Người thầy mẫu mực ở Nam Bộ

Nói đến các nhân vật văn hóa ở Nam Bộ, không thể không nhắc tới Võ Trường Toản - một người thầy tài cao, học rộng, uyên bác của nền giáo dục Việt Nam.

Đình thần Chí Hòa (nay thuộc Quận 10, TPHCM), nơi cụ Võ Trường Toản từng dạy học. Ảnh: Sở Du lịch TPHCM

Người thầy uyên bác

Võ Trường Toản quê ở làng Hòa Hưng, huyện Bình Dương, Gia Định (nay là hai bên đường Cách Mạng Tháng Tám ở TPHCM), sống vào thế kỷ 18, chưa rõ năm sinh. Sách “Đại Nam nhất thống chí” có ghi tổ tiên Võ Trường Toản nguồn gốc từ miền Trung di cư vào Nam theo làn sóng chung, được khởi phát mạnh mẽ kể từ năm 1623.

Đây cũng là thời điểm người Việt chính thức vào xứ Đồng Nai, Gia Định lập nghiệp. “Địa chí Bến Tre” cũng ghi lại: “Võ Trường Toản là người huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, không ai rõ năm sinh, không rõ gốc gác, chỉ biết cụ là một nhà nho lớn, một nhà giáo đức độ tài ba, lỗi lạc ở miền Nam thế kỷ 18”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cho rằng, Võ tiên sinh không làm quan cả Tây Sơn lẫn chúa Nguyễn. Ông sống ẩn dật với chính quyền nhưng không ẩn dật với xã hội.

Tượng nhà giáo Võ Trường Toản được dựng tại Vườn tượng danh nhân Văn Miếu Trấn Biên (Đồng Nai). Ảnh: QĐND

Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Công Tín, trong bài viết “Hoài cổ phú - trước tác của thầy Võ Trường Toản”, có những nhà thơ chỉ cần một bài thơ mà làm nên tên tuổi, như Thôi Hiệu với “Hoàng hạc lâu”, Vũ Đình Liên với “Ông đồ”… Xưa cũng thế mà nay cũng vậy. Tuy chỉ còn lưu giữ một bài phú “Hoài cổ”, thầy Võ Trường Toản cũng đã làm nên tên tuổi; nhưng hơn hết, ông được lưu danh không ở sự nghiệp làm thơ, mà ở tài năng và đức độ. Tài năng và đức độ một người thầy của bao lớp thầy. Thầy của nhóm “Gia Định tam gia thi”, thầy của bao thế hệ người thầy. “Vạn thế sư biểu”, “Kẻ sĩ Gia Định”, “Sùng Đức xử sĩ”... là những danh hiệu mà người dân Nam Bộ dành tặng cho ông đủ để nói lên hết lòng ngưỡng mộ, niềm tự hào về một người thầy đã làm rạng danh cho xứ sở này.

Tiểu sử cụ được Phan Thanh Giản - danh sĩ triều Nguyễn tóm tắt như sau: “Tiên sinh tính Võ, húy Trường Toản. Đời trước hoặc nói là người Thanh Kệ (Thừa Thiên) hoặc nói người Bình Dương (Gia Định), trước học ai chưa rõ. Chỉ biết sở học của tiên sinh đã tới bậc dày dặn, đầy đủ, chất thật, có thuật nghiệp thâm uyên, thông đạt. Xảy hồi biến động Tây Sơn, tiên sinh ở ẩn mở trường dạy học, thường học trò đến mấy trăm…”.

Võ Trường Toản mở trường dạy hàng trăm học sinh mà khuôn viên nay là Đình Chí Hòa, nằm trong con hẻm đường Cách Mạng Tháng Tám, Quận 10 (TPHCM). Là một nhà nho, nhưng ông không rơi vào lối dạy máy móc, giáo điều mà chủ trương lấy lối học “nghĩa lý để giáo hóa”.

Khi giảng với học trò về sách Đại học, một sách trong Tứ thư, ông nói rõ: “Sách Đại học một nghìn bảy trăm chữ, tán ra gồm vô số sự vật, tóm lại còn 200 chữ, tóm nữa thì còn một chữ, tóm lại nữa một chữ cũng không”.

Đại ý, thầy căn dặn học trò cần thấu triệt nội dung cuốn sách chứ không nên học vẹt từng câu, từng chữ, cách dạy ấy thường gọi là “Tri ngôn dưỡng khí”. Tri ngôn là hiểu lời, còn dưỡng khí là nuôi dưỡng khí phách; muốn có được khí phách phải tập nghĩa, tức là làm việc nghĩa, cống hiến hết mình cho nghĩa lớn.

Ca ngợi sự học của cụ Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản cho rằng: “Chỉ biết sở học của tiên sinh đã tới bậc dày dặn, đầy đủ, chất thật và có thuật nghiệp thâm uyên, thông đạt. Ở ẩn mở trường dạy học, thường học trò đến mấy trăm người”.

