Người xin mở đại học tư thục đầu tiên

Không chỉ là nữ giáo sư Toán học đầu tiên Việt Nam, bà Hoàng Xuân Sính (SN 1933, Hà Nội) còn đặt nền móng và kiên trì đấu tranh cho mô hình giáo dục tư thục nước ta.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên

Trong căn phòng làm việc nhỏ, GS Hoàng Xuân Sính lật giở từng bức ảnh, trang sách hồi nhớ lại kỷ niệm cách đây tròn 35 năm, về lần gặp mặt ngắn ngủi nhưng làm thay đổi bối cảnh của toàn nền giáo dục Việt Nam bấy giờ.

Thời đó, đất nước vừa mở cửa, mọi thứ vẫn đang rất khó khăn, các cơ quan công quyền, trường học hoàn toàn hoạt động dựa trên sự bao cấp của Nhà nước. Do đó, việc xin thành lập một trường đại học tư thục là điều khó khăn đến mức không tưởng. Nhắc đến chữ “tư” sẽ bị từ chối ngay vì quá mới mẻ.

Giáo sư Hoàng Xuân Sính trong giai đoạn 1981 - 1994.

Đầu tháng 12/1988, sau nhiều lần bị các đơn vị từ chối đề xuất mở trường đại học tư thục đầu tiên, GS Hoàng Xuân Sính quyết định một mình tới gặp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Để gặp được Tổng Bí thư, GS Sính phải nhờ qua nhiều cấp, trong đó có Sở Khoa học công nghệ đứng ra bảo lãnh. “Không hiểu sao lúc đó tôi liều đến thế. Tôi hồi hộp bước vào phòng làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh", GS Hoàng Xuân Sính nhớ lại.

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi, quý báu, bà Sính trình bày ngắn gọn về mục tiêu, ý tưởng xin mở trường tư, không xin tiền Nhà nước. "Thật bất ngờ Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đồng ý ngay và hứa sẽ chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ thành lập mô hình mới này", bà nói.

Ngay sau cuộc gặp định mệnh ấy, GS Hoàng Xuân Sính tiếp tục đến xin Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó đang là Phó Thủ tướng phụ trách khoa học, giáo dục để nhờ xem xét thêm, nhanh chóng thúc đẩy cho mô hình mới này được ra đời.

“Vài ngày sau, Ban Khoa giáo Trung ương, Bộ Đại học mời tôi lên nói chuyện thành lập trường”, bà kể lại.

Bà thuyết phục Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và lãnh đạo các cấp xin mở trường tư thục với hai lý do: giúp giảng viên bớt khổ, có thể sống bằng nghề của mình và thay đổi giáo trình giảng dạy, mang kiến thức du học nước ngoài truyền đạt tới các thế hệ sinh viên.

Vạn sự khó khởi đầu

Theo nữ giáo sư, trên con đường mở ra mô hình đại học tư thục phải nhắc đến GS Bùi Trọng Liễu - người đầu tiên có ý tưởng thai nghén. Khi ấy, GS Bùi Trọng Liễu đang giảng dạy tại Đại học Paris 5 (Pháp) đã gửi thư cho 5 vị giáo sư tên tuổi trong nước, gồm: Hoàng Xuân Sính, Hoàng Tụy, Phan Đình Diệu, Nguyễn Đình Chí và Bùi Trong Lựu.

Trong thư, GS Liễu gợi ý các nhà khoa học trong nước thành lập một trường đại học tư thục, vừa để khắc phục những nhược điểm của đại học công lập lúc bấy giờ, đồng thời, giúp giáo viên có thể sống bằng lương, toàn tâm toàn ý cho giáo dục mà không bị ảnh hưởng bởi cơm áo gạo tiền.

Đây chính là sự gợi mở đầu tiên cho bà. “Cả 5 giáo sư nhận được thư đều họp bàn về chuyện này rất nhiều lần. Thế nhưng đều không mấy ai dám đứng lên khởi xướng, đề xuất ý tưởng vượt thời đại này”, GS Sính chia sẻ.

Nữ Giáo sư Toán đầu tiên của Việt Nam Hoàng Xuân Sính.

Bà đánh liều viết tâm thư, có chữ ký của các nhà khoa học khác, gửi lên Bộ Đại học. Đúng như dự đoán, Bộ Đại học không trả lời kiến nghị. Và không chỉ các cấp quản lý, nhiều người cũng hoài nghi, ngăn cản bà không nên cố gắng mở đường. Tuy nhiên, với một người từng được đi học ở nước ngoài, tiếp xúc với nhiều nhà khoa học, nhà lãnh đạo lỗi lạc trên thế giới lúc bấy giờ, bà vẫn kiên định niềm tin mô hình này sẽ thành công.

