Người trồng cúc chờ tết

Trong số các loại bông cung cấp cho thị trường dịp tết cổ truyền, cúc thường được nhà nông xuống giống sớm nhất. Tại Bình Phước, 2 loại cúc phổ biến là cúc pha lê và cúc đại đóa, được nhà vườn xuống giống từ cuối tháng 6, giữa tháng 7 âm lịch, hiện đang trong giai đoạn tạo nụ, làm bông để kịp phục vụ thị trường tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Tuy nhiên, tình hình kinh tế hiện nay chưa có nhiều khởi sắc, các nhà vườn khá lo về đầu ra sản phẩm.

Vừa trồng vừa lo

Những ngày cuối tháng 6 âm lịch, anh Trần Quỳnh Đảm ở phường Long Phước, thị xã Phước Long - người có gần 20 năm gắn bó với nghề trồng cúc đã xuống giống 4.000 chậu cúc. Cúc ở vườn nhà anh Đảm có đủ kích cỡ chậu từ 60, 70, 80, 90, 100cm, trong đó chủ yếu là cúc pha lê và một ít cúc đại đóa. Anh Đảm cho biết: “Cúc pha lê rất được ưa chuộng tại thị trường trong tỉnh, lại thích hợp với khí hậu thị xã Phước Long. Vì vậy, gia đình tôi trồng hơn 2/3 số lượng cúc pha lê để mong có đầu ra ổn định vào dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn”.

Với kinh nghiệm 20 năm trồng cúc, anh Trần Quỳnh Đảm ở thị xã Phước Long tin tưởng hơn 4.000 chậu cúc của gia đình sẽ nở đúng dịp tết

Nhìn những chậu cúc trong vườn đang sinh trưởng tốt, đúng như dự kiến, anh Đảm không giấu được niềm vui. Thế nhưng, anh vẫn trăn trở về thị trường cúc dịp tết: “Với vùng trồng có sẵn nguyên liệu như các tỉnh miền Tây, nhà vườn chủ yếu lấy công làm lời. Tuy nhiên, ở Bình Phước, các mặt hàng từ chậu, tre đều phải vận chuyển từ Buôn Ma Thuột, miền Tây lên với giá thành cao. Tôi đã đầu tư hơn 500 triệu đồng vào vườn cúc, nhưng năm nay tình hình kinh tế khó khăn, tôi lo sức mua dịp tết sẽ giảm”.

Mặc dù còn lo ngại đầu ra nhưng anh Phạm Văn Lý, chủ cơ sở cây giống Bảy Lý ở huyện Bù Đăng đã quyết định xuống giống 2.000 chậu cúc pha lê và đại đóa. Tuy nhiên, năm nay giá nhân công, vật tư đều tăng cao, trong khi thị trường khá ảm đạm nên anh Lý chỉ đầu tư gần bằng ½ số lượng cúc so với tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Anh cũng hạn chế thuê nhân công để tiết kiệm tối đa chi phí.

Các nhà vườn tập trung chăm sóc để bông đạt chất lượng, nở đẹp với hy vọng sẽ bán được giá cao vào vụ tết

“Năm ngoái, nhà vườn có nhiều bạn hàng nhưng đa phần đều thua lỗ. Vì vậy, đến thời điểm này vườn nhà tôi vẫn chưa nhận được đơn hàng từ thương lái. Với tình hình hiện tại, lo rằng đầu ra cho 2.000 chậu cúc sẽ không dễ” - anh Lý suy tư.

Đầu ra chưa đảm bảo, vẫn đang chờ bạn hàng cũng là tình hình chung của các nhà vườn trồng cúc trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Hy vọng khởi sắc

Hoa cúc thường được trồng để trang trí sân vườn, làm kiểng, phục vụ cúng lễ, chưng tết. Mỗi dịp xuân về, những chậu bông tết càng làm bừng lên không khí mùa xuân, tạo cảm giác vui tươi, ấm áp cho gia đình. Thế nhưng, nghề trồng cúc bán tết khá vất vả và tốn nhiều công sức. Từ lúc xuống giống đến khi có bông bán ra thị trường phải mất hơn 5 tháng. Để những chậu cúc có bông to, nở đều vào đúng dịp tết, người trồng phải tỉ mỉ, dày công chăm sóc và áp dụng kỹ thuật chong đèn cho cây vào ban đêm để kích thích sinh trưởng, phát triển đồng đều và điều chỉnh thời gian ra bông theo ý muốn. Dù khá vất vả nhưng nhờ đầu ra, giá bán ổn định, những năm trước, trồng cúc chậu bán tết là nghề tạo thu nhập khá cho nhiều nông dân trong tỉnh. Vì vậy, người trồng cúc tết đang tập trung chăm sóc bông đạt chất lượng và cũng mong chờ “phép màu” ngày tết.

Anh Phạm Văn Lý, chủ cơ sở cây giống Bảy Lý hy vọng người trồng cúc trên địa bàn tỉnh Bình Phước có một mùa hoa tết thắng lợi

Anh Đảm cho hay: “Thời tiết năm nay khá thuận lợi, hứa hẹn sẽ có những chậu cúc đạt chất lượng. Thế nhưng, để có đầu ra cho toàn bộ sản phẩm của gia đình, tôi nghĩ các nhà vườn sẽ phải giảm giá bán khoảng 20% so với giá tết năm 2023. Với sức mua chậm thì đây sẽ là cách để nhà vườn và thương lái cùng nhau vượt qua khó khăn. Tôi mong tình hình kinh tế khởi sắc để nhà vườn trồng cúc nói riêng và nhà nhà có tết an vui”.

Năm nay, cúc để chơi tết sẽ khan hiếm vì số lượng giảm gần 50%. Nguyên nhân do thời tiết tại một số tỉnh, thành phố khá khắc nghiệt và hệ lụy thua lỗ trong mùa vụ trước của nhà vườn cũng như thương lái. Vì vậy, đây cũng có thể là cơ hội để các nhà vườn trồng cúc trong tỉnh thắng lợi. Hy vọng những tháng cuối năm Quý Mão, kinh tế sẽ có sự chuyển biến tích cực để người dân có điều kiện chơi bông tết nhiều hơn, nhà vườn cũng được đón tết vui hơn.

Anh PHẠM VĂN LÝ, chủ cơ sở cây giống Bảy Lý, huyện Bù Đăng

Hiện tình hình kinh tế vẫn chưa khả quan, nhà vườn tiếp tục trông chờ vào diễn biến thời tiết và thị trường tiêu dùng. Người trồng cúc Bình Phước kỳ vọng vụ thu hoạch thắng lợi để góp phần mang sắc xuân đến với mọi nhà.

Hồng Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/151984/nguoi-trong-cuc-cho-tet