'Người thầy đầu tiên' – những thế giới nghệ thuật và bản tình ca về nghề dạy học

Ra đời cách đây hơn sáu mươi năm, tác phẩm 'Người thầy đầu tiên' của Ai-ma-tốp ngày nay vẫn còn có rất nhiều ý nghĩa và hấp dẫn người đọc. Nhưng trước hết và cao nhất, nó là bản tình ca bất diệt về tình thầy trò, về nghề dạy học. Hình ảnh thầy giáo Đuy-sen hẳn vẫn là một tấm gương sáng ngời cổ vũ những nhà giáo chân chính.

Ai-ma-tốp (1928 – 2008) là nhà văn người Cư-rơ-gư-xtan - một nước cộng hòa ở Trung Á, trước đây thuộc Liên Xô. Ông từng theo học ngành nông nghiệp nhưng đam mê văn học đã dẫn ông đến với Viện Văn học Maxim Gor Ky và trở thành một nhà văn nổi tiếng. Các tác phẩm của ông có sự kết hợp của cái nhìn lãng mạn với yếu tố huyền ảo, viễn tưởng để thể hiện một cái nhìn về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên; phản ánh cuộc sống khắc nghiệt nhưng lãng mạn của người dân quê ông; thể hiện một tình bạn, tình yêu rất đẹp cũng như tinh thần vượt qua những khó khăn gian khổ trong chiến tranh; cổ vũ việc đấu tranh để thoát khỏi sự ràng buộc của những hủ tục. Các tác phẩm tiêu biểu của ông phải kể đến: “Chuyện núi đồi và thảo nguyên”, “Con tàu trắng”, “Và một ngày dài hơn thế kỷ”, “Đoạn đầu đài”. Ông được rất nhiều giải thưởng cao quí về văn học: giải thưởng Lê-nin, giải thưởng quốc gia các năm 1968, 1977, 1983 và được phong Anh hùng lao động Liên Xô. Ông là một nhà văn huyền thoại; một “báu vật” và là niềm tự hào của người dân Nga và người dân Cư-rơ-gư-xtan.

Truyện “Người thầy đầu tiên” là một trong những tác phẩm nổi tiếng thế giới. Tác phẩm từng được chọn đưa vào chương trình giảng dạy của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, tác giả và tác phẩm này rất quen thuộc và được nhiều thế hệ học sinh phổ thông biết đến và yêu thích. Trong suốt quá trình cải cách giáo dục và thay đổi sách giáo khoa, tác phẩm luôn được các tác giả sách giáo khoa yêu quý và có một chỗ đứng trang trọng trong các bộ sách Ngữ văn của cả Chương trình 2006 (lớp 8) và 2018 (lớp 6 – bộ Chân trời sáng tạo; lớp 7 – bộ Kết nối tri thức với cuộc sống); lớp 8 bộ Cánh diều). Tác phẩm đã đem đến cho người đọc những mỹ cảm tuyệt đẹp về nghĩa tình thầy trò, tình yêu quê hương đất nước; đặc biệt là những rung động và tình yêu mãnh liệt với thầy giáo Đuy-sen, một người thầy có lý tưởng sống cao đẹp; có lối sống nhân hậu, vị tha, nhất là sự hy sinh và thương yêu học trò.

Nội dung truyện được đặt trong bối cảnh của làng Ku-ku-rêu hẻo lánh thuộc Cư-rơ-gư-xtan vào những năm đầu sau cách mạng tháng Mười Nga thành công. Thời đó, trình độ phát triển ở đây còn thấp; tư tưởng gia trưởng, phong kiến rất nặng nề; phụ nữ bị coi thường, trẻ mồ côi bị rẻ rúng. Trước tình trạng đó thầy giáo Đuy-sen được Đoàn Thanh niên Cộng sản điều về để dựng trường, mở lớp xóa nạn mù chữ cho trẻ em. Do đời sống nghèo khổ, nhiều hủ tục đè nặng, đặc biệt là bọn nhà giàu không ủng hộ nên việc lập trường của thầy Đuy-sen gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với tình yêu trẻ thơ và nghị lục phi thường thầy Đuy-sen đã mở được lớp và được học trò rất yêu mến. Trong số những học trò ở làng Ku-ku-rêu có một cô bé mồ côi tên là An-tư-nai đã được thầy Đuy-sen rất quan tâm, dạy dỗ. An-tư-nai ở với chú thím. Chú thím không những chẳng yêu thương, không cho đi học mà bắt An-tư-nai lao động rất vất vả và liên tục đánh, mắng. Thầy Đuy-sen đã cầu xin gia đình cho em đi học. Sau bao vất vả thầy cũng thành công và An-tư-nai là học sinh giỏi nhất lớp. Tuy nhiên bà thím của An-tư-na độc ác và thanh lam. Bà đem bán An-tư-nai cho một lão nhà giàu, mua về làm vợ lẽ. Thầy Đuy sen biết chuyện đã ra sức bảo vệ An-tư-nai và bị đánh gãy tay, cuối cùng đành bất lực nhìn chúng mang em đi. Sau ba ngày phải sống trong địa ngục, An-tư-nai tìm mọi cách để trốn đi nhưng không thành thì thầy Đuy-sen đưa hai chiến sĩ công an đến bắt ngã nhà giàu và An-tư-nai được giải thoát. Thầy Đuy-sen đã gửi An-tư-nai lên tỉnh để học tiếp. Trước khi chia tay thầy Đuy-sen hứa sẽ thay An-tư-nai chăm sóc hai cây phong mà hai thầy trò đã từng trồng ở trường cùng với những ước nguyện cho An-tư-nai lớn lên sẽ thành công và hạnh phúc. Sau đó chiến tranh nổ ra. Thầy Đuy-sen tham gia quân đội đánh đuổi phát xít Đức bảo vệ tổ quốc. An-tư-nai trở thành tiến sĩ Triết học và được phong làm viện sĩ. Lúc này, An-tư-nai luôn nhớ về thầy Đuy-sen bằng tất cả tấm lòng chân thành và kính trọng. An-tư-nai đã yêu thầy Đuy-sen nhưng chiến tranh đã đẩy hai người về hai nơi cách xa nhau. Hình ảnh thầy Đuy-sen lúc nào cũng ám ảnh An-tư-nai. Có lần trên chuyến tàu đi Xi-bê-ri, nhìn thấy một người đàn ông giống thầy Đuy-sen, An-tư-nai đã kéo phanh làm dừng lại cả đoàn tàu. Nhưng không phải thầy và mọi người đều cảm thông cho cô vì chiến tranh đã khiến người ta phải chịu nhiều thiệt thòi. Không tìm được thầy Đuy-sen, An-tư-nai lấy chồng và sinh con. Hòa bình lập lại, làng Ku-ku-rêu khai trương trường mới. An-tư-nai và một họa sĩ người cùng làng đang sống ở Mát-xcơ-va được mời về dự. An-tư-nai với tư cách là một nhà khoa học, thành đạt nhất làng và được mời ngồi ở ghế danh dự. Khi ấy, thầy Đuy-sen đã già và quay về làng làm nghề đưa thư. Trong buổi khai trương ấy, khi mọi người ngồi quanh bàn tiệc thì thầy Đuy-sen đang hối hả chạy đi đưa thư, chuyển những bức điện chúc mừng của các học trò cũ không về dự được. Mọi người nhìn Đuy-sen và bình luận vẻ giễu cợt về tính ương bướng, làm gì cũng phải làm đến cùng của ông. Chứng kiến cảnh ấy An-tư-nai thấy đau lòng và cảm thấy xấu hổ cho hành động của dân làng nên rời làng đi ngay, mặc dù có hẹn với dân làng ở lại vài ba ngày. Quay trở lại Mát-xcơ-va, An-tư-nai đã viết thư cho người họa sĩ cùng làng và kể lại câu chuyện về vai trò và đóng góp to lớn của thầy Đuy-sen đối với bà và dân làng Ku-ku-rêu cũng như hành động đột ngột bỏ đi vội vã của mình. An-tư-nai đề nghị họa sĩ ủng hộ bà trong việc đề nghị dân làng đặt tên trường mới là “Trường Đuy-sen”. Và An-tư-nai nghĩ về ngày trở lại làng Ku-ku-rêu để tìm gặp thầy Đuy-sen và hôn lên chòm râu bạc của thầy. Cũng như An-tư-nai, người họa sĩ đã nghĩ về thầy Đuy-sen và chọn vẽ một bức tranh với đề tài “Người thầy đầu tiên”.

