Người thợ thầm lặng cho những cuộc chiến trên không

Dẫu không được mang danh hiệu anh hùng, nhưng được là đồng đội của những chiến sĩ anh hùng một thời lái máy bay chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, cựu chiến binh Trần Đức Chương tự thấy cũng là vinh quang lắm rồi.

Cựu chiến binh Trần Đức Chương (thứ hai từ trái) bên máy bay phản lực Mig một thời cùng ông ngoài mặt trận. Ảnh chụp tại Bảo tàng Hải Dương

Cựu chiến binh Trần Đức Chương (thứ hai từ trái) bên máy bay phản lực Mig một thời cùng ông ngoài mặt trận. Ảnh chụp tại Bảo tàng Hải Dương

Tôi biết đến cựu chiến binh (CCB) Trần Đức Chương (ở số 5 phố Hòa Bình, phường Quang Trung, TP Hải Dương) trong dịp khu dân cư đón bằng văn hóa. CCB Trần Đức Chương có hơn chục năm là thợ bảo dưỡng máy bay phản lực ở các sân bay Đa Phúc (Vĩnh Phúc), Kép (Hà Bắc cũ), Kiến An (Hải Phòng); là người thầm lặng, bảo đảm an toàn, quyết định một phần thắng lợi cho máy bay phản lực của ta chiến đấu với máy bay Mỹ trên không.

Chiến công chung

CCB Trần Đức Chương sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở Hưng Nguyên (Nghệ An). Gia đình ông là cơ sở in ấn tài liệu cách mạng từ những năm ba mươi của thế kỷ trước, sau này được Nhà nước tặng Bảng vàng gia đình có công với nước và Huân chương Độc lập. Vừa tốt nghiệp cấp 3 Trường Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh), Trần Đức Chương tình nguyện nhập ngũ và được chọn gửi đi học tại Liên Xô, Khoa Khí động học về máy bay phản lực.

Năm 1965 ông ra trường về nước nhận nhiệm vụ tại sân bay Đa Phúc, công việc đầu tiên là làm thợ sửa chữa loại máy bay Mig-17 của Liên Xô mới đưa sang Việt Nam. Ông làm trong bộ phận cơ máy Mig-17. Với kiến thức đã học ông miệt mài nghiên cứu, đi sâu tìm hiểu các chi tiết cấu tạo liên hoàn của các bộ phận. Hằng ngày ông luôn chân tình trao đổi kỹ thuật với các đồng nghiệp. Bộ phận cơ máy của ông thường trực 24/24 giờ, bám sát máy bay mình phụ trách, thường xuyên kiểm tra từ xăng dầu, động cơ và vũ khí mang theo trên máy bay; kiểm tra mọi chi tiết an toàn kỹ thuật trong chiến đấu, kể cả các nút bấm trong các ổ công tắc, bảo đảm nhanh nhạy trong tích tắc… Ông tâm sự: "Trong đơn vị, người lái, người thợ như anh em một nhà. Người thợ bảo đảm từng giây phút an toàn cho máy bay cất cánh rồi mà vẫn chưa yên tâm. Có lần trong một ngày, các anh Nguyễn Văn Bảy, Ngô Mai, Nguyễn Văn Túc… bắn rơi hai máy bay địch, Đài Phát thanh oang oang đưa tin, chúng tôi cứ nhìn các anh lái mà ngưỡng mộ. Các anh lại ôm cánh thợ máy xúc động: "Ôi! Cám ơn, cám ơn các cậu thợ máy nhiều lắm! Chiến công của cánh mình có nửa phần của cánh thợ máy các cậu đấy". Thế rồi lại reo vui. Đặc biệt là tâm trạng khi người lái hạ cánh an toàn, người thợ, người lái ôm nhau rất lâu như truyền niềm tin thương yêu đồng đội cho nhau. Các anh lái còn nói là: "Nhà văn Hữu Mai khi viết tiểu thuyết Vùng trời, bỏ quên một lực lượng quan trọng là những người thợ máy dưới đất. Phải nói mối quan hệ giữa các chiến sĩ: Người thợ-người lái và máy bay là sức mạnh tổng hợp làm nên những chiến công vĩ đại và cũng là vinh dự chung…". Có lần Tỉnh ủy Hà Bắc, nơi có sân bay Kép đã cử đoàn cán bộ tới chúc mừng, đại biểu hỏi những anh nào sáng nay bắn rơi hai máy bay. Các anh lái chỉ vào các anh thợ… làm tất cả đều reo vui, vì mọi người coi đó như chiến công của tập thể…

