Người trẻ bước lùi một năm do dịch

Hễ có ai nhắc đến chuyện tốt nghiệp, xin việc làm, Bảo Châu (22 tuổi, quận Gò Vấp), sinh viên trường Đại học Sư phạm TP.HCM, chỉ đành thở dài.

Theo dự định ban đầu của Châu, cô phải hoàn thành mọi thủ tục về bảng điểm, bằng cấp trước tháng 10 để kịp nộp hồ sơ thi viên chức trong năm nay.

Tuy nhiên, mọi kế hoạch của cô gái bị hoãn lại khi làn sóng thứ 4 bùng phát. Chia sẻ với Zing, Châu cho biết đến tháng 5/2022, trường cô mới tổ chức đợt xét tốt nghiệp khác. Điều đó đồng nghĩa với việc cô không thể thi viên chức và phải chấp nhận thất nghiệp trong thời điểm hiện tại.

“Lịch thi tiếng Anh của mình bị dời lại khá lâu, phải có chứng chỉ này thì mình mới đủ điều kiện để xét tốt nghiệp. Dù nắm chắc cơ hội ra trường với loại xuất sắc, mình vẫn sẽ khó xin vào dạy chính thức nếu thiếu bằng”, nữ sinh bộc bạch.

Thời gian gần đây, Châu thường xuyên bị căng thẳng do họ hàng, bạn bè liên tục hỏi thăm về chuyện học hành, dự định sau khi ra trường.

Bảo Châu lo lắng vì vào nghề chậm hơn các bạn cùng khóa một năm. Ảnh: NVCC.

“Mình thấy bản thân bị trì trệ trong 4 tháng liền. Gia đình mình khá có định kiến về việc tốt nghiệp trễ nên điều này cũng tạo thêm áp lực cho mình”.

Tốt nghiệp muộn vì dịch, chật vật tìm việc làm không phải là câu chuyện của riêng Bảo Châu. Đây là hoàn cảnh chung của khá nhiều sinh viên năm cuối khi đại dịch vô tình đẩy họ vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Không ít bạn trẻ về quê tạm lánh trong khi số khác đổi định hướng, tìm những công việc không yêu cầu bằng đại học.

Bước lùi

Với Trúc Anh (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM), đây là khoảng thời gian khó khăn vì cô liên tục bị từ chối khi nộp hồ sơ xin việc.

Theo Trúc Anh quan sát, hầu hết công ty đều yêu cầu ứng viên phải có bằng đại học trở lên, kèm thêm một số chứng chỉ khác nếu muốn xin vào vị trí nhân viên chính thức.

Trúc Anh cho biết hầu hết hồ sơ xin việc mà cô gửi đi đều bị từ chối vì thiếu bằng đại học. Ảnh: NVCC.

Việc ra trường trễ một năm khiến cô chỉ có thể kiếm những công việc part-time, thực tập hoặc freelance.

“Mình hơi áp lực vì đã rải CV hơn 10 nơi rồi mà vẫn chưa tìm được việc làm. Mình dự định trước mắt tìm thêm vài chỗ tuyển nhân viên bán thời gian hoặc các dự án tự do để có nguồn thu nhập tạm thời. Hơi hạn chế về mức lương, quyền lợi nhưng còn đỡ hơn là ngồi yên một chỗ”, Trúc Anh nói với Zing.

Từ khi thành phố bùng phát dịch bệnh, Nguyễn Vương, sinh viên Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), đã về quê “lánh nạn” với gia đình. Lúc đó, công ty Vương quyết định cắt giảm nhân sự và chàng trai cũng nằm trong danh sách này.

Sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách, Vương gửi hồ sơ khắp nơi để xin việc làm nhưng chưa có bên nào nhận. Tương tự như Trúc Anh, phần lớn CV của Vương bị trả về vì thiếu bằng tốt nghiệp, trong khi một số bên khác yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh, Tin học.

Nhiều công ty bắt buộc làm việc cả cuối tuần nhưng lại đưa ra mức lương quá thấp kèm theo các nghĩa vụ không hợp lý, đặt chỉ tiêu cao.

Bế tắc trong chuyện xin việc làm cộng với tình hình dịch bệnh chưa ổn định, Vương quyết định tiếp tục nán lại ở quê lâu hơn.

“Do dịch nên nhiều môn thực hành của ngành mình chưa có lịch, mình vẫn đang học online. Mình dự tính chắc cuối năm sau mới có thể ra trường. Tốt nghiệp trễ hạn chỉ ảnh hưởng đến mình về chuyện xin việc làm, còn gia đình thì vẫn thông cảm”, Vương chia sẻ với Zing.

Sau nhiều bị từ chối, Vương nhận ra sau dịch, nguồn việc làm ngày càng thu hẹp, sinh viên nếu muốn tăng sức cạnh tranh thì bằng đại học là chưa đủ. Ngoài tấm bằng cử nhân, các nhà tuyển dụng còn muốn thấy điểm mạnh của ứng viên thông qua nhiều kỹ năng, chứng chỉ và kinh nghiệm tích lũy.

“Nhiều bạn có thể thấy nóng lòng vì chưa tìm được việc nên dễ rơi vào bẫy của những công ty lừa đảo. Trước khi nộp hồ sơ ở đâu, mình đều tìm hiểu kỹ công ty đó. Mình thà thất nghiệp chứ không chọn bừa một công việc không rõ ràng”.

Không ngồi yên

Trong lúc chờ tốt nghiệp, Bảo Châu tham gia nhiều hoạt động khác nhau để bản thân không giậm chân tại chỗ. Cô đăng ký soạn giáo án điện tử cho các trường học trực tuyến, dạy gia sư và học thêm về Marketing.

Châu cho biết đây cũng là cách giúp bản thân suy nghĩ tích cực hơn thay vì nản lòng và để thời gian trôi qua lãng phí.

“Mình tranh thủ dịp này để sắp xếp lại cuộc sống cho gọn gàng và dễ thở hơn. Mình cũng có thêm vài tháng để ôn tập cho kỳ thi công chức vào tháng 9 năm sau. Tuy vào nghề chậm hơn các bạn cùng khóa và kế hoạch có khựng lại một chút nhưng mình thấy đây là cơ hội trải nghiệm để những thứ hay ho”, Châu nói.

Nhiều bạn trẻ tranh thủ học thêm kỹ năng mới, tham gia các dự án phù hợp trong thời gian chờ tốt nghiệp. Ảnh: Thạch Thảo.

Còn với Nguyễn Vương, chàng trai dự định luyện thi tiếng Anh và tham khảo một vài khóa học hỗ trợ cho công việc sau này. Vì vẫn còn ở quê, anh định tìm một vị trí có thể làm việc từ xa để phụ giúp sinh hoạt phí với gia đình.

Sau nhiều lần bị từ chối, Trúc Anh cho hay cô đang lên kế hoạch thực hiện một vài dự án cá nhân để làm đẹp hồ sơ trước kỳ tốt nghiệp năm sau.

“Mình thấy CV của mình còn thiếu nổi bật nên tranh thủ lấp đầy thành tích bằng các hoạt động và chứng nhận khóa học. Ngoài ra, mình vẫn đang tìm thêm việc làm để có thu nhập”.

Phương Thảo

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-tre-buoc-lui-mot-nam-do-dich-post1280900.html