1. Đuy-sen, một tâm hồn nhân hậu và cao thượng.

Nhân vật trung tâm của tác phẩm là thầy giáo Đuy-sen, một anh thương binh trở về làng sau chiến tranh để mở lớp dạy học cho những học trò nghèo ở một làng quê miền núi hẻo lánh. Làng Ku-ku-rêu của xứ sở Cư-rơ-gư-xtan vốn rất thơ mộng nhưng cũng đầy khắc nghiệt và buồn thương. Cái lạnh, cái nghèo cùng với những tư tưởng phong kiến, các hủ tục là những khó khăn, thử thách mà Đuy-sen đã phải vượt qua và trả giá bằng không chỉ có mồ môi nhỏ xuống băng tuyết mà còn cả máu lẫn nước mắt. Nhưng vượt lên tất cả là tấm lòng nhân hậu, bao dung của người thầy đã khiến Đuy-sen nhìn thấy niềm vui trong tương lai của quê hương, của những đứa trẻ đầy bất hạnh. Trong những trích đoạn ở sách giáo khoa Ngữ văn người đọc thấy hình ảnh thầy Đuy-sen hiện lên qua cái nhìn và xúc cảm của An-tư-nai thật đẹp.

Đó là vẻ đẹp của sự lam lũ, vất vả nhưng đầy trách nhiệm và tình thương của một người thầy trong những ngày đầu trên hành trình gieo chữ: “Đuy-sen từ trong cửa bước ra, người bê bết đất. Trông thấy chúng tôi, anh ngẩn người ra một lát, nhưng rồi lại mỉm cười niềm nở, lấy tay quệt mồ hôi trên mặt”. Ai-ma-tốp không miêu tả nhiều. Chỉ khắc họa thầy Đuy-sen bằng hai chi tiết: từ trong cửa bước ra, người bê bết đất; mỉm cười niềm nở, lấy tay quệt mồ hôi trên mặt. Nhưng đã để lại một ấn tượng về công việc lao khổ của người thầy khi bắt đầu về làng mở lớp: một mình hì hụi sửa nhà kho thành lớp học giữa trời giá rét mà mồ hôi trên mặt chảy ròng ròng. Vất vả đấy nhưng Đuy-sen làm việc một cách tự giác và luôn vui vẻ với công việc đang làm. Nụ cười niềm nở trên gương mặt có lẽ còn đầy bụi đất trộn lẫn mồ hôi đã cho chúng ta thấy niềm vui trong công việc của người thầy. Nụ cười ấy như thể báo hiệu những tương lai tốt đẹp đang dần đến với những đứa trẻ nghèo, bất hạnh ở nơi núi cao xa xôi. Sau nụ cười niềm nở ấy là những lời thăm hỏi, trò chuyện rất thân mật, gần gũi, ấm áp của Đuy-sen với những đứa trẻ chỉ biết những bao ki-giắc (phân bò, phân ngựa dùng làm chất đốt) mà chưa hề biết đến con chữ. Trong ký ức của An-tư-nai câu hỏi “Đi về đâu thế các em gái” và cái “nháy mắt động viên” đầy thân thiện với những đứa trẻ còn đang bẽn lẽn khi lần đầu gặp người lạ của Đuy-sen. Và, sau cái nháy mắt ban đầu ấy là một cuộc đối thoại thú vị giữa người thầy và những học trò trong tương lai. Trong cuộc đối thoại ấy, Đuy-sen hiện lên trong mắt người đọc chẳng những gần gũi, thân thiện mà là một người rất chủ động, cởi mở. Chính sự chủ động và cởi mở ấy đã xóa bỏ khoảng cách xa lạ của những người đối thoại; làm tăng sự thiện cảm ban đầu một cách rất tự nhiên. Thầy Đuy-sen mời các em vào thăm trường (các em ghé vào đây xem là hay lắm, các em chả sẽ học tập ở đây là gì), kể cho các em về những công trình mình vừa làm xong (trường của các em thì có thể nói là đã xong đến nơi rồi. Thầy vừa đắp lò sưởi ở góc nhà và bắc cả ống khói trên mái) và những sự việc còn sắp phải làm trong thời gian tới (giờ chỉ còn phải trữ sẵn củi để sưởi trong mùa đông nữa thôi, nhưng không sao, chung quanh thiếu gì củi khô. Dưới nền nhà ta sẽ trải rơm thật nhiều, thế là có thể bắt đầu học được rồi), thuyết phục, động viên, khích lệ các em đến học (thế nào, các em thích học không, các em sẽ đi học chứ?/ Sao thím em lại không cho, thế nào cũng cho chứ. Vậy tên em là gì?/ An-tư-nai, cái tên hay quá, mà em thì chắc là ngoan lắm phải không?/ An-tư-nai ạ, em sẽ dẫn các em khác đi học được chứ?/ Các em cứ gọi thầy là thầy. Các em có muốn xem trường không? Vào đây, đừng ngại gì cả/ Thôi được, các em chạy về nhà đi. Khi nào đến học các em sẽ xem sau vậy. Giờ chưa tối, thầy đi lấy rạ khô lần nữa đã). Chưa hết, thầy còn thuyết phục các em bằng chính hành động tích cực và khẩn trương của mình để chuẩn bị cho ngày đón các em đến trường. Hình ảnh người thầy Đuy-sen “cầm lấy chiếc liềm và sợi dây” bước ra nhanh đồng hẳn sẽ mãi là một hình ảnh đẹp trong lòng các em vào buổi chiều gặp gỡ ấy.