Kỷ niệm không quên

Hơn chục năm âm thầm với những công việc kiểm tra xử lý sự cố, bảo trì, bảo dưỡng tại chỗ kịp thời cho máy bay chiến đấu, CCB Trần Đức Chương có rất nhiều kỷ niệm vui buồn trong nghề. Ông lặng lẽ nhắc lại: "Buồn vì suốt mấy năm dài không được về thăm mẹ, để nói với mẹ những việc mình làm. Đến lúc được nghỉ phép về thăm thì mẹ đã mất. Có những lần tận mắt chứng kiến máy bay đồng đội bị địch bắn cháy, nổ trên không, người lái hy sinh, bữa cơm chiều trong đơn vị chẳng ai buồn ăn. Còn trong nghề, phải nhắc lại nhớ đời với cái lần đơn vị tôi vừa chuyển từ sân bay Kép đến sân bay Kiến An (Hải Phòng). Đến trưa thì có lệnh báo động, đơn vị vội tiếp cận máy bay. Đến khi có lệnh cất cánh thì máy bay không nổ máy. Những máy bay khác phải cất cánh thay nên chậm mất năm phút. Máy bay địch từ ngoài biển lao qua TP Hải Phòng, bay thấp lách theo sông Lạch Tray bắn xuống cầu Phú Lương. Chỉ chậm năm phút là hậu quả đã khó lường. Đơn vị tôi đã bị đình chỉ ba ngày để kiểm điểm. Sau tìm ra nguyên nhân là do bình điện nguồn mặt đất không đủ kích hoạt cho nguồn điện trên máy bay khởi động". Thế đấy, thợ máy không thể cho phép chậm một giây, chủ quan sơ suất! Những năm tháng thầm lặng của người thợ máy, ông đã cùng các chiến sĩ lái máy bay trong đơn vị như Nguyễn Văn Bảy, Trần Hanh, Thành Chung, Ngô Mai… lập nhiều chiến công.

Gần chục năm làm người thợ máy đạt nhiều thành tích xuất sắc, ông được tặng nhiều huân chương, huy chương… Sau đó, ông được đưa về học tại Học viện Quân sự. Học xong ông xin trở lại tiểu đoàn công tác, rồi lên Lữ đoàn phó phụ trách kỹ thuật. Với tay nghề được đào tạo chuyên ngành từ Liên Xô, lại qua kinh nghiệm nhiều năm ngoài mặt trận, ông được phong hàm thượng tá... Năm 1979, ông là trưởng đoàn công tác quân sự của ta tham vấn cùng đoàn chuyên gia Liên Xô về nội dung thiết bị kỹ thuật phòng không - không quân. Kinh nghiệm thực tiễn sử dụng từ thiết bị kỹ thuật của Liên Xô giúp ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã được ông chân tình đóng góp giúp cho đoàn chuyên gia nước bạn cải tiến thiết bị hiện đại hơn. Dẫu hôm nay, không được mang danh hiệu anh hùng, nhưng được là đồng đội của những chiến sĩ anh hùng một thời lái máy bay chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, ông tự thấy cũng là vinh quang lắm rồi.

NGUYỄN THANH CẢI

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/nguoi-tho-tham-lang-cho-nhung-cuoc-chien-tren-khong-190054