'Người vác tù và' cùng hành trình giữ gìn văn hóa - Kỳ 4: Góp sức xây dựng văn hóa thực thi pháp luật

Trong buổi làm việc với Sở Tư pháp Hà Nội ngày 7-5-2019, công tác xây dựng văn hóa thực thi pháp luật đã được đồng chí Hoàng Trung Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đặc biệt lưu ý.

“Càng ngày chúng ta càng thấy hàm lượng pháp lý càng đậm trong cuộc sống. Số lượng luật, văn bản hướng dẫn được ban hành rất nhiều. Điều này đặt ra trách nhiệm cho công tác tuyên truyền, làm sao để nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật. Làm sao để mỗi người dân hiểu được ứng xử theo pháp luật, thực thi pháp luật một nét văn hóa và mỗi ngày cố gắng nỗ lực xây dựng nét văn hóa này”, Bí thư Hoàng Trung Hải nói.

“Văn hóa tôn trọng pháp luật phải mất hàng trăm năm rèn giũa”

Trong nhiều năm qua, vấn đề xây dựng văn hóa tôn trọng pháp luật, văn hóa thực thi pháp luật cũng luôn là vấn đề được các cấp ủy, đảng, chính quyền TP trăn trở, quan tâm. Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trong một lần trao đổi với báo chí, từng nhấn mạnh rằng: “Với Hà Nội, có lẽ không nhất thiết phải phấn đấu dẫn đầu về mặt kinh tế mặc dù cũng rất cần chú trọng phát triển kinh tế. Cái Hà Nội cần có chính là phải mạnh, phải dẫn đầu về văn hóa. Mà văn hóa ở đây hiểu theo nghĩa rộng, là cuộc sống, lối sống, là trật tự, kỷ cương, là văn minh, thanh lịch, hiện đại. Cần phải coi kỷ cương cũng là văn hóa. Tôn trọng pháp luật là thứ văn hóa mà người ta phải mất hàng trăm năm rèn giũa”.

Khác với nhiều phương thức khác, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hòa giải là phương thức tác động trực tiếp từ chủ thể giáo dục (hòa giải viên) đến đối tượng giáo dục (các bên tranh chấp, mâu thuẫn và những người khác). Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật lại gắn liền với từng tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật cụ thể… nên được các bên tranh chấp, mâu thuẫn và những người khác lưu giữ một cách bền vững hơn. Tính chủ động phòng tránh tái xảy ra các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật tương tự cao hơn. Trường hợp bất đắc dĩ tái xảy ra các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật tương tự thì các bên tranh chấp cũng sẽ chủ động hơn trong cách xử lý theo chiều hướng tích cực. Bởi quá trình hòa giải trước đó, các bên đã biết những kiến thức pháp luật cần thiết có liên quan.

Hòa giải là công tác trong dân, là hoạt động hàng ngày, hàng giờ, các hòa giải viên trực tiếp tiếp xúc với người dân vì vậy quá trình tuyên truyền, xây dựng, bồi đắp văn hóa pháp luật càng được tiến hành tự nhiên, thuận lợi và hiệu quả. Thực tiễn công tác hòa giải ở cơ sở đã chỉ ra, hòa giải ở cơ sở có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Bởi lẽ, cùng với quy luật vận động và phát triển của cuộc sống kéo theo những mâu thuẫn, tranh chấp cũng ngày càng phức tạp hơn chứ không chỉ đơn thuần dừng lại ở những chuyện “con cá, lá rau”. Khi hòa giải, các hòa giải viên không chỉ dựa vào việc vận dụng những chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử, phong tục, tập quán tốt đẹp để tác động tới tâm tư, tình cảm của các bên, khơi dậy trong họ những suy nghĩ, tình cảm tích cực. Mà đi cùng với đó, trong rất nhiều trường hợp, hòa giải viên cần phải vận dụng các quy định pháp luật để giải thích, hướng dẫn các bên, giúp họ hiểu được quyền và nghĩa vụ hợp pháp của mình để có được cách nhìn đúng, hướng cư xử đúng, để thỏa thuận ổn thỏa được với nhau trong giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật.

Các lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải, kiến thức pháp luật, đặc biệt là những quy định pháp luật mới, có liên quan thiết thực, trực tiếp đến người dân luôn được Hà Nội tổ chức thường xuyên cho đội ngũ hòa giải viên. Ảnh Thanh Hải

Chữ “tình” đi cùng chữ “lý”

Trong giai đoạn chuyển tiếp giữa hai truyền thống văn hóa: Văn hóa làng xã với đặc trưng của tính cộng đồng, quan hệ thân thiết, trọng nghĩa, trọng tình và văn hóa đô thị với tính cộng đồng xã hội cùng hướng tới một mục đích chung khi hành xử là tôn trọng, thực thi theo pháp luật thì việc “trọng lý” hay “trọng tình”, lại càng được đặt ra cấp thiết. Theo nhiều chuyên gia văn hóa, pháp lý, cách thức ứng xử nặng về cảm xúc, tình cảm, không tuân thủ đúng các quy định pháp luật trong nhiều trường hợp có thể để lại nhiều hậu quả tai hại. Do đó, việc xây dựng văn hóa pháp luật để tạo dựng kỷ cương làm nền cho mọi hành xử của các cá nhân trong cộng đồng là điều hết sức cần thiết.