Những việc làm trách nhiệm và yêu thương của thầy Đuy-sen với những đứa trẻ nghèo còn được Ai-ma-tốp tái hiện trong trí nhớ của An-tư-nai trong suốt hành trình gieo chữ của ông ở làng Ku-ku-rêu. Nếu như công việc làm trường và chuẩn bị những vật liệu chống rét cho các em trong trường để đón học sinh vào học là khởi đầu thì công việc duy trì việc đến lớp của các em trong suốt hành trình theo học mới là gian nan. Trong hành trình ấy, Đuy-sen không quản gian khổ trước sự khắc nghiệt của thời tiết băng giá để chu đáo chăm sóc những học trò yêu thương của mình như những người thân trong gia đình: “lưng cõng, tay thì bế” lần lượt đưa hết các em qua suối trong điều kiện “nước băng lạnh buốt cóng cả chân”. Sự yêu thương ấy sẽ mãi là kỷ niệm đẹp đẽ trong lòng những đứa trẻ, đặc biệt là An-tư-nai – người học trò có hoàn cảnh éo le nhưng học giỏi nhất lớp và là người được thầy yêu thương nhất. Bởi thế, kỷ niệm cùng thầy xếp đá, bắc cầu qua suối cô vẫn nhớ mãi: “Hôm chúng tôi xếp đá qua dòng nước, tuyết đã phủ đầy trên mặt đất và nước buốt đến chết cóng đi được. Tôi không tưởng tượng được thầy Đuy-sen làm thế nào chịu nổi – vì thầy đi chân không, làm không ngơi tay. Tôi chật vật đặt chân xuống suối, tưởng chừng như dòng suối rải đầy than hồng nóng bỏng. Bỗng dưng đến giữa suối tôi bị chuột rút ở chân, người co rúm lại. Tôi không thể kêu lên một tiếng, cũng không thể đứng thẳng lên được nữa và từ từ ngã xuống nước. Thầy Đuy-sen lăng tảng đá đi, nhảy ngay lại bên tôi, đỡ tôi lên tay, rồi bế tôi chạy lên bờ và lót chiếc áo choàng đặt tôi ngồi vào đấy. Thầy hết xoa hai chân đã tím bầm, cứng đờ như gỗ của tôi, lại bóp chặt đôi tay lạnh cóng của tôi trong lòng bàn tay mình, rồi đưa lên miệng hà hơi ấm cho tôi”.

Đuy-sen không chỉ là con người hành động bằng những việc làm mà trong mắt An-tư-nai còn là một người thầy rất tinh tế. Việc An-tư-nai trút lại ki-giắc ở trường thầy cũng biết nhưng không nói ra. Chỉ khi có điều kiện thì thầy hỏi lại để kiểm định suy đoán của mình, kiểm định cảm nhận bằng giác quan của mình. Và lời hỏi ấy đã làm cho An-tư-nai “sung sướng quá, lịm cả người đi”. Bằng tất cả tình yêu thương như vậy mà Đuy-sen đã thuyết phục được đám trẻ của một làng quê còn nghèo khó lạc hậu đến với trường học một các ngoan ngoãn: “Chúng tôi tự nguyện đến trường, không phải ai xua chúng tôi đến cả. Không ai có thể buộc chúng tôi phải chịu cóng trong căn nhà kho lạnh lẽo. Tuy ngồi trong nhà, mà mỗi khi thở ra là hơi giá bám trắng xóa cả mặt mũi, tay chăn, quần áo. Chúng tôi chỉ dám thay phiên nhau đứng sưởi cạnh lò, còn tất cả đành ngồi tại chỗ nghe thầy Đuy-sen giảng bài”.

