Người tài hoa thương nhớ tài hoa

Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh quyết định giải 'Cống hiến' năm nay được truy tặng cho nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm (1940 - 2022).

Các tác phẩm của nhà thơ đã in thành sách.

Ngày 12/12, trong phiên họp tổng kết năm, Ban Chấp hành Hội Nhà văn TPHCM quyết định giải “Cống hiến” năm nay được truy tặng cho nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm (1940 - 2022); quyết định tổ chức lễ tưởng nhớ ông vào ngày 4/1/2023 tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố.

Sau khi tốt nghiệp môn Toán, ngành sư phạm, Nguyễn Vũ Tiềm dạy học ở Gia Lâm, Hà Nội, thời đất nước còn chia cắt. Yêu văn thơ từ nhỏ, thầy giáo toán Nguyễn Vũ Tiềm gửi thơ đăng báo thường xuyên và sớm thành cây viết trẻ của văn học Hà Nội, được bầu vào Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội, các khóa 2 và 3.

1.

Tác phẩm đã xuất bản:

1. NỮ HOÀNG TRÁI CÂY - Tập thơ viết cho thiếu nhi, NXB Măng Non 1987.

2. CHIA TAY VÕ SĨ DẾ - Tập thơ viết cho thiếu nhi, NXB Trẻ 1988.

3. THỨC ĐỢI HOA QUỲNH - Thơ, NXB Hội Nhà văn 1991.

4. THƯƠNG NHỚ TÀI HOA - Thơ, NXB Văn Học 1992 (tái bản nhiều lần).

5. NGƯỜI THÁM HIỂM THỜI GIAN - Thơ, NXB Văn hóa 1993.

6. MAY QUÁ, LÒNG TỐT VẪN CÒN ĐÂY - Bút ký, NXB Văn hóa 1994.

7. HƯƠNG GIAO THỪA – Thơ, NXB Văn học 1995.

8. NGHÌN CÂU THƠ TÀI HOA VIỆT NAM - Sưu tầm biên khảo, NXB Văn học. 2000 (tái bản bổ sung nhiều lần).

9. HOÀI NGHI VÀ TIN CẬY - Thơ, NXB Hội Nhà văn 2004.

10. ĐI TÌM MẬT MÃ THƠ - Tiểu luận, NXB Hội Nhà văn 2006.

11. VĂN ĐÀN BI TRÁNG - Trường ca, NXB Văn học 2008.

12. SƯƠNG HỒ TÂY – MÂY THÁP BÚT - Thơ, NXB Hội Nhà văn 2011.

13. NGƯỜI TRONG CÕI TÂM LINH - Tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn 2014.

14. BẮC CUNG HOÀNG HẬU - Tiểu thuyết lịch sử, NXB Hội Nhà văn 2014.

15. MINH TRIẾT ĐẤT ĐAI – Thơ, NXB Hội Nhà văn 2015.

16. HOÀNG SA – Thơ, NXB Hội Nhà văn 2018.

17. TIẾP CẬN MẬT MÃ THƠ – Nghiên cứu phê bình, NXB Hội Nhà văn 2019.

18. NGƯỜI TÀI HOA DẠI KHỜ - Tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn 2022

19. BÙI GIÁNG THIÊN TÀI TỰ HỦY - Tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn 2022

Năm 1975 thầy giáo - thi sĩ Nguyễn Vũ Tiềm được cử vào TPHCM làm Ủy viên Thanh tra Sở GD&ĐT thành phố. Năm 1978, ông chuyển công tác về Văn phòng 2 Bộ GD&ĐT, làm đại diện Thường trú Báo “Giáo viên Nhân dân” tại các tỉnh phía Nam. Sự nghiệp văn học của tác giả Nguyễn Vũ Tiềm bắt đầu từ đây.

Sinh thời, ông từng kể về những ngày mình và đồng nghiệp đưa tờ báo “Người giáo viên Nhân dân” (nay là Báo Giáo dục & Thời đại) đến với phương Nam: “Dạo ấy đời sống rất khó khăn, nhà báo vào Sài Gòn, làm gì có chế độ lưu trú khách sạn. Các anh Nguyễn Ngọc Chụ, Lê Khắc Hoan, Hoàng Minh Tường… thường nghỉ tại nhà tôi ở 2bis Điện Biên Phủ, Quận 1 (nay là cửa hàng đồ ăn nhanh kiểu Mỹ - McDonald's).

