướng Gabriel Attal phát biểu trong một cuộc họp cấp bộ trưởng về khủng hoảng rằng, quân đội đã được triển khai để bảo vệ các cảng biển và cảng hàng không quốc tế và đại diện chính quyền ở New Caledonia đã “cấm TikTok”. Thủ tướng Attal cho biết nền tảng mạng xã hội này đã được những kẻ bạo loạn sử dụng.

Cảng hàng không New Caledonia đã dừng các chuyến bay quốc tế. Ông Attal cho biết, tình hình ở New Caledonia hiện rất "nghiêm trọng" nhưng ưu tiên của chính phủ là "khôi phục bình yên" để có thể thiết lập một cuộc đối thoại.

Người phát ngôn Thevenot cho biết thêm, trong tình trạng khẩn cấp, chính quyền sẽ có thể thực thi các lệnh cấm đi lại, quản thúc tại gia và khám xét.

Nhà chức trách cho biết, 5 nhà hoạt động đòi độc lập cực đoan bị cáo buộc tổ chức bạo lực đã ngay lập tức bị quản thúc tại gia.

Văn phòng Chính phủ Pháp ở Noumea cho biết hôm 16/5 rằng, khoảng 70 người đã bị giam giữ trong 24 giờ qua. Người đứng đầu văn phòng, Louis Le Franc cho biết, khoảng 200 "kẻ bạo loạn" đã bị giam giữ trong suốt tuần này và mô tả tình hình "có tính chất bạo động".

Cùng với lệnh giới nghiêm ban đêm, còn có lệnh cấm tụ tập, mang vũ khí và bán rượu.

Le Franc cho biết thêm, quân đội và lực lượng an ninh sẽ được điều tới New Caledonia và cho đến nay đã có 64 cảnh sát và lực lượng an ninh bị thương trong các vụ gây rối.

Người phát ngôn của chính phủ cho biết, gần 1.800 nhân viên thực thi pháp luật đã được huy động và thêm 500 người nữa sẽ được tăng cường.

Tổng thống Macron đã hủy chuyến đi theo kế hoạch tới các tỉnh của Pháp để chủ trì một cuộc họp khẩn cấp mới vào ngày 16/5.

 Những chiếc ô tô bị đốt phá sau khi các cuộc biểu tình trở nên bạo lực ở Noumea, New Caledonia. Ảnh: Reuters

Những chiếc ô tô bị đốt phá sau khi các cuộc biểu tình trở nên bạo lực ở Noumea, New Caledonia. Ảnh: Reuters

Đốt phá và cướp bóc

Tại Noumea và Paita, đã có thông tin về các cuộc đọ súng giữa các nhóm dân phòng và người biểu tình.

Đường phố ở thủ phủ của New Caledonia đầy rẫy những bộ khung xe ô tô và các tòa nhà bị cháy rụi. Chính quyền địa phương cho biết: “Nhiều vụ đốt phá và cướp bóc các cửa hàng, cơ sở hạ tầng và các tòa nhà công cộng – bao gồm cả trường tiểu học và trung học – đã được thực hiện”.

Trong một tuyên bố, lực lượng an ninh cho biết, đã giành lại quyền kiểm soát nhà tù Noumea, nơi giam giữ khoảng 50 tù nhân, sau một cuộc nổi dậy và âm mưu trốn trại của các tù nhân.

Khi người dân đổ xuống đường, Quốc hội Pháp ở cách đó 17.000km đã bỏ phiếu cho phép những người đã sống ở New Caledonia 10 năm được bỏ phiếu. Động thái cải cách này vẫn phải được sự chấp thuận của lưỡng viện trong Quốc hội Pháp.

Các lực lượng ủng hộ độc lập nói rằng điều đó sẽ làm giảm sức ảnh hưởng từ lá phiếu của người Kanak, nhóm bản địa chiếm khoảng 41% dân số ở New Caledonia.

Nhưng những người ủng hộ cải cách cho rằng, danh sách cử tri đã không được cập nhật kể từ năm 1998 - khiến những cư dân trên đảo đến sau đó không được tham gia các cuộc bầu cử cấp tỉnh.

Ông Macron cho biết, các nhà lập pháp của Pháp sẽ bỏ phiếu để dứt khoát thông qua nội dung thay đổi hiến pháp này vào cuối tháng 6 trừ khi các bên đối lập ở New Caledonia đồng ý về một văn bản mới "có tính đến những tiến bộ đã đạt được và nguyện vọng của mọi người".

Các đảng ủng hộ và phản đối độc lập ở New Caledonia đã đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi đưa"sự bình tĩnh và lý trí" trở lại quần đảo này, đồng thời nói thêm rằng "định mệnh của chúng tôi là tiếp tục chung sống".

Hoàng Bách (Theo AFP)

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/nguon-con-dan-den-bao-loan-chet-nguoi-buoc-phap-ban-bo-tinh-trang-khan-cap-o-new-caledonia-post289408.html