Tấm lòng cao cả và đức hy sinh của người thầy với học trò được thể hiện xúc động nhất mà người đọc khó có thể quên được là cuộc đấu tranh không khoan nhượng của Đuy-sen với những hủ tục và lòng tham của chú thím An-tư-nai khi bắt em phải bỏ học để lấy (thực chất là bán An-tư-nai) một tên địa chủ thô lỗ “mặt đỏ đội mũ da cáo”. Nếu như trước những lời lăng mạ, trêu đùa ngu xuẩn của bọn nhà giàu hợm hĩnh thì Đuy-sen chỉ tảng lờ, im lặng và kể chuyện hài hước cho học sinh “quên mất mọi sự” thì trước tình huống cưỡng ép học sinh lấy chồng Đuy-sen không thể làm ngơ. Thầy rắn rỏi và điềm tĩnh cất giọng trước sự hống hách, vô nhân tính của bà thím An-tư-nai: “Ở đây toàn nữ sinh cả, chưa có em nào gả chồng được”. Để bảo vệ học trò của mình, một mình thầy đã đánh nhau với những tên đi bắt người: “thầy giơ chân đạp mạnh vào bụng hắn. Hắn kêu lên một tiếng và ngã xuống”. Cuộc chiến không cân sức khiến “thầy máu me bê bết” nhưng vẫn quát học trò trong nghẹn ngào thành tiếng nấc: “Chạy đi các em, chạy về làng”. Kết quả thầy bị gãy tay. Nhưng thầy không chịu bỏ cuộc. Ba ngày sau thầy đã đưa hai chiến sĩ công an tìm được An-tư-nai và giả thoát. Sau khi giải thoát được An-tư-nai, Đuy-sen đã mắng tên địa chủ: “Mày tưởng đã giày xéo lên An-tư-nai như xéo lên đám cỏ dại hẳn, mày tưởng mày đã hãm hại được An-tư-nai? … Mày lầm rồi. Thời của mày đã hết, bây giờ đến thời của An-tư-nai, cái thời của mày đã mạt kiếp rồi”. Tuy vậy trong lòng Đuy-sen vẫn đau đớn, ân hận vì cảm thấy mình không bảo vệ được học trò: “An-tư-nai ơi, thầy không bảo vệ được em, em tha thứ cho thầy nhé – Nhưng dù em có tha thứ đi nữa thì thầy cũng không đời nào có thể tự tha thứ cho mình việc này được”.

Với tất cả tình yêu thương học trò, Đuy-sen luôn hướng những điều tốt đẹp đến với An-tư-nai. Thầy đã xin được cho An-tư-nai lên tỉnh học. Có lẽ người đọc sẽ thấy vừa cảm động vừa vui mừng trong ngày An-tư-nai được đứng trên sân ga khi được thầy Đuy-sen và mọi người tiễn đưa lên tỉnh học. Và, hẳn trong tâm trí An-tư-nai sẽ không thể nào quên lời thầy dặn: “An-tư-nai ạ, lẽ ra không bao giờ thầy để em xa thầy một bước”, “Nhưng thầy không có quyền cản trở em”, “Em phải học. Vì thực ra thầy cũng chẳng biết được bao nhiêu chữ nghĩa. Em đi đi, như vậy tốt hơn… ”. Và thầy không quên hứa với người học trò yêu quí của mình: “Còn hai cây phong mà thầy với em trồng, thầy sẽ tự chăm bón lấy. Và khi em đã trưởng thành trở về đây, em sẽ thấy chúng đẹp đến nhường nào”. Có thể nói, sau cuộc chia tay ấy, một chân trời mới đang mở ra trước mắt cô bé mồ côi.

Đọc các trích đoạn ấy ta thấy nhà văn đã sử dụng rất nhiều chi tiết miêu tả ngôn ngữ đối thoại, các chi tiết miêu tả hành động, các chi tiết miêu tả suy nghĩ, cảm xúc. Những chi tiết đó hiện lên rất chân thực để khắc họa sinh động hình tượng nhân vật thầy Đuy-sen. Đó là một người thầy với dáng vẻ bề ngoài “khắc khổ dạn dày mưa nắng”, “lặng lẽ bước đi, không nói một lời, vẻ nghiêm nghị, đôi lông mày nhíu lại như đôi cánh chim ưng và nét mặt sắt lại như luyện bằng thép” nhưng trong lòng lại là một con người có lý tưởng tốt đẹp, kiên nghị, nhẫn nại; sống rất nhân hậu, vị tha, cao thượng và đặc biệt là giàu tình thương yêu học trò. Hình tượng Đuy-sen truyền cho người đọc lòng nhiệt tình, đức dũng cảm, tính cao thượng của một thầy giáo thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn cao cả, quên thân mình vì sự nghiệp gieo chữ, vì tương lai của đất nước. Ngay cả đến ngày nay hình tượng Đuy-sen vẫn là một tấm gương mẫu mực để cho bất kỳ giáo viên nào cũng có thể soi sáng và noi theo.

2. An-tư-nai, vẻ đẹp tròn đầy ân tình, ân nghĩa.

Trong thế giới nhân vật của Ai-ma-tốp có lẽ một trong những đối tượng được nhà văn quan tâm nhất là trẻ em, những đứa trẻ gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống. An-tư-nai là một nhân vật như thế. Vẻ đẹp của An-tư-nai được hiện lên trong sự soi chiếu bởi tấm lòng của thầy Đuy-sen. Số phận của An-tư-nai phản ánh số phận và sự thay đổi số phận của trẻ em, người phụ nữ dưới chính quyền Xô Viết.

Trước tiên An-tư-nai hiện lên trong trang sách là một bé gái biết vượt lên hoàn cảnh éo le của mình để thích học và hiếu học. Trước câu hỏi “thế nào, các em thích học không, các em sẽ đi học chứ?” của thầy Đuy-sen, An-tư-nai đã trả lời rất chân thật: “Nếu thím em cho đi thì em sẽ đi”. Câu trả lời chân thật ấy đã hé mở cho người đọc về một số phận con người. Qua màn đối thoại ban đầu giữa Đuy-sen và An-tư-nai người ta thấy không chỉ là hoàn cảnh của cô mà còn nhận ra một cá tính. Như bao đứa trẻ khác An-tư-nai rất hiếu kỳ: “có lần, mang những túi đựng đầy ki-giắc nhặt ở chân núi mé trên làng trở về, chúng tôi vòng vào trường xem thử thầy giáo đang làm gì ở đấy” nhưng cũng là một cô gái cũng rất mạnh mẽ. Khi Đuy-sen đưa ra đề nghị: “An-tư-nai ạ, em sẽ dẫn các em khác đi học chứ”. Không một chút dụt dè, đắn đo; An-tư-nai dứt khoát, chắc chắn đáp lại: “Thưa chú được ạ”.

