Người thổi hồn nghề đúc đồng truyền thống ở Thiệu Trung

Qua bao thăng trầm của thời gian, nghề đúc đồng truyền thống ở xã Thiệu Trung H.Thiệu Hóa, Thanh Hóa vẫn được duy trì và phát triển lâu bền. Trong những nghệ nhân đã khắc tên mình vào nghề truyền thống lâu đời, phải kể đến nghệ nhân Lê Văn Bảy. Ông là một nghệ nhân có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề và là người 'khai sáng' nghề đúc trống đồng truyền thống…

Cách thành phố Thanh Hóa khoảng 15km, làng đúc đồng truyền thống thuộc xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa, Thanh Hóa), với nhiều sản phẩm nổi tiếng như: ảnh Bác Hồ, trống đồng, sản phẩm mỹ nghệ kim loại... Tìm về xã Thiệu Trung, ai cũng biết nghệ nhân Bảy, ông không chỉ là người “khai sáng” nghề đúc đồng truyền thống, mà còn truyền lửa cho nhiều thế hệ trẻ trong làng phát triển nghề vươn xa. Nhìn lại chặng đường hơn 40 năm theo nghề đúc đồng, nghệ nhân Lê Văn Bảy kể cho tôi nghe những thăng trầm về cuộc đời ông đến với nghề như một nốt nhạc. Với những năm tháng khó khăn, gạo thiếu, sản phẩm làm ra ít người tiêu dùng, lúc đó ông như muốn bỏ cuộc để đi theo con đường mới.

Nghệ nhân Lê Văn Bảy bên những sản phẩm tuyệt tác để đời

Nghệ nhân Lê Văn Bảy bên những sản phẩm tuyệt tác để đời

Cũng chỉ vì quá đam mê với nghề và không muốn nghề đúc đồng của ông cha để lại bị thất truyền, Lê văn Bảy đã quyết tâm vượt qua bao khó khăn để giờ đây những thành quả mà ông có được đáng để mọi người khen ngợi.

Có nghề trong tay, ông Bảy đã mạnh dạn thành lập Công ty TNHH đúc đồng truyền thống Bảy Tuyên với các sản phẩm mỹ nghệ kim loại đồng. Ông tạo việc làm ổn định cho khoảng 20 lao động, thu nhập hàng tháng từ 6-8 triệu đồng/người. Các sản phẩm của công ty ông đã có thương hiệu cũng như uy tín, được khách hàng đến tận nơi đặt mua cho gia đình, làm quà biếu, được trưng bày ở những nơi sang trọng nhất trong nhà.

Sản phẩm làng nghề đúc đồng Thiệu Trung là quà tặng, biếu của nhiều khách thập phương

Dẫn chúng tôi đi thăm các sản phẩm, nghệ nhân Lê Văn Bảy chia sẻ, ông vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, được các Bộ, ngành trung ương và tỉnh Thanh Hóa tặng bằng khen về những đóng góp của ông trong suốt thời gian qua. Đặc biệt, ngày 26/9/2013, nghệ nhân Lê Văn Bảy cùng các thợ thủ công làng nghề đúc đồng đã hoàn thành việc đúc chiếc trống đồng, được nhận định lớn nhất thế giới, đưa vào kỷ lục, hoàn toàn bằng phương pháp thủ công truyền thống.

Theo những bậc cao niên trong làng, nghề truyền thống đúc đồng Thiệu Trung đã có từ xa xưa, nhưng để kết hợp cổ kim, “khai sáng” phát triển nghề như nghệ nhân Lê Văn Bảy thì không nhiều. Để có sản phẩm đẹp, phần lớn phải dựa vào đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ và cái hồn của những người thợ. Thông thường muốn đúc thành một sản phẩm thì người thợ phải tạo mẫu như hình ảnh của sản phẩm, dùng đất sét đắp mẫu theo quy định, chỉnh sửa đường nét, ngôn ngữ điêu khắc của thành phẩm trên từng thành phẩm. Khi đạt được yêu cầu, làm khuôn thạch cao âm bản chỉnh sửa đổ ra khuôn thạch cao. Bản chỉnh sửa đường nét như phác thảo đã được duyệt.

Tiếp theo tạo khuôn dùng đất, chấu, giấy gió để làm khuôn âm bản (khuôn mở hay còn gọi là khuôn 2 nửa). Dùng đất bùn củ, chấu, bột chịu nhiệt làm cốt bên trong (gọi là làm thao). Nung chín khuôn ở nhiệt độ 700 độ C, sau đó để nguội căn chỉnh độ dày mỏng của phần đồng, đạt theo yêu cầu kỹ thuật. Chỉnh sửa khuôn, lau nhẵn, quét sơn chịu nhiệt nung lại một lượt nữa ở nhiệt độ 500 độ C, ghép khuôn thành một khối.

Đồng thời, nấu đồng ở nhiệt độ 1200 độ C, khi đồng chảy hết pha tỷ lệ Thiếc, Chì, Kẽm theo yêu cầu, chỉnh nhiệt độ là 1250 độ C, nước đồng lỏng đạt theo yêu cầu lúc đó đưa ra và rót vào khuôn. Tùy theo từng thành phẩm mà các nghệ nhân pha trộn khác nhau.

Trước khi đúc đồng và các hợp kim nóng chảy vào khuôn phải nung khuôn nóng đều, đủ độ nhiệt cho đồng chảy đều trong khuôn. Đây là khâu khó nhất phải nhờ kinh nghiệm của đôi mắt và khả năng phán đoán của nghệ nhân kinh nghiệm đảm trách. Cuối cùng công đoạn hoàn thiện sản phẩm, sau khi khuôn nguội, dỡ khuôn lấy sản phẩm ra mài, giũa, đục theo con mắt của nghệ nhân phải đồng sắc - đồng khí mới đạt yêu cầu kỹ thuật, nghệ thuật.

Theo nghệ nhân Lê Văn Bảy, nghề đúc đồng ở Thiệu Trung cũng có những khác biệt so với một số nơi khác, người thợ ở đây có tay nghề, kinh nghiệm, như pha chộn các hỗn hợp kim loại với nhau, mài, đục, tách, rũa… đã tạo ra sản phẩm đặc trưng. Cái khó nhất hiện nay đối nghề đúc đồng Thiệu Trung là nguồn lao động, do lớp trẻ một phần không đam mê với nghề, thu nhập không cao cũng như khó nhọc hơn so với nhiều nghề khác nên đào tạo, tuyển chọn ngày càng khó khăn.

Trao đổi với PV, ông Trần Công Lạc, Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung cho biết: “Nghề đúc đồng ở Thiệu Trung đã có từ lâu đời và nghề này không phân biệt độ tuổi lớn nhỏ, nhưng phải nói lao động đang là bài toán của địa phương khi số người trẻ đam mê với nghề đúc đồng ngày một giảm. Xã cũng đã quy hoạch 5,7 héc ta cho cụm làng nghề, trong đó có nghề mộc, cơ khí… và nghề đúc đồng có 22 hộ tham gia, trung bình mỗi hộ từ 10-20 lao động. Nhìn chung thu nhập từ nghề đúc đồng chiếm hơn 50% tổng thu nhập trên địa bàn và xu hướng nghề đúc đồng ngày đang một phát triển”.

HOÀNG MINH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/nguoi-thoi-hon-nghe-duc-dong-truyen-thong-o-thieu-trung-d65584.html