Người 'thắp sáng' Ban Mai Xanh

Từng 7 lần không có cơ hội làm mẹ, cô giáo Phùng Thị Hoa, chủ Cơ sở giáo dục mầm non Ban Mai Xanh (TP Tuyên Quang) hơn ai hết hiểu được trẻ em quý giá đến nhường nào. Các em giống như 'tài sản vô giá' của mỗi gia đình, bởi thế cô đã dành những tình cảm và sự chăm sóc tốt nhất để tạo môi trường cho trẻ thơ phát triển toàn diện và được thỏa thích trong 'ngôi nhà xanh hạnh phúc'.

Yêu trẻ như con

Đến hôm nay, dù đã thành công với hệ thống 6 cơ sở giáo dục mầm non Ban Mai Xanh ở thành phố Tuyên Quang và được nhiều gia đình, phụ huynh gửi gắm con em theo học nhưng cô giáo Phùng Thị Hoa vẫn nhớ như in những tháng ngày khó khăn khi mới mở lớp. Cô Hoa kể, trở thành giáo viên nuôi dạy trẻ có lẽ là một cái duyên trời định. Dù là giáo viên dạy THPT nhưng cứ đi đâu, làm gì gặp trẻ em là cô với trẻ lại quấn quýt, các em cứ sà vào lòng như là thân quen đã lâu. Nhiều người thấy vậy đùa vui “hay cô giáo Hoa mở nhóm nhận trông trẻ đi” và quãng thời gian sau đó với nhiều biến cố đã khiến cô gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ và đây cũng là một trong những quyết định bước ngoặt của cuộc đời cô.

Cô giáo Phùng Thị Hoa dạy trẻ trên lớp.

Bản thân cô giáo Phùng Thị Hoa từng rơi vào tuyệt vọng khi liên tiếp những lần có tin vui nhưng đã vội vụt tắt - đó là những lần cô mang thai nhưng chẳng thể giữ nổi những “thiên thần” dù đã rất giữ gìn và thăm khám theo định kỳ. Sau 7 lần bị hỏng, đứa con đầu tiên ra đời sau bao khó khăn chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của gia đình cô. Thế nên cô Hoa sợ, đọc ở đâu đó những thông tin “trẻ bị bạo hành”, trẻ bị tai nạn… là cô giật mình thon thót. Với bản năng của người làm mẹ và tình yêu con vô bờ bến cô đã đưa ra một quyết định đầy khó khăn đó là nghỉ việc dạy học ở trường THPT sau hơn 10 năm gắn bó để ở nhà chăm con và cũng từ đây ý tưởng mở cơ sở giáo dục mầm non tư thục được nhen nhóm để kết hợp vừa trông con, vừa nhận trông trẻ. Khi nói ra, ý tưởng của cô giáo Hoa may mắn nhận được sự ủng hộ từ chồng và gia đình.

Anh Nguyễn Văn Tiến, chồng cô Hoa luôn ủng hộ những quyết định của vợ bởi anh là người chứng kiến sự hy sinh và vất vả “vượt cạn” của người vợ thân yêu. Đúng như các cụ bảo “cửa sinh là cửa tử”, mỗi lần vợ chuẩn bị sinh là mỗi lần anh lo lắng mất ăn mất ngủ. Anh Tiến bảo, hồi đấy, anh đang làm cán bộ ngành điện ở Bắc Giang thì vợ bàn về quê ở Tuyên Quang mở lớp mầm non tư thục. Lúc đầu cũng suy nghĩ nhưng thấy vợ quyết tâm anh ủng hộ ngay, quan trọng là vợ mình thích và các con mình được nuôi dưỡng, vợ mình được thỏa thích với đam mê. Vợ ở lớp nhiều hơn ở nhà nên anh không ngần ngại khi làm người nội trợ, chăm sóc con để vợ toàn tâm toàn ý với giáo dục mầm non.

Xây dựng ngôi nhà đầy ắp tiếng cười trẻ thơ

Khi thành lập cơ sở Ban Mai Xanh cách đây gần 10 năm trước, cô Hoa vừa là giáo viên vừa chăm sóc trẻ, nhận trẻ và hàng ngày dạy trẻ… cô giống như một bảo mẫu vừa chăm con vừa chăm trẻ. Đối với cô Hoa, khi các gia đình đã tin tưởng gửi gắm con mình cho cơ sở thì mình phải cố gắng hết sức, phải nuôi dạy trẻ với một trách nhiệm cao nhất, coi trẻ như con mình thậm chí còn hơn con mình. Cô Hoa bảo, nhà tự trồng rau cô dành hết cho lớp học còn nhà thì đi mua chợ để ăn, các đồ chơi, đồ dùng… cô đầu tư đều phải là đồ xịn bởi cô muốn dành những gì tốt nhất cho trẻ, nếu chỉ để xảy ra một chút gì đó thôi là mình có tội với trẻ, với gia đình các em.