Không những thế An-tư-nai còn rất hiểu việc và có tấm lòng rộng rãi thơm thảo. Sau khi ở trường ra An-tư-nai bảo các bạn trút bao ki-giắc cho nhà trường để mùa đông sưởi ấm nhưng các bạn không nghe vì sợ bị bố mẹ đánh mắng thì cô đã một mình quay lại và “trút bao ki-giắc xuống dưới cửa và cắm đầu chạy men theo các khe rãnh, các hẻm đá ở chân núi, nhặt ki-giắc”. Kết quả của hành động đó là An-tư-nai phải trở lại cánh đồng nhạt lại ki-giắc trong cảnh: “Chưa bao giờ tôi ở ngoài đồng một mình muộn đến thế. Đôi cánh đen sẫm của ban đêm lơ lửng trên những triền đồi yên lặng, không một bóng người. Sợ thất thần, tôi vác chiếc bao ki-giắc lên vai và cắm đầu chạy về làng”. Và khi về đến nhà An-tư-nai không thoát khỏi cảnh bị bà thím độc ác đánh chửi hành hạ vì tội trút bao ki-giắc cho nhà trường do có người mách lẻo. Một hành động nhỏ nhưng với một đứa trẻ như thế chắc hẳn đã làm người đọc thấy được ấm lòng giữa mùa đông tuyết rơi. Hành động ấy thể hiện sự trong sáng, nhân hậu của một con người trong tương lai.

Cũng giống như thầy Đuy-sen, An-tư-nai rất căm ghét những thói độc ác. Trước những hành động khiêu khích và trêu trọc của bọn người “đầu đội mũ lông cáo đỏ, mình mặc những chiếc áo lông cừu quí, nghễu nghện trên lưng những con ngựa hung dữ no căng” như thể chế nhạo Đuy-sen: “Đứa thì cõng, đứa thì bế, trông đã hay chưa” và rồi “quất cho ngựa chạy làm nước và bùn bắn tung tóe lên chúng tôi”, cười phá lên rồi đi khuất” thì tâm trạng của An-tư-nai đã sục sôi, căm phẫn: “Sao lúc đó tôi muốn đuổi theo những con người ngu xuẩn ấy thế, muốn nắm lấy cương ngựa và quát thẳng vào những bộ mặt láo xược của họ: các người không được nói thầy giáo của chúng tôi như thế! Các người ngu lắm, các người tồi lắm”.

Không phải chỉ biết căm tức cái ác, cái xấu, An-tư-nai còn biết chia sẻ và tìm niềm vui trong công việc với người khác. An-tư-nai đã cùng thầy Đuy-sen xếp đá qua dòng suối đầy tuyết để cho các bạn đến trường mà không bị ướt. Một hành động tuy nhỏ nhưng ý nghĩa của việc làm lại rất lớn. Hành động ấy thể hiện một tấm lòng biết quan tâm và hi sinh vì người khác. Nó cũng là một vẻ đẹp của tấm lòng nhân hậu, cao thượng.

Và có lẽ hơn ai hết, trong tâm hồn An-tư-nai đã dành cho thầy Đuy-sen một tình cảm yêu quí thiêng liêng nhất. Và tình cảm đó cũng được chuyển hóa thành những hành động cụ thể: “Chắc chắn tất cả đám học sinh chúng tôi đứa nào cũng yêu mến thầy vì tấm lòng nhân từ, vì những ý nghĩ tốt lành, vì những ước mơ của thầy về tương lai chúng tôi. Tuy chúng tôi còn bé, nhưng tôi nghĩ rằng lúc đó chúng tôi đều đã hiểu được những điều ấy. Còn có cái gì khác bắt chúng tôi ngày nào cũng đi xa, leo đổi lội suối, bạt hơi vì gió rét, chân ngập trong những cồn tuyết như vậy được nữa? Chúng tôi tự nguyện đến trường, không phải ai xua chúng tôi đến cả. Không ai có thể buộc chúng tôi phải chịu cóng trong căn nhà kho lạnh lẽo. Tuy ngồi trong nhà, mà mõi khi thở ra là hơi giá bám trắng xóa cả mặt mũi, tay chăn, quần áo. Chúng tôi chỉ dám thay phiên nhau đứng sưởi cạnh lò, còn tất cả đành ngồi tại chỗ nghe thầy Đuy-sen giảng bài”. Với nghề dạy học thì còn điều gì quí giá hơn là những tấm chân tình như vậy!

Ở nhân vật An-tư-nai người đọc còn nhận thấy ở cô có một đức tính dũng cảm, quyết liệt. Khi thầy Đuy-sen bị bọn người do bà thím đưa đến và đánh đập thì An-tư-nai đã không ngần ngại: “lao vào đám đánh nhau” hét lên: “Buông thầy giáo ra! Không được đánh! Tôi đây, bắt tôi đi chứ không được đánh thầy giáo”. Khi bị tên địa chủ bắt mang đi, bất chấp bị giam cầm, bất chấp nguy hiểm An-tư-nai không ngừng suy nghĩ và hành động “tôi nhất quyết trốn đi, dù có sao cũng mặc. Dù có lạc đường hay bị bọn hung đồ đuổi kịp, tôi cũng chống cự cho đến hơi thở cuối cùng như thầy Đuy-sen …”, “Tôi hăm hở, mê mải đào đất dưới vách lều. Mặt đất chỗ ấy lởm chởm những đá không sao đào được. tôi cào bằng móng tay, mấy ngón tay tôi toặc rách rớm máu …”

Và cuối cùng An-tư-nai đã thành công trên con đường của thầy Đuy-sen lựa chọn. Ân tình của thầy Đuy-sen đã được An-tư-nai mãi khắc ghi. An-tư-nai lúc nào cũng nghĩ về thầy và đi tìm thầy nhưng vô vọng bởi những thông tin báo về thầy bị mất tích trên chiến trường. Và tình cảm thầy trò thiêng liêng ấy đã theo bà suốt cuộc đời, không một thứ gì có thể làm vấy bẩn được. Bởi vậy, khi chứng kiến những bình luận vẻ giễu cợt về tính ương bướng, làm gì cũng phải làm đến cùng của Đuy-sen trong buổi khánh thành trường An-tư-nai đã cảm thấy đau lòng và cảm thấy xấu hổ cho hành động của dân làng nên rời làng đi ngay, mặc dù có hẹn với dân làng ở lại vài ba ngày.

