Người trồng rừng Quảng Bình trắng tay sau bão

Năm năm trở lại đây, nghề trồng rừng kinh tế được người dân Quảng Bình tham gia rất tích cực. Nhiều người vay vốn đầu tư trồng rừng với diện tích hàng chục héc-ta. Nghề rừng đã mang lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân ở các vùng đồi núi. Thế nhưng, bão số 10 đã cuốn đi bao vốn liếng, công sức và cả hy vọng đổi đời sau bao nhiêu năm “dày công vun đắp” của người dân.

Men theo con đường quanh co ven sông Rào Nan từ huyện Quảng Trạch, chúng tôi lên với người dân vùng cao xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa. Thật xót xa, cánh rừng hai bên đường và bên kia sông bị bão phạt gãy ngang, đổ xếp chồng lên nhau. Lá héo quắt và bắt đầu khô dưới nắng gay gắt của ngày sau bão. Dọc đường, chúng tôi gặp nhiều bác nông dân vác rựa đứng thẫn thờ nhìn vào đống đổ nát là thứ tài sản hàng trăm triệu đồng nhiều năm gầy dựng.

Ông Nguyễn Đức Sự ở thôn Tân Tiến, xã Cao Quảng mắt đỏ hoe khi dẫn chúng tôi vào thăm vườn keo lai mà chỉ hai ngày trước còn xanh um, tán phủ đầy trên con đường liên xã. Ông nói như mếu: “Vườn cây này năm 2013 cũng bị bão lớn xô đổ nhưng khi đó keo còn nhỏ nên hồi phục lại, giờ chuẩn bị thu hoạch thì gãy hết rồi. Vụn như vậy thì ai mua cây cho đây. Vậy là là gia đình tôi mất đứt 600 triệu đồng rồi đó chú ơi”.

Không chỉ ông Sự mà hơn 100 hộ dân thôn Tân Tiến đều khóc vì mất rừng. Ở vùng cao và biệt lập này, rừng là cứu cánh, là nguồn sống nuôi họ. Thế nhưng sau trận bão lớn tất cả đều trắng tay.

Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Cao Quảng Mai Xuân Tuyên giải thích với chúng tôi, xã nằm giữa hai dãy núi Hoành Sơn kéo dài, lẽ ra thì khuất gió nhưng không hiểu sao mà ngược lại, cứ Quảng Bình có bão to thì Cao Quảng lại là “rốn gió”, trong khi xã Quảng Sơn bên cạnh không bị ảnh hưởng nhiều. Năm 2013, Quảng Bình bị bão số 10 quật ngã thì Cao Quảng cũng thiệt hại rất lớn trong lĩnh vực lâm nghiệp. Khi đó diện tích rừng còn ít nên hậu quả cũng hạn chế, nay cả xã được phủ xanh rừng thì gió bão phá tan hoang. Toàn xã có gần 1.500 ha rừng kinh tế thì có tới 1.300 ha gãy đổ, thiệt hại gần 60 tỷ đồng.

“Vấn đề thu mua gỗ đang gặp nhiều khó khăn với người dân hiện nay vì không có thương lái mua. Thêm nữa, người ta mua nguyên cây, cây tươi để dễ bóc vỏ, trong khi bão làm gãy đổ nhiều khúc và chỉ hai ngày cây héo khó bóc vỏ thì ai mua cho. Hơn nữa, bão to làm rừng keo cả tỉnh gãy chứ đâu chỉ có Cao Quảng, nếu thương lái mua thì họ chọn nơi thuận lợi chứ không ai lại lên vùng hẻo lánh này. Cứ đà này không khéo hàng nghìn khối gỗ keo phải làm củi, ai đun cho hết đây”, ông Tuyên chua chát nói.

Huyện miền núi Tuyên Hóa trong nhiều năm nay chọn trồng rừng là hướng phát triển kinh tế được ưu tiên. Chỉ sau khoảng năm năm, toàn huyện có gần 13.000 ha rừng trồng, mỗi năm mang lại nguồn thu cả trăm tỷ đồng. Nhưng sau bão, hơn 9.000 ha rừng coi như xóa sổ. Bao vốn liếng, công sức của người trồng rừng trong thoáng chốc tan tành theo cơn bão.

Ông Lê Nam Giang, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho biết, địa phương chỉ đạo tận thu gỗ để bán cho các nhà máy dăm gỗ nhưng khó là chưa có điện nên nhà máy chưa hoạt động. Về sinh kế lâu dài, huyện chủ trương chuyển sang trồng các cây gỗ lớn để giảm bớt thiệt hai do bão nhưng chắc chắn sẽ gặp khó khăn, do người dân Tuyên Hóa đa số là hộ nghèo nên việc đầu tư lâu dài là điều rất khó.

Trước mắt, địa phương đang đề nghị tỉnh hỗ trợ giống lâm nghiệp để bà con khôi phục lại diện tích rừng bị thiệt hại.

Theo thống kê của tỉnh Quảng Bình, cơn bão số 10 vừa qua đã làm hơn 15.000 ha rừng trồng của người dân bị gãy đổ, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Có thể thấy, sau cơn bão, người trồng rừng đang rơi vào cảnh trắng tay và không có khả năng trả nợ cho ngân hàng.

HƯƠNG GIANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/34127602-nguoi-trong-rung-quang-binh-trang-tay-sau-bao.html