Người Tày, Nùng ăn Tết tháng Bảy

Rằm tháng Bảy là ngày lễ Vu Lan, lễ Xá tội vong nhân (người Kinh) hay Tết Trung nguyên (người Hoa), nhiều người đi chùa để cúng, phóng sinh. Nhưng với người Tày, Nùng thì dịp Rằm tháng Bảy lại là Tết kéo dài 3 ngày, đây là thời gian để gia đình đoàn viên.

Trong 3 ngày Tết tháng Bảy (từ ngày 13 đến 15, tháng bảy âm lịch), hầu như tất cả gia đình người Tày, Nùng đều có 2 món ăn không thể thiếu là thịt vịt và bánh gai. Hai món ăn này dùng để cúng tổ tiên. Dịp Tết tháng Bảy, gia đình vợ chồng con gái khi về nhà cha mẹ đẻ (còn gọi là Pây Tái) phải có bánh gai cùng cặp vịt.

Bánh gai không thể thiếu trong dịp Tết tháng Bảy của người Tày, Nùng.

Phải nấu lá gai với tro bếp mới ra màu xanh đen và có mùi thơm đặc trưng.

Nhiều gia đình người Tày, Nùng hiện nay không biết làm bánh gai, nên phải đặt người khác làm.

Hiện nay, đời sống kinh tế đã phần nào phát triển, nhiều người trẻ trong nhiều gia đình Tày, Nùng không còn biết cách làm bánh gai (hoặc không có thời gian để làm), nên phải mua.

Để làm bánh gai cúng Tết tháng Bảy, từ trước ngày 13 âm lịch nhiều gia đình đã chuẩn bị nguyên vật liệu, như: bột nếp, lá chuối phơi khô, lá gai, đậu xanh, đường… Công đoạn làm bánh gai, như sau: ngâm nếp, đem xay rồi để trong bao vải treo lên cho ráo nước; lá gai cần rửa sạch, nấu nhừ rồi vắt khô, đưa lên bếp sao với đường. Sau đó lấy lá gai trộn đều với bột nếp và đem giã cho đến khi bột với lá hòa quyện với nhau, ra màu xanh đen (nếu muốn bánh có mùi thơm, phải nấu lá gai với nước tro bếp); đối với nhân của bánh gai thường là đậu xanh trộn với dừa hoặc đậu phộng (tùy sở thích của từng gia đình).

Nhiều gia đình không nuôi vịt, phải ra quán mua đem về chế biến.

Sau khi đã nhào, cho nhân vào bột để nặn thành từng viên, gói đưa vào nồi nấu khoảng 45-60 phút, khi bánh chín đem xuống trải ra cho nguội, lau lá để bánh khô. Để có 1 cái bánh gai, mất rất nhiều thời gian, công đoạn, nhưng trong Tết tháng Bảy đối với người Tày, Nùng, bánh gai không thể thiếu nên nhà nhà đều phải có.

Ông Nông Hồng Quân (SN 1972, ngụ ấp Suối Đôi, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) cho biết, nếu là con rể mới cưới, quà đem về bên nhà ngoại phải là 20 cặp bánh gai và 1 cặp vịt; nếu là rể cũ (cưới đã lâu) thì tùy vào tấm lòng nhưng vẫn phải có bánh gai và vịt. Trong dịp Tết tháng Bảy, hầu như nhà người Tày, Nùng nào cũng đều có món vịt với bún tươi.

Để làm món bún tươi kiểu truyền thống, theo bà Triệu Thị Thập (SN 1950, ngụ ấp Phước Tâm, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú), phải ngâm gạo 2 ngày (ngày nào cũng phải rửa gạo, thay nước), sau đó đem xay, cho vào bọc vải treo lên cho ráo nước, rồi lấy xuống nhào thành viên nhỏ thả vào nước sôi đến khi chín bên ngoài viên bún, vớt ra giã rồi nhào lần hai, cho vào khuôn ép bằng sức người cho ra sợi bún. Nấu tiếp trong nước sôi cho đến khi sợi bún nổi lên, vớt ra rửa bằng nước lạnh là xong.

Vịt quay và bún tươi là món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết tháng Bảy của người Tày, Nùng.

Một người Tày mua vịt quay trong dịp Tết tháng Bảy.

Bánh gai, vịt quay trong dịp Tết tháng Bảy.

Còn món thịt vịt, theo ông Hoàng Văn Tuấn (SN 1967, ngụ ấp Suối Đôi, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú), được chế biến thành nhiều món, như: vịt quay, vịt xáo măng, vịt luộc…, đặc biệt là vịt quay với lá mắc mật.

Ông Nông Hồng Quân quay vịt để bản thân và con trai đem về nhà ngoại trong dịp Tết tháng Bảy.

Thịt vịt là món ăn chính của người Tày, Nùng dịp Tết tháng Bảy.

Quay vịt có 2 kiểu: quay xáo và quay sống. Quay xáo là luộc vịt xong đem nướng, quét mật ong vào da cho có màu; quay sống thì không cần luộc. Đối với 2 kiểu quay vịt nêu trên, có điểm chung: mổ ngay phần phao câu khoảng 2-3 cm, móc ruột ra, nhét gia vị gồm lá và hạt mắc mật, tiêu, ớt, muối…, rồi khâu lại vết mổ đem lên lò nướng, hơi nóng của than sẽ làm con vịt chảy mỡ thấm vào gia vị bên trong khiến thịt vịt thơm ngậy.

Dịp thể hiện lòng biết ơn những người sinh ra vợ

Trong các bữa ăn của người Tày, Nùng vào Tết tháng Bảy có rất nhiều món, nhưng không thể thiếu thịt vịt với bún tươi. Do đó người Tày, Nùng thường có câu cửa miệng: “Bươn Chiêng kin nựa cáy; Bươn Chất kin nựa pất” (có nghĩa Tết tháng Giêng ăn thịt gà; Tết tháng Bảy ăn thịt vịt). Lý do phải có thịt vịt, theo nhiều người lớn tuổi cho rằng ngày xưa ở Cao Bằng, Lạng Sơn…, chỉ trồng lúa được 2 vụ/năm. Do đó nuôi vịt và ăn thịt vịt nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Còn tục Pây Tái là dịp để người con rể trong gia đình thể hiện lòng biết ơn cha mẹ vợ đã sinh ra vợ mình.

Tân Tiến

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nguoi-tay-nung-an-tet-thang-bay.html