Với tình cảm trân trọng và yêu quý người thầy An-tư-nai đã viết thư cho người họa sĩ cùng làng và kể lại câu chuyện về vai trò và đóng góp to lớn của thầy Đuy-sen đối với bà và dân làng Ku-ku-rêu cũng như hành động đột ngột bỏ đi vội vã của mình. An-tư-nai đề nghị họa sĩ ủng hộ bà trong việc đề nghị dân làng đặt tên trường mới là “Trường Đuy-sen”. Và An-tư-nai nghĩ về ngày trở lại làng Ku-ku-rêu để tìm gặp thầy Đuy-sen và hôn lên chòm râu bạc của thầy. Trong sâu thẳm tâm hồn An-tư-nai, một nhà khoa học danh tiếng thì Đuy-sen mãi là một ông thầy cao cả còn bà chỉ là một cô học trò bé nhỏ. Sự yêu quí, ngưỡng mộ và kính trọng thầy trong bà mãi mãi không bao giờ thay đổi. Có thể nói, hình tượng nhân vật An-tư-nai và Đuy-sen là những thành công của Ai-ma-tốp và của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Các nhân vật này đã có sức lan tỏa và ảnh hưởng đến tư tưởng, nhận thức của người đọc. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà sau khi đọc xong truyện “Người thầy đầu tiên”, một độc giả người Nhật Bản đã viết thư hỏi nhà văn rằng; liệu có thể coi nhân vật Đuy-sen là người của Lê-nin được không.

3. Hai cây phong, biểu tượng của làng Ku-ku-rêu.

Hai cây phong lớn nằm giữa ngọn đồi khiến người ta “đi từ phía nào đến làng Ku-ku-rêu” cũng đều trông thấy trước tiên. Hai cây phong ấy “luôn hiện ra trước mắt hệt như những ngọn hải đăng đặt trên núi”. Và, nếu không có bức thư của An-tư-nai gửi cho người họa sĩ kể lại câu chuyện về “người thầy đầu tiên” thì hẳn sẽ rất ít người biết về nguồn gốc của hai cây phong - giờ đây đã trở thành một biểu tượng của làng Ku-ku-rêu - một làng “nằm ven chân núi, trên một cao nguyên rộng có những khe nước ào ào từ nhiều ngách đá đổ xuống”. Theo câu chuyện kể người ta được biết hai cây phong đó được thầy Đuy-sen mang về và cùng An-tư-nai trồng, chăm sóc với một ước muốn “chúng lớn lên, ngày một thêm sức sống, em cũng sẽ trưởng thành, em sẽ là một người tốt. Em có một tâm hồn đẹp và một đầu óc ham học. Thầy bao giờ cũng nghĩ rằng em sẽ trở thành người thông thái. Thầy tin như vậy, em ạ, số phận em nhất định sẽ như thế. Em bây giờ trẻ măng như một thân cây non, như đôi cây phong nhỏ này. Antưnai ạ, ta sẽ tự tay trồng lấy hai cây phong này. Và mong sao em sẽ tìm thấy hạnh phúc trong học tập, ngôi sao nhỏ trong sáng của thầy ạ…”

Ở trong đoạn trích kể về hai cây phong người ta thấy Ai-ma-tốp đã hóa thân vào nhân vật họa sĩ để kể về chúng. Trong mạch kể này người kể chuyện khi thì xưng tôi (ngôi thứ nhất, số ít) khi thì xưng chúng tôi (ngôi thứ nhất, số nhiều). Thực ra vẫn là một người kể chuyện. Tuy nhiên với cách sử dụng đại từ nhân xưng như vậy người ta sẽ nhận ra những sắc thái khác nhau. Khi xưng tôi thì người kể chuyện nhân danh là một người con của làng Ku-ku-rêu để kể về những kỷ niệm đẹp đẽ của mình với cây phong từ khi còn nhỏ đến khi trưởng thành. Khi xưng chúng tôi thì người kể chuyện đại diện cho một lứa học sinh kể về những kỷ niệm của tuổi học trò bên hai cây phong. Như thế người ta sẽ thấy hai cây phong ấy có một vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần của cả làng Ku-ku-rêu, nhất là với những người phải sống xa quê. Bởi vậy mỗi khi về quê người họa sĩ lại nghĩ thầm với một nỗi buồn da diết: “Ta sắp được thấy chúng chưa, hai cây phong sinh đôi ấy? Mong sao chóng về tới làng, chóng lên đồi mà đến với hai cây phong. Rồi sau đó cứ đứng dưới gốc cây để nghe mãi tiếng lá reo cho đến khi say sưa ngây ngất”. Như vậy người ta thấy hai cây phong không chỉ đơn giản là hai cái cây như những muôn loài cây khác trong làng. Khác hẳn với những loài cây khác, nó đã trở thành những sinh thể sống động và có gắn bó máu thịt với con người. Nó là hồn vía của ngôi làng và trở thành một biểu tượng của làng Ku-ku-rêu. Có lẽ bởi tình yêu quê hương tha thiết và sự gắn bó tri kỷ với hai cây phong như thế nên trong con mắt người họa sĩ cái cây ấy: “có tiếng nói riêng và hẳn phải có một tâm hồn riêng, chan chứa những lời ca êm dịu. Dù ta có tới đây vào lúc nào, ban ngày hay ban đêm, chúng vẫn nghiêng ngả thân cây, lay động lá cành, không ngớt tiếng rì rào theo nhiều cung bậc khác nhau. Có khi tưởng chừng như một làn sóng thủy triều dâng lên vỗ vào bãi cát, có khi lại nghe như một tiếng thì thầm thiết tha nồng thắm chuyển qua lá cành như một đám lửa vô tình, có khi hai cây phong bỗng im bặt một thoáng, rồi khắp lá cành lại cất tiếng thở dài một hơi như thương tiếc người nào. Và khi mây đen kéo đến cùng với bão giông, xô gãy cành, tỉa trụi lá, hai cây phong nghiêng ngả tấm thân dẻo dai và reo vù vù như một ngọn lửa bốc chảy rừng rực”. Đọc đoạn văn như thế ta thấy đầy chất thơ. Không biết đây là nhưng cung bậc cảm xúc của cây hay người? Dường như tác giả đã hóa thân vào hai cây phong để kể chuyện. Đoạn văn đã sử dụng một loạt những liên tưởng cùng các biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa để vẽ lên một bức tranh bằng ngôn từ rất đặc sắc. Hai cây phong ấy dường như được cảm nhận không chỉ bằng thị giác, thính giác mà còn bằng cả tâm hồn. Qua nét vẽ của người họa sĩ như thế người ta thấy hai cây phong giống như những con người với những cá tính rất rõ ràng, cụ thể. Cũng biết buồn vui và cũng dám đương đầu với những phong ba bão táp. Hai cây phong ấy phải chăng cũng chính là con người của quê hương với sức sống mạnh mẽ, hiên ngang, bền bỉ, dẻo dai nhưng cũng rất dịu dàng, thân thương. Hẳn là phải yêu quê lắm, gắn bó với làng quê lắm thì nhà văn mới phát hiện và thể hiện được những vẻ đẹp đó của hai cây phong và đấy cũng chính là vẻ đẹp của quê hương xứ sở.