Vậy nhưng, trong quãng thời gian làm giáo viên và quản lý cơ sở cô Hoa cũng phải xử lý không ít những trường hợp ngoài ý muốn đó là có những trường hợp trẻ mắc những chứng bệnh bẩm sinh và gia đình giấu giếm. Cô Hoa kể, có một lần trong lớp có bé đang chơi trên lớp bỗng ngất lịm, tím tái đi. Lúc ấy mình phải phản ứng nhanh, ngay lập tức đưa con đến bệnh viện gần nhất (trước đó đã liên lạc với bệnh viện để xin ý kiến xử lý). Cũng may sau khi được cấp cứu điều trị kịp thời, trẻ trở lại bình thường mình và các cô mới thở phào nhẹ nhõm. Mấy hôm sau gia đình trẻ đến nhà cảm ơn, họ xin lỗi vì đã giấu trẻ bị bệnh tim bẩm sinh.

Để giúp xử lý nhanh chóng với những tình huống và xây dựng một một trường giáo dục chuyên nghiệp, minh bạch, cô Hoa đã chỉ đạo lắp đặt hệ thống camera tại các lớp học để nhà trường và phụ huynh có thể theo dõi con học tập, vui chơi trên lớp bất cứ lúc nào. Cùng với đó, cơ sở còn thường xuyên tổ chức cho giáo viên được học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; mời các đơn vị như bệnh viện, trung tâm y tế để tập huấn kỹ năng xử lý các tình huống phát sinh đối với trẻ, các biện pháp, cách sơ cứu ban đầu để đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ. Đồng thời không ngừng đổi mới phương pháp giáo dục để trẻ tiếp thu kiến thức theo phương pháp giáo dục STEAM. Chính vì thế khi trẻ hoàn thành chương trình bậc học mầm non tại Cơ sở giáo dục mầm non Ban Mai Xanh được các trường tiểu học đón nhận và đánh giá rất cao. Cơ sở ngày càng được phụ huynh, học sinh gửi trọn niềm tin.

Chị Nguyễn Thị Mỵ ở phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) có con học tại Cơ sở giáo dục mầm non Ban Mai Xanh cho biết, khi gửi con ở Ban Mai Xanh gia đình chị rất yên tâm. Không chỉ vậy, có những hôm đi làm về muộn nhưng đến đón các cô vẫn luôn niềm nở, các con trở về nhà vui vẻ, líu lo kể chuyện và mong được đến lớp mỗi ngày, đúng là các con “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục tư thục như Ban Mai Xanh được thành lập và phát triển đã góp phần giảm tải cho các cơ sở giáo mầm non cơ sở công lập đồng thời nâng cao tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian qua, tỉnh ta cũng có nhiều chính sách khuyến khích phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh như: hỗ trợ mua sắm thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, hỗ trợ kinh phí trả lương giáo viên… Cũng nhờ sự hỗ trợ đó mà các cơ sở giáo dục mầm non như Ban Mai Xanh đã ngày càng phát triển góp phần củng cố thành quả phổ cập giáo dục và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.

Nói về Cơ sở giáo dục mầm non Ban Mai Xanh, đồng chí Vũ Dương Uyên, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, đây là cơ sở giáo dục mầm non tư thục tiêu biểu đạt nhiều kết quả tích cực. Việc phát triển các cơ sở giáo dục mầm non như Ban Mai Xanh đã tạo cho trẻ em một môi trường học tập tốt, phụ huynh có nhiều lựa chọn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non trên địa bàn.

Với cô giáo Phùng Thị Hoa, hàng ngày được đến lớp được nhìn thấy trẻ vui chơi, học tập với nụ cười trên môi là niềm hạnh phúc vô bờ bến, đó chính là động lực để cô xây dựng một ngôi nhà ban mai xanh hạnh phúc của trẻ hôm nay.

Phóng sự: Huy Hoàng

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/nguoi-thap-sang-ban-mai-xanh-188980.html