“Người thơ” ở núi thơ

QĐND Online - Núi Dục Thúy (nằm ở Đông Bắc thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) từ thuở xa xưa đã là nơi để các văn sĩ lừng danh lưu bút cho hậu thế những vần thơ trứ danh của mình. Trải qua bao mưa nắng, những tấm bia ấy đã mòn phai rêu phủ. Nhưng dường như từng con chữ vẫn được thổi hồn, được gìn giữ trong tâm hồn ông Từ già. Có bao nhiêu bài thơ trên vách đá, ông thuộc bấy nhiêu, thậm chí, ông còn “mạn phép” chắp bút thêm thơ, dâng lên cao nhân những lúc thanh nhàn.

QĐND Online - Núi Dục Thúy (nằm ở Đông Bắc thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) từ thuở xa xưa đã là nơi để các văn sĩ lừng danh lưu bút cho hậu thế những vần thơ trứ danh của mình. Trải qua bao mưa nắng, những tấm bia ấy đã mòn phai rêu phủ. Nhưng dường như từng con chữ vẫn được thổi hồn, được gìn giữ trong tâm hồn ông Từ già. Có bao nhiêu bài thơ trên vách đá, ông thuộc bấy nhiêu, thậm chí, ông còn “mạn phép” chắp bút thêm thơ, dâng lên cao nhân những lúc thanh nhàn.

Người giữ hồn cho núi thơ

Cơn mưa lất phất của mùa xuân khiến cho tiết trời hơi se lạnh, đỉnh Dục Thúy như bồng bềnh trong mây sớm. Mặc dù đang chuẩn bị bữa sáng cho mình nhưng khi thấy khách tới viếng thăm ngọn núi vốn đã đi vào sử sách thơ ca, ông buông đũa vồn vã tiếp đón. 90 bậc thang đá phiến rêu phủ xanh dường như đánh đố sức trai trẻ khi muốn chinh phục đỉnh núi tiên, ấy thế mà đôi chân của ông già đã gần 70 xuân ấy vẫn thoăn thoắt leo lên nhẹ nhàng. Hỏi ra mới biết ông đã quen với công việc này quá nửa đời mình, nghĩa là hơn 40 năm qua.

Ông là Nguyễn Xuân Hào, sinh năm 1947 tại Nam Trực, Nam Định. Sau khi tốt nghiệp Đại học Hàng hải, ông lênh đênh theo những chiếc tàu chở vũ khí chi viện cho miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Dưới chân núi Dục Thúy ngày ấy là một bến đáp của đoàn tàu và chàng trai trẻ đã bị hút hồn không chỉ vì cảnh sắc vừa uy nghi, vừa nên thơ chốn này, mà còn bởi nụ cười duyên dáng của cô thiếu nữ ở ngôi nhà dưới chân “non tiên” này. Nặng lòng thương nhớ và có lẽ đó là nhân duyên trời định để ông nặng nợ vương mang, gắn bó trọn cuộc đời mình với đất, với người.

Ông Hào đang giới thiệu tấm văn bia đề thơ vua Lê Hiến Tông.

Vốn là người phóng khoáng, yêu văn chương và thích học Hán cổ nên kể từ năm 1973 (sau khi kết hôn), những lúc rảnh rỗi ông lại tha thẩn đến bên núi để chiêm ngưỡng những áng thơ. Ngày ấy, ông thuộc mặt chữ nhưng cũng chưa hiểu hết được nghĩa của từng từ. Tới những năm 1980, khi các viện nghiên cứu, các nhà khảo cổ, Viện Văn học… tìm về để sao chép, phân tích các tác phẩm tạc trên vách đá ấy ông mới có dịp học hết câu từ.

Để tiếp cận được với các chuyên gia trong mỗi lần họ về công tác, ông tình nguyện đi dựng giàn giáo, đun tách nước hoặc cầm chì, giấy cho họ sao chép chữ. Ông lân la hỏi từng từ, từng câu một để chắp nhặt cho mình cả một “kho thơ” trên núi. Ông thành thật: “Nếu như mình không hiểu, làm sao hướng dẫn cho du khách biết được ý nghĩa của nó?”. Quả thực ở núi Thúy có bao nhiêu tác phẩm được điêu khắc trên đá khi chúng tôi hỏi ông đều thuộc nằm lòng bấy nhiêu, thậm chí còn đưa cả bản đã được biên soạn thành sách cho chúng tôi đối chiếu.