Các nhà báo ngủ trên sàn phòng lầu một, thiếu chỗ thì kê tạm cái ghế bố trong nhà vệ sinh cũ “cải tạo” thành phòng khách lâm thời! Nấu ăn qua quýt với nhau, không có bếp điện, dùng cái bàn là điện chổng ngược đun nước sôi. Gạo thì “mót” từ các chuyến “thực tế” Đồng bằng sông Cửu Long. Đi lại thì “đa phương tiện”. Gần cứ cọc cạch đạp xe.

Xa thì đi tàu đò, xe khách, xe lửa. Và cả… đi bộ cho khỏe. Có lần từ nhà tôi ra ga Bình Triệu, đường xa 5, 6 cây số, các anh ba lô túi xách lặc lè, mà vẫn cuốc bộ. Xích lô chạy theo mời chào suốt dọc đường, mà chả bác nào kiếm được một cắc! Trong Sài Gòn có hai phóng viên báo ngành thường trú, nhà thơ Hoàng Hưng và tôi.

Đã ít người, lại càng ít khi nhà thơ Hoàng Hưng gặp tai bay vạ gió từ tập thơ “Mưa Thuận Thành” của tác giả Hoàng Cầm. Anh Hưng bị tập trung không xét xử mấy năm, tôi thay anh Hưng làm trưởng đại diện báo. Hằng tháng, tôi nhận lương hộ anh Hưng mang đến cho chị Mười, vợ anh”.

Chuyện nội bộ tòa soạn, lại thêm những khó khăn đến từ bên ngoài. Hôm ấy, một cô giáo trẻ lên văn phòng đại diện 35 Lê Thánh Tôn, Quận 1, TPHCM phản ánh: “Bốn thầy cô giáo trẻ mới tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh (hai nam, hai nữ) xung phong xuống dạy dưới miền Tây Nam Bộ. Nhà trường phân công tổ chức văn nghệ mừng ngày Nhà giáo Việt Nam.

Trong chương trình có hoạt cảnh ngắn 2 màn, diễn ngâm bài thơ “Cô giáo em giàu nhất”! Giàu tình yêu, giàu niềm tin… nhưng nghèo tiền bạc, nghèo đến không tiền ăn sáng, vẫn gắng lên lớp để rồi ngất xỉu trên bục giảng vì đói. Hoạt cảnh kết với màn học trò: “Dìu cô về nhà, chúng em rửa xoong nấu cháo/ Nổi lửa lên rồi, mở thùng gạo: Trống trơn/ Cả lớp thương cô òa lên khóc/ Nước mắt này có thành gạo được không?”.

Mấy ngày sau, bốn thầy cô giáo trẻ được mời lên văn phòng ban giám hiệu, bắt kiểm điểm với lý do là tiết mục “Cô giáo em giàu nhất” gây tâm trạng buồn nản, hoang mang, trong khi ta đang cần hun đúc tinh thần phấn khởi, tin tưởng, tự hào; rằng bài thơ ấy, tiết mục ấy có ẩn ý bôi đen chế độ trong khi chế độ ta rất tươi đẹp”. Bốn thầy cô nhận được bốn quyết định cho nghỉ việc!

Bài thơ được đưa lên sân khấu là của tác giả Nguyễn Vũ Tiềm, in trên báo nhà - “Người giáo viên Nhân dân” năm 1987 và có in lại trong một tập thơ do NXB Trẻ ấn hành.

Xin nhắc lại chuyện này để hi vọng được gặp lại các thầy cô giáo trẻ ngày ấy, những người đã dũng cảm đưa sự thật lên sân khấu sáng đèn, như một sự thức tỉnh học trò và đồng nghiệp của mình, hi vọng được gặp lại các bạn trong ngày tưởng nhớ tác giả Nguyễn Vũ Tiềm, đã nói trên kia!

2.

Chân dung nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm.

Cùng tắc biến! Vốn xuất thân toán học, thi sĩ Nguyễn Vũ Tiềm tìm thi tứ, thi liệu, cả thi hứng nữa, trong các con số, công thức toán, để có thể cứu đói bằng loại thơ nhanh, nhiều, tốt, đẹp. Đẹp lắm chứ khi tìm ra một bài số học, tính nhân văn tới với người giải, trước tính chính xác khoa học.

