Người Thái ở Con Cuông đổi thay từ phát triển du lịch cộng đồng

Nhờ tham gia vào mô hình du lịch cộng đồng của HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng xã Yên Khê, nhiều hộ gia đình người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông (Nghệ An) có thu nhập ổn định, thoát nghèo, trở thành hộ khá trở lên. Đồng thời, phát triển du lịch cộng đồng còn giúp đồng bào nơi đây khôi phục, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Năm 2020, HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng xã Yên Khê (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) được thành lập. Đến nay, HTX đã là “chủ thể” của điểm du lịch cộng đồng, biến các khe suối, nhà sàn nơi núi rừng bản Nưa trở thành các cơ sở vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng khang trang với các hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc của người Thái ở Con Cuông. Chỉ tính riêng năm 2022, đã có hơn 3.000 lượt khách đến tham quan du lịch, hỗ trợ giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho hơn 30 người dân địa phương.

Du lịch cộng đồng tạo sinh kế mới

Để có được thành công như ngày hôm nay, HTX đã trải qua rất nhiều khó khăn, nỗ lực của các thành viên. Chị Lô Thị Hoa, giám đốc HTX chia sẻ: Bản Nưa với 100% là người dân tộc Thái, chị em phụ nữ chỉ quanh quẩn làm việc nương rẫy, lam lũ, tảo tần nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn. Từ đó chị nuôi ước mơ biến vùng đất Bản Nưa được thiên nhiên ban tặng có nhiều tiềm năng trở thành điểm du lịch để cải thiện sinh kế cho đồng bào Yêu Khê nói chung phụ nữ Bản Nưa nói riêng trong đó có gia đình chị.

Chị Lô Thị Hoa, giám đốc HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng xã Yên Khê bên sản phẩm mây tre đan truyền thống đồng bào Thái.

Trước đó, huyện Con Cuông có chủ trương xây dựng huyện trở thành Đô thị sinh thái du lịch. Sau đó, chị được dự án JICA Nhật Bản và ngành Du Lịch cho đi tập huấn tham quan học hỏi, trở về quê hương chị được chị em cử làm Tổ trưởng Homestay.

Không thể hình dung hết những khó khăn trong buổi đầu như thế nào. Từ một người ít ra khỏi bản làng, lại bắt tay làm nghề mà “chưa có tiền lệ”, nên cả Tổ du lịch cộng đồng bản Nưa đầy băn khoăn, lo lắng. Nhưng với quyết tâm cao để thoát nghèo, để có việc làm ổn định ngay chính trên bản làng, chị Hoa và các thành viên của Tổ đã không ngừng học hỏi và phát triển mỗi ngày.

Cột mốc đáng nhớ nhất của chị Hoa đó là năm 2019, nhóm Homestay đã đón 2.300 lượt khách, cả khách trong nước và nước ngoài. Thành công này là động lực để năm 2020 chị thành lập HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng xã Yên Khê. Theo đó, HTX đã nâng cao kỹ năng dịch vụ cho các thành viên, đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, liên doanh liên kết với các vùng chuyên canh sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng (Cam, dược liệu, chè hữu cơ, sản xuất ứng dụng công nghệ cao...), xây dựng các tuyến du lịch cộng đồng, du lịch làng bản kết nối với các vùng sản xuất nông nghiệp trải nghiệm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác phát triển nguồn nhân lực là người địa phương về kiến thức và kỹ năng du lịch nông nghiệp tham gia liên kết các tour du lịch.

Năm 2020 mặc dù dịch bệnh Covid-19 bùng phát nhưng đã có khoảng 2.000 lượt khách đến và sử dụng dịch vụ của HTX, thu nhập của chị em bình quân hàng tháng từ 4, 2 - 5 triệu đồng.

Chỉ tính riêng năm 2022, HTX đã phục vụ hơn 3.000 lượt khách đến tham quan du lịch bản Nưa, cho tổng thu nhập trên 400 triệu đồng, hỗ trợ giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho hơn 30 người dân địa phương.

Khôi phục làng nghề truyền thống

Chị Hoa cho biết: Để làm du lịch hiệu quả cũng như gìn giữ bản sắc văn hóa đồng bào, chị đã kiến nghị phục dựng nghề mây tre đan và dệt thổ cẩm của đồng bào Thái. Những sản phẩm này, đã được liên kết để bao tiêu và thành điểm tham quan du lịch khiến bà con rất hào hứng.

“Nhờ làm du lịch mà bà con địa phương đã khôi phục nghề dệt truyền thống, mây tre đan... Du khách có nhu cầu tìm hiểu văn hóa truyền thống nên người dân tìm cách khôi phục các điệu múa, bài hát có nguy cơ mai một”, giám đốc HTX nói.