Nghệ thuật kể chuyện của Ai-ma-tốp cũng rất độc đáo. Thực tại và quá khứ cứ đan xen, lồng ghép vào nhau. Từ thực tại nhà văn lại hồi tưởng về quá khứ. Với nghệ thuật kể chuyện này nhà văn đã giúp cho người đọc thấy được thế giới tuổi thơ của người kể chuyện hiện lên đẹp như một câu chuyện cổ tích bên hai cây phong: “Cứ vào cuối năm học, trước khi bắt đầu nghỉ hè là bọn con trai chúng tôi lại chạy ào lên đây phá tổ chim. Cứ mỗi lần chúng tôi reo hò, huýt còi ầm ĩ chạy lên đồi là hai cây phong khổng lồ lại nghiêng ngả đung đưa như muốn chào mời chúng tôi đến với bóng râm mát rượi và tiếng lá xào xạc dịu hiền. Và chúng tôi, lũ ranh con đi chân đất, công kênh nhau bám vào các mắt mấu và cành cây trèo lên cao làm chấn động cả vương quốc loài chim. Hàng đàn chim hoảng hốt kêu lên, chao đi chao lại trên đầu. Nhưng chúng tôi vẫn chưa coi vào, đến đây đã thấm gì! Chúng tôi cứ leo lên cao nữa – nào, xem ai can đảm và khéo hơn! – và từ trên những cành cao ngất, cao đến ngang tầm cánh chim bay, bỗng như có một phép thần thông nào vụt mở ra trước mắt chúng tôi cả một thế giới đẹp đẽ vô ngần của không gian bao la và ánh sáng”.

Và trong những kỷ niệm tuổi thơ ấy, hai cây phong không chỉ hiện lên như những người bạn. Có những lúc nó trở thành những tác nhân giúp người kể chuyện và bạn bè trang lứa được mở rộng tầm mắt, thấy được sự bao la rộng lớn của đất trời, sự hùng vĩ tươi đẹp của thế giới tự nhiên xung quanh. Từ trên hai cây phong lũ trẻ đã không khỏi sửng sốt bởi: “Chuồng ngựa của nông trường mà chúng tôi vẫn coi là tòa nhà rộng lớn nhất trên thế giới, ngồi đây chúng tôi thấy chỉ như một căn nhà xép bình thường”; “Phía sau làng là dải thảo nguyên hoang vu mất hút trong làn sương mờ đục. Chúng tôi cố gương hết tầm mắt nhìn vào nơi xa thẳm biêng biếc của thảo nguyên và nom thấy không biết bao nhiêu đất đai mà trước đây chúng tôi không biết đến, thấy những con sông mà trước đây chúng tôi chưa từng nghe nói đến. Những dòng sông lấp lánh tận chân trời như những sợi chỉ bạc mỏng manh”. Phải chăng sự mở rộng tầm mắt này đã trở thành một động lực thôi thúc những ước mơ, những khám phá của lũ đứa trẻ; chắp cánh cho những hoài bão, khát vọng của đám học sinh ngày ấy: “Chúng tôi nép mình ngồi trên các cành cây suy nghĩ: đã phải đấy là nơi tận cùng thế giới chưa, hay phía sau vẫn còn có bầu trời ấy, những đám mây, những đồng cỏ và sông ngòi như thế này? Chúng tôi náu mình trên các cành cây, lắng nghe những tiếng gió ảo huyền và tiếng lá cây đáp lại lời gió, thì thầm to nhỏ về những miền đất bí ẩn đầy sức quyến rũ lẩn sau chân trời xa thẳm biêng biếc kia”. Cứ như thế bảo sao con người không gắn bó, yêu quý và tha thiết với hai cây phong. Bảo sao “cứ mỗi lần về quê … tôi đều coi bổn phận đầu tiên là từ xa đưa mắt tìm hai cây phong thân thuộc ấy”.

4. Nghệ thuật song trùng ngôi kể thứ nhất.

“Người thầy đầu tiên” thuộc thể loại truyện vừa. Truyện được kể ở ngôi thứ nhất. Người kể chuyện xưng tôi hoặc chúng tôi nhưng không phải là một người kể chuyện duy nhất. Trong thiên truyện này nhà văn đã tạo ra hình thức song trùng người kể chuyện đều ở ngôi thứ nhất. Người kể chuyện thứ nhất là nhân vật người họa sĩ, ví dụ: “Mùa thu năm ngoái tôi nhận được một bức điện từ làng tôi gửi đến. Bà con trong làng mời tôi về dự buổi khánh thành ngôi trường mới do nông trường xây dựng. Tôi lập tức quyết định về làng, vì làm sao tôi có thể ngồi nhà trong một ngày vui của quê hương như thế được. Tôi còn về trước vài ngày nữa là khác. Tôi định bụng về sẽ dạo quanh, ngắm cảnh và vẽ ít bức kí họa …; “Tôi mở tung các cửa sổ. Một luồng gió mát lùa vào phòng. Trong ánh lê minh xanh nhạt đang sáng dần tôi nhìn kĩ những bản nghiên cứu phác thảo của bức tranh tôi vừa khởi công. Những bức vẽ ấy nhiều lắm. Tôi đã nhiều lần vẽ đi vẽ lại từ đầu. Nhưng bây giờ mà nói về toàn bộ bức tranh thì hãy còn sớm. Tôi vẫn chưa tìm ra cái chính... Tôi đi đi lại lại trong cảnh tĩnh mịch của buổi lê minh và cứ suy nghĩ, suy nghĩ mãi. Và lần nào cũng đều như thế. Lần nào tôi cũng lại thấy rõ ràng bức tranh của tôi chỉ mới là một ý đồ”. Người kể chuyện thứ hai là bà An-tư-nai, ví dụ: “Có lần, mang những túi đựng đầy ki-giắc nhặt ở chân núi mé trên làng trở về, chúng tôi vòng vào trường xem thử thầy giáo đang làm gì ở đấy”; “Giờ đây nhớ lại cảnh xưa, tôi thấy khó lòng mà tin được rằng tất cả những điều đó là có thật. Nhưng lúc bấy giờ, không biết vì ngu dốt hay vì nông nổi, người ta đã cười thầy Đuy-sen, nhất là bọn nhà giàu thường trú qua mùa đông ở trên núi và chỉ xuống làng khi cần xay thóc”.