Bài ấy thầy giáo Nguyễn Vũ Tiềm tìm thấy ở một cuộc thi học sinh giỏi bên Liên Xô và nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm với bút danh Hồng Quân biến thành bài thơ ngũ ngôn tiếng Việt ngọt ngào: Có ba ngày Chủ nhật/Trong tháng Giêng tới đây/Rơi đúng vào ngày chẵn//Ngày hai mươi tháng ấy/Sinh nhật Ta Nhi A/Bạn xem vào thứ mấy/Ta cùng đến tặng hoa? (Sinh nhật bạn vào thứ mấy – Sách “Vui học toán”)

Sách “Vui học toán” này vào năm 1985 được Sở Giáo dục TPHCM rồi Sở Giáo dục Tây Ninh in với số lượng cả vạn bản. Nhớ lại sách thơ bài tập toán của mình, in trên giấy rơm đen nhẻm, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm không ngại khẳng định, đó là “2 cuốn sách giúp gia đình tôi thoát đói nghèo lúc đó”.

Về sách văn chương thứ thiệt, thậm chí có thể coi là văn chương chất lượng cao, được làm ra như một loại sách công cụ giúp người đọc tra cứu, Nguyễn Vũ Tiềm có cuốn “Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam” (tái bản lần 4, năm 2013 dày 1.300 trang với chừng 6.000 câu thơ tài hoa của 1.300 tác giả).

Sinh thời, khi sách này mới ra, Giáo sư Hoàng Như Mai (1919 -2013) khích lệ: “Dành ra mười năm trời sưu tầm, tuyển dịch, trong kho tàng thơ Việt Nam suốt mười thế kỉ để chọn ra những câu thơ hay nhất, là một việc rất khó khăn, cực nhọc, đòi hỏi tâm huyết, tâm trí, tâm lực nhiều lắm. Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm cả gan làm việc đó” (Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, 25/11/2000).

3.

Cũng ghi nhận tài hoa, ngoài sách công cụ tra cứu tác phẩm ông còn kể chuyện tài hoa của các danh nhân, tài tử trong một cuốn sách khác.

Khoảng năm 1990, trong giới nhà văn truyền tay nhau một băng casette ghi lại buổi nhà thơ Xuân Sách đọc tập thơ chân dung nhà văn của mình trước một cử tọa nào đó. Xuân Sách đọc và những người nghe vỗ tay. Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm cũng nghe và nhận thấy, đó là tập thơ sắc sảo! Sắc sảo đến mức nhiều câu thành sắc lạnh.

Lạnh đến như chĩa mũi sắc vào ai đó. Và ông muốn có tiếng nói khác về các nhà văn theo cảm hứng “văn nhân tương thân” của mình. Nếu nhà văn Xuân Sách nhận định sắc sảo thì ông thương nhớ thiết tha. Và tập thơ chân dung “Thương nhớ tài hoa” ra đời.

Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm kể: “Tôi mất sáu tháng cho “Thương nhớ tài hoa”. Công việc hằng ngày của một phóng viên tôi vẫn phải làm, nhưng làm xong lại viết. Để sự thất thoát thời gian bớt đi tôi nhốt mình vào một căn gác xép, được bố trí như một hầm bí mật ngay trên… nóc tủ.

Tôi trốn trên nóc tủ thư phòng ấy mà đọc ngốn ngấu cả đống tư liệu về các nhân vật mà mình thương nhớ. Đọc thơ, đọc truyện, đọc hồi kí của họ, đọc các luận văn nghiên cứu về họ, đọc đến khi thương nhớ kia biến thành hình ảnh, vần điệu, nhắm mắt lại vẫn thấy, vẫn nghe thì viết.

Một tập thơ như thế không nên minh họa bằng các ảnh chụp. Thơ chân dung khác kí chân dung. Thơ chân dung cần các bức vẽ chân dung, để những nét cọ phóng khoáng cũng có thể run rẩy theo nhịp thơ. Nghĩ vậy, tôi sưu tập kí họa chân dung của các danh họa Văn Cao, Sỹ Ngọc, Tạ Tỵ, Hoàng Lập Ngôn đưa vào sách”.

4.

Là người sáng lập và điều hành Tạp chí Tài Hoa Trẻ (ấn phẩm chuyên đề của Báo Giáo dục & Thời đại), nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm tổ chức thành công nhiều cuộc thi, cuộc bình chọn văn thơ trên tạp chí này.

Cuộc thi sáng tác tổ chức năm 1997 - 1998 thu được 1.256 truyện ngắn mini cùng 15.813 bài tứ tuyệt – 4 dòng. Các tác phẩm truyện và thơ dự thi như những bức ảnh “chứng minh thư” 3x4 ghi lại chân dung cuộc sống từ rất nhiều góc độ! Những cuộc thi như thế, thay nhau kéo dài liên tục trong hơn 1.000 số Tài Hoa Trẻ đã khẳng định tên tuổi các nhà văn quen thuộc Định Hải, Vân Long, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Phan Hách, Đồng Đức Bốn, Trần Ninh Hồ, Đặng Hấn… và phát hiện những cây bút mới Lê Thiếu Nhơn, Trần Hoàng Nhân, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, Văn Thành Lê…

5.