Những học trò xuất sắc

Học trò cụ Võ Trường Toản có hàng trăm người. Nhiều người đỗ làm quan nhưng cũng có người chỉ học để cho có đạo lý. Song tất cả đều có hào khí Đồng Nai. Hào khí ấy, được tiên sinh hun đúc cho người đương thời và mãi về sau.

Đoạn tiếp theo về tiểu sử Võ Trường Toản do Phan Thanh Giản biên soạn có đoạn: “Ông Ngô Tùng Châu là môn sinh cao đệ nhất. Thứ đến là các ông Trịnh Hoài Đức, Phạm Ngọc Uẩn, Lê Quang Định, Lê Bá Phẩm, Ngô Nhơn Tịnh. Bậc danh sĩ là ông Chiêu, ông Trúc đều ẩn dật. Ngoài ra không kể hết được…

Các ông ấy đều gặp hồi phong vận, thời trung hưng triều Gia Long đức bậc tôi hiền, có người hoặc sát thân để làm nên điều nhân, hoặc quên mình để trọng tiết nghĩa, thảy đều nên công nghiệp lớn… Lúc ngự vào Gia Định, đức Thế Tổ Cao Hoàng đế hằng triệu tiên sinh tới đối ứng…

Tiên sinh không hứng ra làm quan, nên đại khái không thấy được sự nghiệp. Từ thuở tiên sinh lấy lối học nghĩa lý để giáo hóa, chẳng những đương thời đào tạo được nhiều bậc nhân tài, mà còn truyền thuật, giảng luận, trau dồi về sau”.

Gia Định tam bảo là ba người nổi tiếng ở cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 đều là học trò của Võ Trường Toản, gồm Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tịnh. Họ gặp nhau hồi phong vận, thời trung hưng, đều nên công nghiệp lớn.

Các cụ là công thần trong xây dựng cõi Nam, đồng thời có những đóng góp quan trọng cho văn học và sử học nước nhà. Trịnh Hoài Đức tự Chỉ Sơn, hiệu Cấn Trai, là công thần của triều Nguyễn.

Ông là nhà thơ, nhà văn và sử gia nổi tiếng trong thế kỷ 18 - 19. Lê Quang Định tự Tri Chỉ, hiệu Tấn Trai, là văn thần đầu đời Nguyễn. Ông quê ở Phú Vinh, Thừa Thiên.

Cùng với Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định còn là nhà địa lý học. Ngô Nhơn Tịnh tự Nhữ Sơn, hiệu Thập Anh, là quan triều Nguyễn. Sinh thời ông là người học rộng, giỏi văn chương, thích ngâm vịnh. Thơ văn của họ được in thành sách “Gia Định tam gia thi tập” còn truyền đến nay.

Trong khi đó, nhóm thi văn tao đàn Hội Sơn ở Sài Gòn xưa cũng từng theo học Võ Trường Toản, gồm: Chỉ Sơn Trịnh Hoài Đức, Hối Sơn Phạm Ngọc Uẩn, Nhữ Sơn Ngô Nhơn Tịnh, Kỳ Sơn Diệp Minh Phụng. Nếu Trịnh Hoài Đức làm “chủ soái” Gia Định tam gia và Hội Sơn thì Ngô Nhơn Tịnh lại đứng đầu Bình Dương thi xã nổi tiếng phong nhã. Ngô Nhơn Tịnh là người “viết đẹp, vẽ tài” nhất đương thời.

Từ những học trò đỗ đạt cao sang ấy cho đến những người thuộc thế hệ sau như Nguyễn Đình Chiểu, Huỳnh Mẫn Đạt, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Trương Định, Nguyễn Hữu Huân... đều đã chịu ảnh hưởng về đạo đức, học phong, sĩ khí của nhà giáo Võ Trường Toản. Họ đã giữ tròn tiết tháo khi nước nhà bị xâm lược.

Lễ trao Giải thưởng Võ Trường Toản - giải thưởng thường niên tôn vinh nhà giáo tiêu biểu của TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Bậc xử sĩ đất Gia Định

Không chỉ là nhà giáo, Võ Trường Toản còn là một nhà thơ lớn. Tuy nhiên, do những biến cố lịch sử nên sáng tác của ông gần như bị thất lạc, chỉ còn lưu giữ một bài phú “Hoài cổ” với 24 đối câu.

Những điển tích, hình ảnh trong bài phú đều xuất phát từ Trung Hoa. Tác giả muốn ký thác vào đó tâm sự cùng quan niệm về đời, về người mà ông đã chứng kiến trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động.

“Rỡ rỡ cúc ba thu, ba thu lụn cúc đà tàn héo; hây hây sen chín hạ, chín hạ qua sen cũng rã rời.

Cho hay vực thẳm nên cồn; khá biết gò cao hóa bể.

Quán âm dương rước khách xưa nay, đã mấy mươi năm; đò tạo hóa đưa người qua lại, biết bao nhiêu chuyến.

Nhấp nháy ngọn đèn trong kiếng, lênh đênh bóng nguyệt dòng sông...”.

Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Công Tín trong bài viết “Văn chương miền sông nước Nam Bộ”, bài phú không có nghĩa là nuối tiếc cái xưa; sống ở hiện tại mà nhớ về quá khứ đâu đâu. Ở đây, nhà thơ muốn “ôn chuyện cũ” để giáo huấn người đời “lòng nhân nghĩa”.

Trong sự thăng trầm, biến đổi xã hội, chỉ có lòng nhân nghĩa mới là cái trường tồn đích thực. Bởi vậy, con người phải quyết tâm gìn giữ. Từ tư cách, đức độ ấy, người cùng thời tặng cho thầy Võ Trường Toản danh hiệu “Gia Định xử sĩ Sùng Đức” quả không ngoa chút nào.

Võ Trường Toản có một người con gái nhưng mất từ nhỏ. Mùng 9 tháng 6 năm Nhâm Tý (1792), Võ Trường Toản qua đời tại làng Hòa Hưng. Hay tin này, chúa Nguyễn Ánh cảm mến, tiếc thương, ban từ hiệu là “Gia Định xử sĩ Sùng Đức Võ tiên sinh”, nghĩa là bậc xử sĩ Võ Tiên Sinh, người Gia Định cùng đôi liễn truy điệu: “Triều hữu huân danh, bán thuộc Hà Phần cựu học/ Đẩu Nam phong giáo, tề khâm Nhạc Lộc dư uy”.

Trường Đại học Võ Trường Toản tại Hậu Giang. Ảnh: VTTU

Tạm hiểu là: “Những người có danh ở triều đình, một nửa thuộc về đất học cũ Hà phần (đất Bắc)/ Giáo dục văn hóa đất phương Nam, ai cũng phục cái uy lớn của Nhạc Lộc (Võ Trường Toản)”. Để tưởng nhớ công ơn của thầy, trò cũ của ông cũng có đôi liễn tưởng niệm: “Sinh tiền giáo huấn đắc nhân, vô tử nhi hữu tử/ Một hậu thịnh danh tại thế, tuy vong giả bất vong”.

Tạm dịch là: “Lúc sống dạy dỗ được người, không con mà như có/ Khi mất, tiếng tăm còn để, thân tan danh vẫn còn”. Đây là xử sĩ có công đầu tiên trong sự nghiệp kiến tạo hào khí Đồng Nai, nơi có “nhiều người trung dũng khí tiết, trọng nghĩa khinh tài, dù hàng phụ nữ cũng thế” (Trịnh Hoài Đức, “Gia Định thành thông chí”).

Dù không phải là học trò của Võ Trường Toản nhưng Phan Thanh Giản hết lòng kính trọng ông như thầy. Khi ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ rơi vào tay Pháp (1862), Phan Thanh Giản không muốn hài cốt của bậc danh nhân nằm trong vùng đất bị giặc chiếm đóng nên bàn với Nguyễn Thông (Đốc học Vĩnh Long), Phạm Hữu Chánh (Hiệp trấn thành An Giang) cùng nhiều sĩ phu khác bàn việc cải táng hài cốt.

Năm 1867, hài cốt của Võ Trường Toản từ làng Hòa Hưng (Chí Hòa ngày nay) được rước về làng Bảo Thạnh, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Ba Tri, Bến Tre). Di hài vợ cùng con gái cũng được cải táng cạnh mộ của ông, được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1998. Trên mộ bia ở Hòa Hưng cũng như Bảo Thạnh, vẫn luôn có huy hiệu khắc trên đá “Gia Định xử sĩ Sùng Đức Võ tiên sinh”.

Võ Trường Toản không ra làm quan nên người đời không thấy được sự nghiệp nhưng công dạy dỗ, giáo dục của ông vẫn được giới trí thức nhắc đến qua nhiều thế kỷ.

Ông được sĩ phu Nam Bộ xưng tôn là sư biểu, người đặt nền móng cho học phong phương Nam, có ảnh hưởng rộng lớn, sâu xa đến học vấn, đạo đức. Khi nhắc đến ông, họ ví người thầy này là “cụ tổ ngành Giáo dục Nam Kỳ”.

Nơi Võ Trường Toản từng dạy học năm xưa - Đình Chí Hòa, đã trở thành Di tích lịch sử cấp quốc gia; được ngành văn hóa, du lịch TPHCM tôn tạo, quản lý phục vụ tham quan, tổ chức lễ hội của địa phương. Suốt cuộc đời vì đạo học, điều lớn lao nhất nhà giáo Võ Trường Toản để lại cho đời là chữ Nhân, chữ Nghĩa và đạo đức, nhân cách cao thượng của một người thầy.

Tên của nhà giáo Võ Trường Toản được đặt cho một trường đại học ở tỉnh Hậu Giang và rất nhiều trường phổ thông Nam Bộ. Ở TPHCM, Võ Trường Toản là giải thưởng thường niên vinh danh những nhà giáo tiêu biểu của thành phố trong suốt hơn 20 năm qua.

Lê Nam

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguoi-thay-mau-muc-o-nam-bo-post675478.html