Người ra đi mang theo niềm hy vọng, Người về mang tới mùa xuân

Cách đây 111 năm, ngày 5-6-1911, từ Bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành tạm biệt quê hương, sang phương Tây, mang theo trong mình khát vọng cháy bỏng tìm đường cứu nước để đem lại 'Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi'. Người đã bôn ba khắp năm châu, vừa lao động vừa học tập, nghiên cứu lý luận và thực tiễn cách mạng thế giới, rồi tìm thấy ánh sáng cách mạng của thời đại: Chủ nghĩa Mác-Lênin. Từ chuyến đi lịch sử đó, Người đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Người đã sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, cùng Đảng ta chèo lái con thuyền cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.Ngày 5-6-1911 đối với chúng ta hôm nay và thế hệ mai sau mãi mãi trở thành một sự kiện lịch sử - ngày Bác khởi đầu một cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc, tự do và hạnh phúc của nhân dân.BẾN NHÀ RỒNG - 'NƠI IN DẤU CHÂN BÁC'

Nhắc đến Bến Nhà Rồng, trong mỗi chúng ta không thể không biết đến địa danh nổi tiếng đã góp phần thay đổi toàn bộ lịch sử của nền dân tộc Việt Nam. Nơi đây, ngày 5-6-1911, người thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành đã lên con tàu Amiral Latouche Tréville (Pháp), lấy tên là Văn Ba, bắt đầu chuyến hành trình tìm đường cứu nước kéo dài 30 năm.

Bến Nhà Rồng, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước ngày 5-6-1911.

Bến Nhà Rồng, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước ngày 5-6-1911.

Bác Hồ lựa chọn Sài Gòn là nơi để ra nước ngoài, sau này được nhiều nhà nghiên cứu lý giải bởi lúc bấy giờ Sài Gòn là cửa ngõ của xứ Nam kỳ, nơi đây có những công ty tàu biển lớn chạy tuyến Pháp - Đông Dương nên rất thuận lợi cho việc sang Pháp. Đây cũng là vùng đất tự do hơn so với các xứ khác ở Việt Nam thời bấy giờ, thuận lợi cho việc sang Pháp và các nước để xem họ “làm như thế nào”.

Nói về ý nghĩa Ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước, trong các hội thảo cấp quốc gia, các chuyên gia đều khẳng định: Sự kiện ngày 5-6-1911 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử đấu tranh vì sự sinh tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam. Đây không chỉ là sự kiện đánh dấu sự khởi đầu của quá trình đi ra thế giới tìm được con đường cứu nước, cứu dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là sự kiện mở ra quá trình Việt Nam từng bước hội nhập vào dòng tiến hóa theo xu thế mới của nhân loại dưới sự dẫn dắt của Người.

Năm 2021, nhân kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học và ra mắt kỷ yếu “Sự kiện Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước: Ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại”. Cuốn kỷ yếu hội thảo khoa học gần 1.000 trang, tái hiện một cách chân thực và đầy đủ hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh, cũng như ý nghĩa con đường sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thông qua cuốn kỷ yếu, Ban Tổ chức Hội thảo kỳ vọng sẽ góp phần giúp độc giả có thêm những hiểu biết toàn diện, sâu sắc trong quá trình nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó, tiếp tục khẳng định ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại của sự kiện ngày 5-6-1911 và hành trình đi tìm đường cứu nước của Người; đồng thời lan tỏa sâu rộng hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến các thế hệ người Việt Nam ở trong và ngoài nước...

Sài Gòn nơi Người dừng chân trong thời gian ngắn nhất, nhưng lại có vai trò quyết định đối với sự lựa chọn con đường cứu nước do được tiếp xúc với nhiều luồng thông tin đa dạng. Việc Người chọn nghề phụ bếp trên tàu Latouche Tréville cũng có tính mục đích rất rõ ràng, bởi chỉ trên chiếc tàu viễn dương, người thanh niên yêu nước này mới có điều kiện đến nhiều nước khác nhau, tiếp nhận được những tư tưởng tiến bộ ở khắp năm châu bốn biển.

Đó là nhận thức về Tự do - Bình đẳng - Bác ái ở châu Âu và châu Mỹ; được tiếp xúc với tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của con người trong Bản Tuyên ngôn độc lập của cách mạng Mỹ và Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của nước Pháp đã giúp Người tìm đến tư tưởng đấu tranh giành tự do, dân chủ, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, đây là kim chỉ nam để Người tiếp cận với chủ nghĩa Mác-Lênin - học thuyết dẫn đường, đưa lối cho Người lãnh đạo cách mạng đất nước ta thành công.