Một tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa.

Không chỉ tạo ra hoạt động cho đời sống văn chương chung, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm còn tích cực thay đổi cách viết để làm mới trang viết của chính mình.

Trong Ngày thơ Việt Nam tổ chức ở TPHCM năm 2003, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm mạnh dạn lên diễn đàn để chính thức công bố một cách viết mới - những bài ngắn vô đề, chỉ đánh số thứ tự.

Đã không nhốt mình vào một tiêu đề, tinh thần phá cách của Nguyễn Vũ Tiềm còn thể hiện ở chỗ dù ngắn, thơ ông cũng không tự trói buộc chỉ bằng bốn dòng như tứ tuyệt kiểu Trung Quốc hay ba dòng theo lối hai-ku Nhật Bản. Ông để ngòi bút tự tìm số đo loại thể, tự “đo giày” cho chính nó.

Trong những bài vô đề ấy, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm, ông đồ thế kỉ 21, người biết viết thư pháp chữ nho bằng bút lông, cố gắng cài đặt cho thơ một “phông chữ” mới, hiện đại.

Có thơ 1 dòng, nhưng là hợp lưu Phật pháp và đời sống: “Nụ hôn màu nhiệm đừng nghĩ mặn hay chay” (bài số 10); thơ 2 dòng, 13 âm tiết nhưng vẫn kịp chơi chữ, phản biện và gây bất ngờ, ở tứ kết bài: “Nàng Tô Thị mong chồng hóa đá/Đá cũng đủ màu da” (bài số 12); có thơ lục bát, vẽ ra được khúc khuỷu, khấp khểnh, khó khăn một đường đời: “Bước đi học chỉ một năm/Bước dừng học đến rụng răng chưa thành” (Bài số 17); có thơ 4 dòng, hệt thơ xưa, một tứ tuyệt cổ điển, cấu tứ theo cách hóa giải trói buộc cách ngăn không gian vô định bằng tình người rất cụ thể của một vùng đất: “Sợi rơm vàng buộc gió/Lá sen gói sóng hồ/Nắng đa tình Bến Nghé/Phải lòng hương cốm thu” (Bài số 9).

6.

Trên Báo Văn nghệ TPHCM ngày 1/1/1993, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đưa ý kiến “Có nên bắt đầu một mỹ tục mới”, ông viết: “Từ ngày Nhà nước xóa bỏ bao cấp, hầu hết các tác giả, nhà văn, nhà thơ muốn in tác phẩm của mình đều phải bằng tiền riêng […] Cầm quyển sách đẹp, sách hay lại có bút tích của tác giả ghi tặng mình thật quý biết bao.

Nhiều bạn trân trọng, nâng niu coi như báu vật trong bảo tàng gia đình. Nhưng giá như người được tặng sách, sau khi đặt lên giá sách liền nghĩ đến một mỹ tục giống như khi nhận tấm thiệp báo hỷ đi dự tiệc cưới, tiệc sinh nhật người bạn, kiếm cái phong bì nhỏ bỏ vào đấy ít nhất là số tiền tương đương giá trị cuốn sách rồi đưa tới chúc mừng tác giả, một việc làm vừa đẹp, vừa gói ghém trong ấy nhiều ý nghĩa”.

Đề nghị rồi chính ông lặng lẽ thực hiện. Khi tôi tặng nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm cuốn sách nhỏ “Sở thú mười hai con giáp” (NXB Kim Đồng 1994) giá ghi trên bìa 4 chỉ 1.200 đồng, ông gửi lại phong bao chúc mừng đựng 5.000 đồng. Tôi còn giữ thư chúc mừng viết tay và tờ tiền ấy.

Trên hành trình văn học cần mẫn nhưng im lặng của mình nơi dương thế, lúc 8 giờ 15 phút ngày 14/1/2022, ở tuổi 82, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm chia tay với bạn đọc ở cột mốc tiểu thuyết “Người tài hoa khờ dại” của mình, để lại 18 tác phẩm đã phát hành và tiểu thuyết “Bùi Giáng thiên tài tự hủy” (NXB Hội Nhà văn 2020) đang nằm nhà in…

Anh Tiềm ơi “Thác là thể phách còn là tinh anh”!

Trần Quốc Toàn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguoi-tai-hoa-thuong-nho-tai-hoa-post620577.html