Người thầy của bản

Đã 4 năm, thầy giáo Nguyễn Thành Chung gắn bó với điểm Trường Tiểu học xã Yên Sơn 2, huyện Thanh Sơn. Mặc dù khu Hồ còn nhiều thiếu thốn nhưng thầy Chung cùng với nhiều giáo viên cắm bản khác vẫn vượt lên khó khăn, cùng những học trò dân tộc Dao ở đây xây đắp tiếp giấc mơ đến trường.

PTĐT - Đã 4 năm, thầy giáo Nguyễn Thành Chung gắn bó với điểm Trường Tiểu học xã Yên Sơn 2, huyện Thanh Sơn. Mặc dù khu Hồ còn nhiều thiếu thốn nhưng thầy Chung cùng với nhiều giáo viên cắm bản khác vẫn vượt lên khó khăn, cùng những học trò dân tộc Dao ở đây xây đắp tiếp giấc mơ đến trường.

Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Phú Thọ, năm 1999, thầy giáo Chung lên dạy trên bản Sinh Tàn, xã Thượng Cửu. Năm 2001, thầy chuyển công tác lên bản Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn. Năm 2016, thầy xung phong lên dạy ở điểm trường khu Hồ, Tiểu học Yên Sơn 2, huyện Thanh Sơn. Những ngày đầu, ngôi trường nằm cheo leo trên đỉnh đồi ấy không có điện, nước. Thầy phải xách từng xô nước dưới chân đồi lên để phục vụ sinh hoạt. Những tối soạn bài bên ánh đèn dầu leo lét cũng không làm vơi đi nhiệt huyết của thầy.

Đầu năm 2018, một hộ dân đã hiến hơn 3.000 m2 đất cùng với các cấp, ngành và nhà hảo tâm xây dựng một ngôi trường khang trang, phục vụ tốt hơn cho việc giảng dạy và học tập. Thầy Chung chia sẻ: “Trong một lần tham gia hoạt động trải nghiệm với học sinh, tôi được cuốc đất đào măng, hái lá chuối cùng các em. Hoạt động trải nghiệm không chỉ giúp các bạn ấy tích lũy kinh nghiệm sống mà còn giúp tình cảm thầy trò trở nên bền chặt hơn.”

Thầy Nguyễn Thành Chung hướng dẫn các em học sinh lớp 1 trong tiết tập đọc.

Đặc thù lớp học ở điểm trường khu Hồ là lớp ghép nên việc các thầy dạy từ 2 đến 3 trình độ trong cùng một tiết học là chuyện bình thường. Dạy lớp ghép nên thời gian dành cho mỗi nhóm học sinh trở nên eo hẹp hơn. Nếu như với lớp đơn, thầy và trò có 45 phút để cùng tìm hiểu bài học thì lớp ghép, thời gian cho mỗi nhóm học sinh chỉ còn 10 - 15 phút. Nhiều hôm buổi tối, thầy vẫn phải lên lớp để hướng dẫn học sinh làm bài tập về nhà. Khối lượng công việc và áp lực gấp ba lần những giáo viên khác nhưng chưa bao giờ thầy Chung có ý định chuyển trường hay xin xuống trung tâm dạy học. Vì đối với thầy, học trò giống như những đứa con mà mình tận tâm dìu dắt.

Thầy Chung chơi trò chơi cùng các em học sinh trong giờ ra chơi

Con đường học tập của các em học sinh người Dao trở nên thuận lợi hơn nhờ thầy Chung và các thầy cô cắm bản. Điểm trường hiện nay vẫn còn những em có hoàn cảnh khó khăn, trong đó, có em Đặng Thị Chinh. Vì điểm trường khu Hồ không có lớp 5 nên học hết lớp 4, Chinh phải chuyển ra điểm trường khu Náy ở xã Yên Lương học. Gia đình em có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ lại đi làm ăn xa không thể đưa đón. Thầy Chung cùng với các thầy cô đã góp từ đồng lượng giáo viên của mình để mua tặng Chinh một chiếc xe đạp. Món quà nhỏ nhưng là động lực to lớn để cô học trò vững bước tới trường.

Sự quan tâm của các cấp, ngành và sự hiếu học của các em học sinh sẽ là món quà vô giá và là động lực để thầy Chung cùng với những giáo viên cắm bản khác tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người nơi bản làng xa xôi.

Thùy Trang

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/202011/nguoi-thay-cua-ban-173866