Người phụ nữ thóa mạ CSGT là ai mà được xử nhẹ?

Cùng với việc phải xử lý nghiêm người phụ nữ thóa mạ CSGT thì nhiều bạn đọc cũng đề nghị chấn chỉnh, cải thiện hình ảnh CSGT.

Sau khi bài viết "Trao đổi giữa phóng viên và người phụ nữ thóa mạ CSGT" đăng tải đã thu hút đông đảo bình luận từ bạn đọc Báo Người Lao Động.

Phần lớn bạn đọc thể hiện sự bức xúc trước cách trả lời của bà Trịnh Thị Thùy Dương - người phụ nữ có hành vi thóa mạ CSGT TP HCM tối 17-7.

Hầu hết ý kiến đều cho rằng sau khi xảy ra vụ việc hành động đầu tiên bà Dương phải thực hiện chính là nhận lỗi để chứng tỏ sự cầu thị. Tuy nhiên, bà Dương đã nói vòng vo, không đi thẳng vào hành vi sai trái của mình.

Bạn đọc Hùng Tin cho rằng bà Dương vi phạm hành vi gây mất trật tự nơi công cộng, vi phạm luật giao thông, chống đối, xúc phạm người thi hành công vụ, chỉ phạt hành chính sẽ gây ra tiền lệ xấu. Bởi, nếu việc này không xử lý nghiêm dẫn đến chuyện sau này sẽ có hàng loạt trường hợp khác.

Lấy lý do ức chế tâm lý, quá nóng nảy nên hành động thiếu văn hóa đã khiến cho nhiều bạn đọc phẫn nộ. "Bà ức chế tâm lý 1 nhưng hàng ngàn người bị kẹt xe ức chế 10. Giả định, trong vụ kẹt xe có những người trễ chuyến bay, không kịp đến bệnh viện thăm người thân giây phút hấp hối thì sao? Tôi nghĩ, bà Dương nói tục còn túm áo CSGT nên phạt thật nặng và phải khởi tố cho tòa án xử lý", bạn đọc Phùng Ngọc Quốc nêu.

Qua câu chuyện này đã khiến không ít người nhắc lại vụ việc từng diễn ra tại TP HCM vào hồi năm 2011. Lần đó, thiếu nữ Phạm Thị Mỹ Linh (SN 1993) chở 3 đi xe ngược chiều trên đường Lê Văn Khương. Sau đó thượng sĩ CSGT Nguyễn Đức Ánh và chiến sĩ thực tập Vũ Quang Long, thuộc Đội CSGT - Trật tự Công an quận 12 đề nghị kiểm tra giấy tờ. Trong khi thượng sĩ Ánh lập biên bản, mẹ của Linh tự ý giật biên lai và dắt xe đi. Linh xô đẩy và tát vào mặt CSGT thực tập Long. Vụ việc được người dân quay clip tung lên mạng. Sau đó TAND quận 12 đã tuyên án phạt 9 tháng tù giam về tội "Chống người thi hành công vụ".

Xét về hành vi giữa Linh và bà Dương đều giống nhau tuy nhiên nếu công an quận Bình Thạnh xử phạt hành chính vài triệu đồng sẽ khiến dư luận không đồng tình. "Cô gái tát CSGT một cái phải ở tù.  Vậy sao trường hợp này CSGT không muốn xử lý? Tôi có quyền nghi vấn: phải chăng bà này có mối quan hệ nào đó? Do đó, tôi cảm thấy không minh bạch", bạn đọc có tài khoản mang tên Alibaba đặt vấn đề.

Nói một cách công tâm, hình ảnh lực lượng CSGT hiện nay cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi không ít vụ tiêu cực, mãi lộ xảy ra hằng ngày. Từ đó, nhiều người khi ra đường nhìn thấy màu áo của họ là có định kiến. Hễ xảy ra mâu thuẫn là cự cãi và phản ứng.

Từ câu chuyện này, CSGT TP HCM nói riêng, CSGT trên cả nước nói chung cần rút kinh nghiệm và có những biện pháp nâng cao hình ảnh, uy tín trong lòng người dân. Điều này góp phần tạo nên nhiều thiện cảm từ người dân, bớt đi những cảm xúc tiêu cực.

LÊ PHONG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/nguoi-phu-nu-thoa-ma-csgt-la-ai-ma-duoc-xu-nhe-20170718235014298.htm