Du khách đến đây tham quan ai cũng khen ông già với mái tóc bạc quá nửa, làn da mồi đang sạm dần nhưng vẫn hết sức minh mẫn, hóm hỉnh. Ông tâm niệm: “Việc làm của mình vừa là cách để đáp nghĩa với đời, vừa là một niềm vui thú tuổi già”. Cứ mỗi tinh mơ, ông lại đi lên núi quét tước sạch sẽ, thay rượu, nước, hoa quả rồi thành kính thắp hương. Từng gốc cây, cành hoa, khóm trúc đều được ông cắt tỉa gọn gàng. Làm như vậy ông mới cảm thấy xứng với người xưa và với cả những vần thơ hàng trăm năm tuổi. Ông pha trò: “Nhờ leo núi mỗi ngày mà tôi chẳng biết đến ốm bao giờ, có lẽ được hưởng phúc của các cụ”.

“Kẻ thơ” chắp bút thêm vần

Chất thơ của núi Thúy dường như đã ngấm vào trong từng tế bào máu của ông suốt bốn thập kỷ qua. Càng ngẫm ông càng say những vần điệu mà các bậc sĩ phu, thánh nhân ngày nào đã viết. Bởi vậy ông cũng bắt đầu làm thơ, nhưng chưa bao giờ ông nhận mình là “nhà thơ” mà chỉ dám gọi mình là “kẻ thơ” tập tành mà thôi.

Lịch sử của núi Thúy với bao nhiêu tên gọi được ông nghiền ngẫm qua ý kiến của các chuyên gia nghiên cứu mà ông từng có duyên gặp mặt, qua những trang sử mà chắp bút viết nên những vần thơ “mạo muội”: “Băng Sơn đại ác ngày nào/ Cờ lau Bộ Lĩnh dương cao anh hùng/ Nước non sông núi điệp trùng/ Giữ nền Cồ Việt lưu danh anh hùng / Trấn Hải Đài giữ oai linh/ Lê Hoàn ra trận giữ yên cõi bờ/ Thuyền neo tại bến rợp cờ/ Nàng Dương ghé mạn tiếng hò dậy sông/ Đồn quân canh giữ đất trời/ Phòng Sơn, Ngự Trấn đời đời mãi ghi/ Dĩ Lai vũ trụ lưu ly/ Hồng Sơn, Lạc Thúy uy nghi giữa trời/ Đến khi vận đổi sao rời/ Trần triều hiền thánh muôn đời ngợi ca/ Thái Phó đâu có ở xa/ Người đặt Dục Thúy muôn đời ngợi ca/ Đến khi Thiệu Trị qua miền/ Hộ Thành người đặt thay liền Thúy Sơn/ Chả Xanh vẫn chả xanh hơn/ Nên muôn người gọi Thúy Sơn thôi mà/ Nước Non cũng non nước nhà/ Lưu danh Dục Thúy mãi là lưu danh”.

Ông say sưa “phác họa” lại lịch sử của ngọn núi, về nguồn gốc của những tấm văn bia cho du khách. Nghe những lời của ông, ta như sống lại cái thời khắc lịch sử ấy. Với chất giọng trầm ấm khiến câu nói của ông luôn thu hút được sự chú ý của mọi người.

Chỉ cho chúng tôi, tấm văn bia đề thơ của vua Lê Hiến Tông, ông đọc vanh vách từng câu, từng chữ và giải thích về nghĩa của những câu thơ ấy. Thấy trên tấm bia có một chỗ bị mất chữ, tôi hỏi thì được ông cho biết là do bị trúng bom của Mỹ rải trong đợt chiến tranh phá hoại miền Bắc. Ông bộc bạch: “Các tấm văn bia ở đây đã có hàng trăm năm tuổi, trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử nhiều tấm đã bị mờ bởi lớp bụi thời gian. Mặc dù được lau chùi thường xuyên nhưng vẫn không thể “chống” lại được sự khắc nghiệt của thời gian và thiên nhiên”.

Vuốt nhẹ mái tóc, ông trầm ngâm: “Sống đến bằng này tuổi đầu cũng chưa phải là nhiều nhưng cũng không phải là ít, tôi lo khi mình được về “hầu” các cao nhân thì không biết còn ai có đam mê, có tâm huyết giữ lại những “báu vật” quý giá này không?”. Những trăn trở suy nghĩ của ông giúp tôi như hiểu thêm về một con người giàu tâm huyết đã giành trọn cả đời mình để giữ “hồn” của ngọn núi Thơ.

Bài và ảnh: Tuấn An

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/56/57/57/181955/Default.aspx