TIẾP THU ÁNH SÁNG TƯ TƯỞNG VĨ ĐẠI CỦA LÊNIN

Trong hành trang của những người đi tìm đường cứu nước lúc bấy giờ đều có một điểm chung, đó là lòng yêu nước sâu sắc, với ý chí quyết tâm đánh đuổi thực dân Pháp. Nhưng ở Nguyễn Tất Thành là tình cảm yêu nước gắn liền với lòng thương dân vô hạn. Ngay từ đầu, Người đã xác định mục tiêu nhất quán, xuyên suốt trong cuộc ra đi của Người là phải tìm con đường để vừa giành được độc lập cho Tổ quốc, vừa mang lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân.

Người đã đi rất nhiều nước, vừa lao động để sống, để học tập, vừa hoạt động cách mạng. Cơ hội lớn đầu tiên để Người - một người dân thuộc địa nói tiếng nói của mình trong thế giới tư bản phương Tây là vào năm 1919, tại Hội nghị Véc xây (Pháp), nơi các nước đế quốc thắng trận họp nhau để phân chia thuộc địa. Với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, Người đã gửi Bản Yêu sách của nhân dân An Nam tới Hội nghị, đòi quyền bình đẳng về mặt pháp lý và đòi các quyền tự do, dân chủ. Bản Yêu sách không được chấp nhận, nhưng đã giúp Người hiểu rằng, không thể trông cậy vào lòng thương của những nhà tư bản, của giới cầm quyền thực dân.

Tháng 7-1920, được đọc bản sơ thảo Luận cương Lênin về vấn đề dân tộc thuộc địa đăng trên Báo L’Humanite số 16 và 17-7, Nguyễn Ái Quốc như bừng tỉnh: Chân lý là đây, hạnh phúc đây rồi! Người đã nhận được ánh sáng tư tưởng vĩ đại của Lênin về cách mạng của các dân tộc thuộc địa, dù ánh sáng tư tưởng ấy chỉ mới từ trang giấy. Ngồi một mình trong phòng kín mà Người như đang nói to trước đồng bào ta bị đầy đọa đau khổ: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.

Sau đó, Nguyễn Ái Quốc chính thức tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người chiến sĩ cộng sản đầu tiên của dân tộc. Người đã nhìn nhận lại sự kiện này 40 năm sau đó: “… Cá nhân tôi, từ lúc đầu nhờ được học tập truyền thống cách mạng oanh liệt và được rèn luyện trong thực tế đấu tranh anh dũng của công nhân và của Đảng Cộng sản Pháp, mà tôi đã tìm thấy chân lý chủ nghĩa Mác-Lênin, đã từ một người yêu nước tiến bộ thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa… ”.

NGƯỜI VỀ CÙNG NHỮNG MÙA XUÂN THẮNG LỢI

Đầu năm 1941, sau 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, Người trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng. Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941), quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng phù hợp với sự thay đổi mau lẹ của tình hình quốc tế và trong nước, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tổ chức vận động, tập hợp lực lượng toàn dân tộc; thành lập Mặt trận Việt Minh; tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa, tạo nên các cao trào cách mạng sôi nổi, mạnh mẽ trên phạm vi cả nước.

Ghi nhớ sự kiện lịch sử trọng đại người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời thương cảng Sài Gòn (Bến Nhà Rồng) ra đi tìm đường cứu nước, cùng với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau ngày miền Nam được giải phóng, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định khôi phục ngôi Nhà Rồng thành Khu di tích Bác Hồ. Năm 1982, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định thành lập Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau hơn 10 năm hoạt động, ngày 30-10-1995, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định đổi tên Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thành Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP. Hồ Chí Minh.

Tháng 8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã gắn kết thành một khối, phát huy cao độ sức mạnh toàn dân tộc, làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lần đầu tiên trong gần một thế kỷ nô lệ, dân tộc Việt Nam đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Thủ đô Hà Nội trở thành điểm sáng, thành ngôi sao đỏ đầu tiên của châu Á.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước là thắng lợi của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh. Thực tiễn chứng tỏ rằng, chủ nghĩa xã hội là con đường duy nhất đúng cho sự phát triển của Việt Nam. Con đường chân lý đó là sự lựa chọn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là sự lựa chọn của chính nhân dân mà lịch sử mãi mãi ghi nhận và tôn vinh.

Dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, lớp lớp thế hệ người Việt Nam đã vững bước trên con đường mà Người đã chọn. Đó là con đường của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, con đường mang tầm nhìn vượt thời gian, đưa đất nước và dân tộc ta vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác - giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; thực hiện công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tích cực hội nhập quốc tế.

HỒNG LÊ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202206/ky-niem-111-nam-ngay-bac-ho-ra-di-tim-duong-cuu-nuoc-5-6-1911-5-6-2022-nguoi-ra-di-mang-theo-niem-hy-vong-nguoi-ve-mang-toi-mua-xuan-952563/