Nhân vật họa sĩ và nhân vật An-tư-nai đều sinh ra, lớn lên từ làng Ku-ku-rêu, đang sống ở Mát-xcơ-va và cùng được mời về dự khánh thành ngôi trường mới ở quê hương. Hai nhân vật này có quen biết nhau. Nhân vật An-tư-nai viết thư cho nhân vật họa sĩ kể về “người thầy đầu tiên” của làng Ku-ku-rêu; nhờ nhân vật họa sĩ kể lại câu chuyện này cho dân làng Ku-ku-rêu; đồng thời giải thích lý do vì sao mình lại đột ngột ra đi; rồi đề nghị họa sĩ ủng hộ bà trong việc đề nghị dân làng đặt tên trường mới là “Trường Đuy-sen”.

Ai-ma-tốp sử dụng ngôi kể thứ nhất sẽ giúp tác giả thể hiện được những cảm xúc, cách nhìn cùng tiếng nói nội tâm của người kể chuyện với tư cách là một người trong cuộc, tham gia trực tiếp vào câu chuyện nên có cái nhìn chân thực, cụ thể, các tình tiết được kể lại chính xác, tỉ mỉ. Do đó có tác dụng làm cho người đọc nắm bắt tâm trạng nhân vật sâu sắc, sinh động, chân thật và gần gũi hơn; câu chuyện cũng sẽ mang lại một bản sắc cá nhân cùng những cá tính riêng biệt. Tuy nhiên ngôi kể thứ nhất cũng có nhược điểm. Do bị chi phối bởi cảm xúc mang tính chủ quan nên nó thiếu tính khách quan, câu chuyện chỉ có cái nhìn từ một phía. Bởi vậy nghệ thuật song trùng người kể chuyện ở ngôi thứ nhất của Ai-ma-tốp đã sử dụng có tác dụng thay đổi người kể chuyện trong cùng một tác phẩm. Việc thay đổi sẽ khắc phục được tính chủ quan của một người kể chuyện duy nhất, làm cho câu chuyện được soi chiếu từ nhiều chiều, khiến nội dung câu chuyện trở nên chân thực, phong phú, hấp dẫn và chứa đựng nhiều ý nghĩa.

Từ câu chuyện trong bức thư của An-tư-nai, câu chuyện xúc động về người thầy đầu tiên của làng Ku-ku-rêu đã thôi thúc người kể chuyện thứ nhất sáng tác. Người họa sĩ đã nảy sinh ra ý tưởng cho những bức tranh của mình về làng Ku-ku-rêu mà nhân vật trung tâm của bức tranh là thầy Đuy-sen. Từ nhân vật trung tâm ấy, trong lòng người họa sĩ đã nảy sinh biết bao ý tưởng. Ý tưởng nào cũng hay, cũng đều có ý nghĩa. Đó là: Hai cây phong của thầy Đuy-sen và An-tư-nai trồng, cùng đứa trẻ với đôi mắt hân hoan nhìn vào cõi xa xăm kỳ ảo; Đuy-sen bế đứa trẻ qua con suối và cạnh đấy là trên những con ngựa no nê hung dữ, lũ người đần độn đi qua đang chế giễu Đuy-sen; cảnh thầy Đuy-sen tiễn An-tư-nai lên tỉnh học, sao cho bức tranh ấy diễn tả được tiếng gọi của thầy mà đến nay An-tư-nai vẫn còn nghe vẳng lại, sẽ vang dội mãi trong lòng mỗi người. Tựa như một kết thúc mở. Ai-ma-tốp đã để cho nhân vật họa sĩ tự bộc lộ, tự thể hiện những ý tưởng sáng tác qua những suy nghĩ, cảm xúc của chính mình. Với những suy nghĩ và cảm xúc của người họa sĩ ấy nhà văn đã dựng lên một hình ảnh tuyệt đẹp về tình thầy trò, đặc biệt là tấm lòng của thầy Đuy-sen. Ở đây ta thấy vẫn là tiếng nói chủ quan của ngôi kể thứ nhất nhưng không phải là tiếng nói của An-tư-nai về người thầy yêu quý của mình. Đây là tiếng nói và sự rung động của trái tim người của người nghệ sĩ trước vẻ đẹp của của nghĩa tình thầy trò giữa An-tư-nai và Đuy-sen; đặc biệt là vẻ đẹp cao cả của thầy Đuy-sen. Vẻ đẹp ấy khiến mọi người ấm lòng và trân trọng yêu quý nghề dạy học.

Ra đời cách đây hơn sáu mươi năm, tác phẩm “Người thầy đầu tiên” của Ai-ma-tốp ngày nay vẫn còn có rất nhiều ý nghĩa và hấp dẫn người đọc. Nhưng trước hết và cao nhất, nó là bản tình ca bất diệt về tình thầy trò, về nghề dạy học. Hình ảnh thầy giáo Đuy-sen hẳn vẫn là một tấm gương sáng ngời cổ vũ những nhà giáo chân chính. Tình cảm thầy trò thiêng liêng và cao cả của Đuy-sen và An-tư-nai sẽ sống mãi trong trái tim người đọc. Tác phẩm như thế sẽ không có biên giới và mãi là một bài ca đi cùng năm tháng.

*Trường THCS Nguyễn Văn Huyên, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội

Đào Thị Thu Hiền*

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nguoi-thay-dau-tien-nhung-the-gioi-nghe-thuat-va-ban-tinh-ca-ve-nghe-day-hoc-a21785.html