Đối với các hòa giải viên, việc đề cao chữ “tình” trong giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn luôn là điều đầu tiên được hướng đến. Tuy nhiên, hơn ai hết hòa giải viên cũng nhìn nhận một cách thấu đáo rằng “thấu tình” nhưng cũng cần “đạt lý”. Theo hòa giải viên Trần Văn Đệ (thôn Phù Lưu Hạ, xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa): “Cái lý là cái gốc để giữ cho cái tình được đậm sâu, bền vững. Song hành với đó, cái tình góp phần bồi đắp, làm đẹp thêm cái lý, để ứng xử theo pháp luật không phải chỉ là những quy định khô cứng, khuôn mẫu trên giấy mà là một ứng xử tự nhiên, tự thân trong chính bản thân mỗi người’.

“Có những sự việc phát sinh trong gia đình, chẳng hạn như việc phân chia tài sản thừa kế, phong tục xưa nay ở nhiều nơi vẫn là để lại cho con trai trưởng trong nhà, con gái xuất giá theo chồng thì thôi. Từ đó dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp phức tạp giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Hòa giải những vụ việc như vậy, hòa giải viên một mặt đề cao chữ tình, khơi gợi tình cảm máu mủ, ruột rà giữa các thành viên trong gia đình, mặt khác cũng cần phân tích các quy định pháp luật liên quan để các bên hiểu và có ứng xử đúng”, hòa giải viên Trần Văn Đệ cho biết.

Tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội, với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ nên những vướng mắc, tranh chấp liên quan đến đất đai ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp. Ông Lê Đình Can, hòa giải viên phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy chia sẻ: “Trước đất đai chưa có giá nên hàng xóm, láng giềng có chút xê dịch, lấn chiếm còn dễ thông cảm, xuê xoa, bỏ qua. Nay “tấc đất, tấc vàng”, chỉ cần xê dịch 1-2 cm là đã có thể bùng nổ mâu thuẫn, tranh chấp ngay. Rồi những vướng mắc của người dân trong mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất rất nhiều. Đất đai, tài sản cha mẹ để lại, con cái cứ thể thừa hưởng, quản lý sử dụng nhưng nay muốn chuyển nhượng, muốn bán lại không dễ thực hiện vì giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đã không còn, di chúc thì không để lại, pháp luật lại chưa chia…

Cùng với đó, các chính sách pháp luật về đất đai trong một thời gian dài trước đó không được hoàn thiện đồng bộ, thiếu cụ thể, lại thường xuyên có sự thay đổi theo các giai đoạn lịch sử. Điều này dẫn tới việc thực hiện chính sách trong nhiều trường hợp thiếu nhất quán, không quan tâm đầy đủ đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất… dễ làm nảy sinh những thắc mắc trong người dân”.

Các vụ tranh chấp, mâu thuẫn có liên quan đến đất đai bởi thế được hòa giải viên Lê Đình Can cùng các thành viên trong tổ hòa giải nghiên cứu kỹ lưỡng không chỉ về “tình” mà còn về “lý”. Mỗi phiên hòa giải, ông không chỉ chú ý khơi dậy cái tình, khơi dậy nét đẹp trong văn hóa ứng xử giữa con người với con người. Mà qua đó, còn linh hoạt, khéo léo tuyên truyền, phân tích các quy định của pháp luật, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của Nhà nước; chủ trương, chính sách của Đảng, của quận, của phường cho người dân. Chưa kể, trong nhiều trường hợp phải giải phóng mặt bằng, để tăng hiệu quả thuyết phục, hòa giải viên Lê Đình Can còn bàn bạc với các thành viên trong tổ hòa giải đề xuất lãnh đạo quận cần trực tiếp gặp và đối thoại với người dân. “Được nghe trực tiếp người lãnh đạo cao nhất của quận phân tích, giải thích, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, người dân người ta yên tâm, tin tưởng hơn rất nhiều và đến phút chót họ đã tự nguyện chấp hành mà không cần phải cưỡng chế” – hòa giải viên Lê Đình Can chia sẻ. Có lẽ chính nhờ cách giải quyết công việc có lý, có tình, quan tâm đến quyền lợi hợp pháp cũng như tâm tư nguyện vọng của người dân như vậy mà trong số hàng trăm trường hợp giải phóng mặt bằng ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy thời gian qua không có trường hợp nào chính quyền phải tiến hành cưỡng chế.

Tương tự Cầu Giấy, tại rất nhiều quận huyện khác, nhờ có sự góp sức, tuyên truyền, vận động nhân dân của các tổ hòa giải, các hòa giải viên, công tác giải phóng mặt bằng hay nhiều chủ trương khác của TP đã nhận được sự đồng thuận và hợp tác tích cực từ phía người dân. Có thể nói, hiểu quy định pháp luật, tôn trọng pháp luật, tin tưởng vào sự công bằng của pháp luật và tự giác thi hành – đó chính là một trong những ý nghĩa quan trọng mà các hòa giải viên đã mang lại qua hoạt động của mình. Từ đó góp sức vào việc xây dựng văn hóa tôn trọng, văn hóa thực thi pháp luật.

(Còn nữa)

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nguoi-vac-tu-va-cung-hanh-trinh-giu-gin-van-hoa-ky-4-gop-suc-xay-dung-van-hoa-thuc-thi-phap-luat-158714.html