Theo đó, nguyên vật liệu làm bàn ghế hoàn toàn khai thác từ tự nhiên và trong vườn nhà. Các sản phẩm mây tre đan của HTX được các thành viên làm hoàn toàn thủ công, mang nét hoa văn, thẩm mỹ đặc trưng của người Thái đã được công nhận từ lâu.

Ông Kha Văn Tiện, thành viên HTX cho biết: “nguyên vật liệu được lấy từ trong rừng. Gốc tre, mây phải lấy đúng mùa, làm thủ công, mỗi tháng tổ sản xuất của HTX gồm 6 người sản xuất được 6-7 bộ bàn ghế, mỗi bộ bán 3,5 đến 5,5 triệu đồng. Ngoài nghề nông, với đôi tay khéo léo, mỗi người, mỗi tháng thu nhập trên dưới 5 triệu đồng”.

Ngoài khôi phục nghề mây tre đan truyền thống, HTX cũng đã thành lập tổ dệt vải thổ cẩm với 27 chị em. HTX lắp đặt 7 khung cửi để cùng nhau dệt vải thổ cẩm, sau đó may thành các loại áo, váy truyền thống, khăn quàng, váy, áo, bìa sổ, túi thêu... với những họa tiết, hoa văn phong phú chuẩn bị sẵn nguồn hàng để phục vụ nhu cầu của du khách du lịch.

Bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa người Thái

Chị Hà Thị Hương, thành viên HTX cho biết: Việc phát triển mô hình homestay không chỉ giúp bản Xiềng có thêm sản phẩm du lịch hấp dẫn mà mô hình này đã giúp cho bà con gìn giữ, tôn tạo lại những ngôi nhà sàn vốn là bản sắc của người Thái. Việc phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch sẽ giúp du khách tìm hiểu đầy đủ hơn nét văn hóa cộng đồng của người dân tộc Thái trên địa bàn huyện Con Cuông.

Có thể thấy, nhờ sự năng động của HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng xã Yên Khê mà du lịch cộng đồng đã dần trở thành nghề của bà con đồng bào người dân tộc Thái nơi đây. Họ cũng dần nâng cao tay nghề nhờ được tập huấn về cách thức làm du lịch, về cách giao tiếp, ứng xử, nấu nướng và nhiều sự hỗ trợ khác...Và, quan trọng nhất là tất các các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng đều có thu nhập ổn định, thoát nghèo, trở thành hộ khá trở lên.

Mô hình du lịch cộng đồng bản Nưa đã được một chuyên gia Nhật Bản dịch sang tiếng Nhật làm tài liệu quảng bá du lịch tại Nhật và ứng dụng cho mô hình các tỉnh, thành khác tại Việt Nam cách đây mấy năm. Cùng với sự tâm huyết, trách nhiệm của chị Lô Thị Hoa, đó sẽ là cơ hội rất tốt để quảng bá hình ảnh du lịch Nghệ An ra với thế giới. Để một tương lai không xa, cùng với các điểm du lịch cộng đồng khác, Con Cuông sẽ xây dựng thành công đô thị sinh thái du lịch.

Theo lãnh đạo Phòng Văn hóa - Thể thao huyện Con Cuông: huyện Con Cuông có bản Nưa làm du lịch cộng đồng đã góp phần bảo tồn, gìn giữ bản sắc và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; khai thác và phát huy các thế mạnh về tài nguyên du lịch tự nhiên và giá trị văn hóa của địa phương để phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, du lịch cộng đồng đã bước đầu tạo ra sinh kế mới góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, từng bước xóa đói, giảm nghèo cho người dân và dần xóa bỏ phong tục du canh, du cư; đồng thời, nâng cao ý thức của người dân về công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Mạnh Lợi - Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An, cho biết: Du lịch cộng đồng đang từng bước phát triển ở các huyện vùng cao như Con Cuông, Quỳ Châu và đang mở rộng ở một số huyện khác. Trong thời gian tới, Sở Du lịch Nghệ An tiếp tục đề xuất mở các lớp tập huấn về du lịch cộng đồng, tham quan, học tập các mô hình cho người dân. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp cũng sẽ được chú trọng bằng các đợt ra quân vệ sinh môi trường trong bản, làng; tuyên truyền sâu rộng để người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phát triển du lịch "xanh", bền vững.

Hoàng Hà

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/nguoi-thai-o-con-cuong-doi-thay-tu-phat-trien-du-lich-cong-dong-1092674.html