Người thương hết một kiếp hoa

Sau nhiều năm, thơ Phạm Hồng Nhật đã chuyển động về chữ nghĩa, về ý tứ, về cách đào bới và thể hiện cảm xúc, mang đến cho người đọc những ngẫm ngợi và day dứt khôn nguôi về thời mà chúng ta đã và đang sống.

Tôi cứ nhớ mãi “Sông Thương” của Phạm Hồng Nhật, mở đầu bằng: “Một bên đục, một bên trong/ nghĩ mà thương hai nửa/ như mối tình dang dở/ Sông Thương đôi dòng” và kết thúc bằng: “Đói cơm rách áo đi biền biệt/ mơ ước mai về sông Thương xưa/ nơi ấy có tuổi thơ và em gái/ cả hai dòng trong, đục của đời tôi”.

Cả bài thơ là một khúc tâm sự nặng lòng và thương cảm trong hoàn cảnh cụ thể: Một bên đục, một bên trong, một con sông chảy luôn chia thành hai nửa, luôn chia hai dòng, như mối tình dang dở vậy. Dẫu vậy nhưng thi nhân vẫn không dứt bỏ được và dẫu phải “Đói cơm rách áo đi biền biệt” thì trong lòng thi nhân vẫn “Mơ ước mai về sông Thương xưa”.

Chấp nhận và không từ bỏ; coi quá khứ buồn đau như một phần máu thịt; coi đời sống như cái cớ để ngẫm nghĩ và luôn muốn vượt nó... phải chăng đã làm nên xuất phát điểm thơ của Phạm Hồng Nhật?

Trên cái “nền” của xuất phát điểm này, Phạm Hồng Nhật có ý thức nuôi nấng sự cô đơn cần thiết và đủ độ. Trong tập “Đàn bò lạc vào thành phố”, ông bộc bạch qua “Lục bát Hải Phòng”: “Qua Bến Bính ngược Xi Măng/ lẻ loi giữa phố Hải Phòng mình anh”, qua “Uống rượu một mình”: “Vàng chìm, phận nổi, bèo trôi/ dễ đâu thiên hạ một người hiểu ta”, qua “Kiếm tìm”: “Buồn thiu, tôi lại tìm tôi/ bao nhiêu khao khát thả trôi Tháp Rùa”... Đó là những câu thơ tài hoa, có thân phận và mang “hàm lượng” một mình rất đáng kể.

Nhưng với Phạm Hồng Nhật, cô đơn không có nghĩa là co cụm lại, là yếm thế, là chỉ biết có mình và triệt tiêu chính bản thân mình. Trong nhiều bài thơ, ông đã hướng ra ngoài, cốt để thương cho hết những phận người quanh ông.

Cho nên, khi đến “Ea Súp tháng ba”, ông ngậm ngùi “Bầy trẻ nhỏ da mốc meo chiều gió/ mế già lọm khọm gùi nặng ngang lưng”; chứng kiến cuộc sống của một người mài dao thuê mà ông viết “Ông đá mài”, ý tứ thật sâu: Khi khởi hành thì “Đi cùn cả đất/ ở dưới gầm trời”, còn lúc ra về thì “Dao sắc đường trơn”. Cho nên, khi nhìn “Các em nằm giữa bốn bề ngái ngủ”, ông cảm thấy dường như vẫn có sự không bình yên ngay bên trong giấc ngủ của những đứa trẻ cơ nhỡ ấy: “Sẽ về đâu? Hỡi giấc ngủ không màn/ túi xách rỗng, áo quần táp túa/ vai dặt dẹo bao điều phải nhớ/ với con đường giông bão đuổi sau lưng”...

Phạm Hồng Nhật còn có những khoảnh khắc bồng bềnh chao đảo, thực hư hư thực thi sĩ đáng quý. Rõ nét nhất là trong “Uống rượu một mình” với hai cặp sáu - tám: “Chung chiêng nướng nửa cuộc chơi/ Nửa đời còn lại, nửa vơi nửa chìm” và “Nâng ly tay chạm tay mình/ Lạnh lưng thì góp cho thành mùa đông”.

Trong bộn bề chi tiết thơ không yên, Phạm Hồng Nhật vẫn có những chi tiết thơ đẹp, như là những khoảnh khắc lắng xuống của riêng ông: “Cây gạo đỏ/ khách ngồi bên ngóng đợi/ như người tương tư người/ nhớ mà không dám gọi/ đò ơi!” ("Tiếng gọi đò trên bến Hà Châu"), hay: “Phan Thiết như câu thơ bỏ lửng/ một miền ân ái của trời mây/ hoan lạc giữa núi rừng, sông nước/ bao đời lồng lộng lũy cát bay” ("Phan Thiết"), hoặc: “Sáng nay hoa rụng/ không dám giẫm lên dù là rất vội/ sững sờ bối rối/ thương cho bao số phận/ hoa đỏ như mặt người đánh phấn” ("Cây trong vườn").

Một người thương đến, thương hết cả một kiếp hoa cho dù hoa đã rụng, từ đó mở rộng nội hàm mà “thương cho bao số phận” như thế, thì quả là hiếm hoi!

Những câu “Một mình tôi xoay xở với Hải Phòng” ("Hải Phòng - đêm lạnh"), “Nước đỏ ngầu, sông cống hiến bến bờ/ bao sủi bọt, bao réo gầm từ đấy/ sông Hồng lớn dạy ta thêm khôn bớt dại/ dạy vươn mình trong nước lạnh phù sa” ("Sông Hồng")... không thể không nói là không đáng nhớ.

Những năm 1970, Phạm Hồng Nhật đã có thơ đăng báo, in sách. Nhà thơ Hoàng Trung Thông từng viết: “Tổ trực chiến của công nhân mỏ Quảng Ninh ở trên một đồi cao lộng gió. Phạm Hồng Nhật đã viết về tổ trực chiến trong những câu thơ súc tích”. Còn nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh khi đọc “Thợ gò” đã viết: “Niềm tự hào của người thợ nói lên với cái khỏe của hình tượng trong thơ Phạm Hồng Nhật”.

Phương Hoa (theo hanoimoi.com.vn)

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/van-hoa-van-nghe/82004/nguoi-thuong-het-mot-kiep-hoa.html