Sau vài tháng nỗ lực, gõ cửa khắp các cơ quan, đơn vị, may mắn bà nhận được sự chấp thuận từ lãnh đạo cấp cao nhất cho thử nghiệm mô hình này. Ngày 15/12/1988, Trung tâm Đại học dân lập Thăng Long - trường tư thục đầu tiên ở Việt Nam chính thức ra đời, được xem như cánh cửa thứ hai cho những ai lỡ thi trượt đại học.

Khóa đầu tiên của trường đón nhận nhiều sinh viên giỏi, chỉ thiếu 1 - 2 điểm vào những trường đại học danh tiếng lúc bấy giờ như Bách khoa, Tổng hợp, Sư phạm.

Về học phí, bà Sính nhẩm tính, thời bao cấp, cán bộ nhà nước được 13 cân gạo; sinh viên được 17 cân gạo; bộ đội được 21 cân gạo. “Như tôi, được 13 cân gạo thì chỉ ăn hết 8, còn thừa 5 cân, có thể đem đi đổi để phục vụ nhu cầu sinh hoạt khác. Trong gia đình, cứ 2 cán bộ thì mỗi tháng thừa 10 cân gạo, bán đi là đủ để đóng học phí cho con. Vì thế, tôi quyết định lấy học phí tương đương 10 cân gạo”, nữ giáo sư kể lại.

Thế nhưng, số tiền này cũng chỉ đủ để trả tiền thuê cơ sở, gồm 1 lớp học, và thuê cán bộ trực văn phòng. Một nửa căn phòng được ngăn ra để tiếp sinh viên. Không có tiền thuê người làm vệ sinh, đích thân bà giáo sư dậy từ 6 giờ, vừa xách nước lau bảng, lau bàn ghế, vừa quét lớp.

Dù kinh phí hạn hẹp, GS Sính vẫn đi gặp nhiều giáo sư và mời những người giỏi về trường. “Lúc đó, không có tiền nhưng tôi trả các giáo sư 5 USD/giờ, là mức khá cao. Nói thật, các giáo sư cũng rất khó khăn nên khi tôi ngỏ lời, các thầy cô đều đồng ý ngay”, nữ GS nhớ lại. Toàn bộ tiền lương trả cho giảng viên đều phải dựa vào nguồn quyên góp từ các giáo sư Việt kiều ở Pháp, do GS Bùi Trọng Liễu gửi về.

Thời gian đầu, mọi thứ vẫn ổn, nhưng sau 3 năm, những giáo sư, nhà trí thức ở Pháp không quyên góp nữa. Trường mất đi nguồn viện trợ lớn. “Giai đoạn đó vô cùng khó khăn, nhưng tôi nghĩ, nếu trường đóng cửa thì sinh viên sẽ đi đâu, về đâu. Tôi cần phải có trách nhiệm với sinh viên của mình”, GS Sính tâm tư. Trong bước đường cùng, bà đứng lên dồn mọi nguồn tài chính của gia đình cho trường. Đích thân bà sang Pháp tìm nguồn quyên góp mới để có thể duy trì hoạt động.

Chưa hết khó khăn, đến ngày khóa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp lại vướng thủ tục cấp bằng. Luật Giáo dục thời ấy chưa có quy định mô hình trường học ngoài công lập, nên Đại học Thăng Long không thể cấp bằng cho sinh viên tốt nghiệp.

“Tôi ở tình thế tiến không được, lùi không xong. Bộ GD&ĐT không cho cấp bằng, phụ huynh la ó, sinh viên thì thất vọng. Tối đến, tôi cứ nghe chuông điện thoại là giật mình, vì phụ huynh luôn gọi vào giờ đó để “nắn” tinh thần tôi. Không những thế, giáo viên, cán bộ hành chính của trường cũng bỏ việc hết”, GS Hoàng Xuân Sính tâm tư.

Phải mất 2 năm sau khi khóa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT mới có quy chế đại học dân lập tạm thời, và GS Hoàng Xuân Sính thoát khỏi việc bị sinh viên, phụ huynh kiện.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/nguoi-xin-mo-dai-hoc-tu-thuc-dau-tien-ar852479.html