Người suốt đời "phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập"

Trong dòng chảy chung của lịch sử dân tộc, từ cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20, nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947) thật sự là người tiêu biểu cho nhân cách trí thức và tinh thần yêu nước, ý thức dấn thân hành động vì độc lập, tự do của dân tộc. Cả cuộc đời của cụ Huỳnh Thúc Kháng gắn liền với những biến động của thời cuộc; cụ vừa là nhân vật lịch sử nổi tiếng, vừa là chứng nhân trước các biến thiên xã hội qua suốt nửa đầu thế kỷ 20.

Thấm nhuần tinh thần Nho học và theo đường khoa cử, Huỳnh Thúc Kháng thi đỗ Giải Nguyên năm Canh Tý (1900), đỗ Hoàng Giáp năm Giáp Thìn (1904) nhưng không ra làm quan mà sớm nhập cuộc phong trào Duy Tân và chống sưu thuế ở Trung Kỳ (1906 - 1908) rồi bị kết án đày ra Côn Đảo (1908 - 1921). Sau khi được trả tự do, cụ Huỳnh Thúc Kháng tham gia Viện Dân biểu Trung Kỳ, trở thành nhân vật "đối địch trong thế hợp pháp"; từ năm 1928, chuyển sang làm báo Tiếng dân, thực hiện "thét Tiếng dân giữa kinh thành Huế" (Trường Chinh). Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, mặc dù tuổi đã cao nhưng cụ Huỳnh vẫn hăng hái tham gia cách mạng theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những ngày đầu lập nước đầy sóng gió, cụ Huỳnh Thúc Kháng nhận chức Bộ trưởng Nội vụ Chính phủ Liên hiệp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thực hiện chủ trương đại đoàn kết toàn dân và tích cực chuẩn bị mọi mặt cho công cuộc kháng chiến kiến quốc. Từ giữa năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Pháp dự Hội nghị Phông-ten-nơ-blô, cụ Huỳnh Thúc Kháng được chỉ định làm Quyền Chủ tịch nước. Khi chia tay, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao lại cụ Huỳnh tấm thiếp ghi sáu chữ Dĩ bất biến ứng vạn biến (Lấy cái không biến đổi ứng phó với muôn vàn sự biến đổi). Cụ Huỳnh là một sáng lập viên đồng thời cũng là Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt). Trước việc thực dân Pháp gây hấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến thì cụ Huỳnh Thúc Kháng, trên tư cách Hội trưởng Liên Việt, cũng soạn thảo Kính cáo đồng bào phụ lão kháng chiến thư (Thư kêu gọi đồng bào phụ lão kháng chiến). Trong vai trò đặc phái viên của Chính phủ và Mặt trận, cụ vào miền trung truyền đạt đường lối, chỉ đạo hoạt động và tổ chức lực lượng kháng chiến cứu nước nhưng không may ốm nặng. Trước khi qua đời, cụ có ba bức điện thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh, gửi anh em binh sĩ và nhấn mạnh tinh thần yêu nước, niềm tin vào xã hội tương lai trong thư gửi các đảng phái tôn giáo: "Chủ nghĩa gì cũng chẳng nên trò, nếu còn là dân nô lệ. Mong anh em hãy thực hiện ngay đại đoàn kết chung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Anh hùng xuất chúng, vị Anh hùng của dân tộc"...

Trong suốt cuộc đời mình, cụ Huỳnh Thúc Kháng sáng tác nhiều thơ văn, luận thuyết, phê bình, tranh luận, khảo cứu lịch sử. Thực tế cho thấy những nội dung thuộc về mỹ cảm văn chương, nghệ thuật của cụ Huỳnh đều in đậm phong cách nhà chí sĩ yêu nước và tính giao thời hết sức rõ nét. Trong bài viết Một vài mỹ cảm trong đời tôi (1939), cụ nhận mình là kẻ "phác dã", "lão phác", "không biết bốn cái hứng thú mà làng văn thích ngoạn thưởng" (uống rượu, chơi hoa, ngắm sắc, thưởng sơn thủy). Cụ đề cao thơ văn và tên tuổi những người có chí hướng canh tân, trong đó đặc biệt coi trọng những bài luận thời thế như Thiên hạ đại thế luận của Nguyễn Lộ Trạch, Điều trần của Phan Chu Trinh: "Hai bản này có cái đẹp xuất sắc là văn đã lão luyện, rõ ràng, có vẻ trầm hùng bi tráng, mà cái sức mạnh cảm xúc người là tả thực hoàn cảnh và trạng thái bên cạnh mình nên kích động một cách rất sâu xa, không như văn Tàu, văn Tây, gãi không nhằm chỗ ngứa của mình"... Việc Huỳnh Thúc Kháng đánh giá cao lối văn nghị luận này hơn cả văn Tàu, văn Tây bởi cụ nhắm tới thước đo hiện thực, tới tính mục đích cải biến xã hội, tới tiêu chí phục vụ tranh đấu, chỉ có như thế tác phẩm mới có ích, mới đưa đến sự đồng cảm, đắc chí, mới gãi đúng "nhằm chỗ ngứa của mình"... Có thể thấy điều khác biệt chủ yếu trên phương diện nội dung là cụ đã chuyển hóa từ tinh thần "ngôn chí" của nhà Nho đến "ngôn chí" của nhà chí sĩ yêu nước, hướng đến tuyên truyền và khẳng định những tấm gương nghĩa liệt. Về cơ bản, cụ dùng hình thức nghệ thuật thi ca cũ với tất cả những Đường thi, đề vịnh, cảm hoài, tự thán để bộc lộ cảm xúc riêng qua các câu đối, thơ tiễn tặng, đề vịnh, viếng tế các danh nhân, danh sĩ, bạn đồng chí yêu nước. Với văn xuôi, cụ viết bình điểm, tự truyện và liệt truyện, tiểu truyện về những tấm gương chí sĩ đương thời như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Trần Quý Cáp,... trước sau đều nhằm mục đích tuyên truyền, nêu gương và động viên tinh thần yêu nước.

Trân trọng tinh thần yêu nước của nhà chí sĩ lão thành Huỳnh Thúc Kháng, trong bức thư nhan đề Gửi toàn thể đồng bào sau ngày cụ Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng tạ thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước, mà trước đây cụ Huỳnh bị bọn thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường, gian nan cực khổ. Nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ Huỳnh chẳng những không sờn lại thêm kiên quyết. Cụ Huỳnh là một người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập"... Đúng vậy, cuộc đời nhà chí sĩ và sự nghiệp văn nghệ của Huỳnh Thúc Kháng tiêu biểu cho một thế hệ những người mở đường cất cao tiếng nói tuyên truyền, vận động và thức tỉnh hồn nước. Những ý kiến của cụ Huỳnh Thúc Kháng liên quan văn nghệ cũng như toàn bộ sự nghiệp sáng tác của cụ cho thấy sự thống nhất, hô ứng chặt chẽ với nhau, định hình cả một lớp nhà văn chí sĩ yêu nước. Tất cả chứng thực cho ý chí kiên định của người con danh nhân xứ Quảng, góp phần lý giải những đặc điểm cơ bản trong tư tưởng văn nghệ của Huỳnh Thúc Kháng cũng như sự tồn tại đích thực của loại hình tác gia văn học "yêu nước và cách mạng" giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20.

NGUYỄN HỮU SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/van-hoa/tin-chung/ng-i-su-t-i-ph-n-u-cho-dan-c-t-do-n-c-c-c-l-p-1.343904