Người tham gia giao thông tử vong do sụp ổ gà, ai chịu trách nhiệm?

Trường hợp mới đây một người tham gia giao thông sụp ổ gà và tử vong ở đường số 1, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM, ai sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường?

Theo tôi hiểu, người dân đã đóng thuế cầu đường, thì phải được bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông. Trường hợp mới đây một người tham gia giao thông sụp ổ gà và tử vong ở đường số 1, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM, ai sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường và có bị xử lý hình sự không? (bạn đọc [email protected].).

Luật sư Đoàn Văn Tư (Giám đốc Công ty Luật TNHH Đoàn Gia, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) trả lời: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư 37/2018/TT-BGTVT quy định trách nhiệm của Sở giao thông vận tải đối với đường địa phương như sau:

a) Tổ chức thực hiện công tác quản lý, vận hành khai thác và bảo trì các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý;

b) Thực hiện quyền, trách nhiệm khác đối với công tác quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ thuộc hệ thống đường địa phương theo quy định của pháp luật.

Vụ tai nạn giao thông sụp ổ gà gây chết người xảy ra tại khu vực đường số 1, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM vừa qua, trách nhiệm giám sát và quản lý thuộc về Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM.

Tuy nhiên, bàn về vấn đề trách nhiệm, trước tiên cần phải làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ việc.

Trường hợp cá nhân, tổ chức thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã làm đúng nhiệm vụ, toàn bộ đoạn đường nguy hiểm, hư hỏng đã có biển cảnh báo để chờ sửa chữa, duy tu nhưng do nạn nhân không tuân thủ luật giao thông, không quan sát biển cảnh báo nguy hiểm dẫn đến hậu quả là xảy ra tai nạn. Lỗi hoàn toàn thuộc về nạn nhân. Cá nhân được giao nhiệm vụ bảo trì, duy tu, sửa chữa hệ thống đường và Sở GTVT sẽ không phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.

Trường hợp trong quá trình điều tra, xác minh, cơ quan chức năng nhận thấy tai nạn giao thông xảy ra hoàn toàn do sự cố hư hỏng đường giao thông, thuộc trách nhiệm của cá nhân, tổ chức thuộc Sở GTVT thì cơ quan chức năng có thể ra quyết định khởi tố vụ án về tội Vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông (Điều 281) hoặc tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360) tại Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cụ thể:

Điều 281. Tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông

1. Người nào có trách nhiệm trong việc duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không mà có một trong các hành vi sau đây, dẫn đến hậu quả làm chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về duy tu, bảo dưỡng, quản lý để công trình giao thông không bảo đảm an toàn kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật;

b) Không khắc phục kịp thời đối với công trình giao thông bị hư hỏng, đe dọa an toàn giao thông;

c) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng biện pháp hướng dẫn, điều khiển giao thông, đặt biển hiệu, cọc tiêu, rào chắn ngăn ngừa tai nạn khi công trình giao thông đã bị hư hại mà chưa kịp hoặc đang tiến hành duy tu, sửa chữa;

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 360. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:

a) Làm chết người;

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Cá nhân, tổ chức sai phạm một trong các hành vi trên ngoài hình phạt chính còn phải chịu hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, cá nhân tổ chức có sai phạm còn phải bồi thường các khoản chi phí nhất định cho người bị hại theo quy định của pháp luật.

Trên đây là toàn bộ nhận định ban đầu về vụ việc tai nạn giao thông. Kết luận cuối cùng về trách nhiệm của các bên phụ thuộc vào quá trình điều tra, xác minh của cơ quan chức năng.

Đông Hường (ghi)

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/nguoi-tham-gia-giao-thong-tu-vong-do-sup-o-ga-ai-chiu-trach-nhiem-d7496.html