Người phụ nữ tận hiến cuộc đời cho khoa học và an sinh xã hội

Người phụ nữ nhỏ nhắn, giản dị, thân thiện, luôn sôi nổi, quyết đoán và lạc quan, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thị Thế Trâm, nguyên Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang (Khánh Hòa) đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong quá trình phát triển Viện Pasteur Nha Trang, công tác phòng, chống dịch và sáng lập Hội những người ái mộ bác sĩ A. Yersin tỉnh Khánh Hòa.

Trưởng thành từ gian khó

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thị Thế Trâm sinh năm 1930 trên quê hương đất võ Bình Định trong một gia đình nhà giáo, được cho đi học từ rất sớm. Cách mạng Tháng Tám thành công, bà hăm hở lên đường theo cách mạng. Với tuổi 16 đầy nhiệt huyết, sôi nổi, từ làm liên lạc đến công tác thanh thiếu nhi, cán bộ phụ nữ huyện, cán bộ phụ nữ Liên Khu 5, nhiệm vụ gì bà cũng cố gắng hoàn thành tốt với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ. Ngày 17-2-1947, bà vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, khi ấy mới 18 tuổi.

Cuối năm 1951, bà được phân công ra Miền Bắc học y sĩ, sau đó về lại chiến trường An Khê-Gia Lai, Kon Tum xây dựng bệnh viện dã chiến, ngay cạnh mặt trận chiến dịch. Từ chiến trường, bà được điều về Quy Nhơn xây dựng bệnh viện dân y và bệnh viện phục vụ cán bộ, bộ đội đi tập kết. Năm 1955, bà tiếp tục tập kết ra Bắc, đến năm 1956, bà được cử đi học Trường Đại học Y, năm 1962 tốt nghiệp bác sĩ về làm Phó trưởng phòng Vi trùng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đồng thời là trợ lý cho Giáo sư Đặng Đức Trạch. Năm 1966, bà được cử đi đào tạo tại Cộng hòa dân chủ Đức.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thị Thế Trâm trao thưởng tặng học sinh nghèo hiếu học Trường Trung học cơ sở A. Yersin (huyện Cam Lâm) và Trường Trung học cơ sở Yersin (TP Nha Trang).

Sau 6 năm phấn đấu học tập, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học, là một trong những tiến sĩ nữ đầu tiên của ngành vi sinh. Năm 1973, bà cùng đoàn cán bộ vào Quảng Trị tiếp đón các chiến sĩ và đồng bào do địch chuyển giao cho ta sau nhiều năm bị tra tấn giam cầm. Bà tâm sự: “Những hình ảnh rất đau xót ấy tôi mãi không quên, đã tiếp thêm nghị lực và trách nhiệm của tôi sau này”.

Sau ngày đất nước thống nhất, tháng 8-1975, bà cùng 6 cán bộ được Bộ Y tế giao nhiệm vụ tiếp quản Viện Pasteur Nha Trang. Có một việc liên quan đến quá trình phát triển Viện Pasteur Nha Trang khiến bà còn nhớ mãi, đó là cuối năm 1976, cấp trên yêu cầu ngành y tế bàn giao Viện Pasteur Nha Trang cho Bộ Nông nghiệp quản lý. Điều này thực tế không hợp lý và gây tâm lý xáo trộn, lo lắng cho cán bộ nhân viên.

Trước tình hình ấy, bà vừa động viên anh em vững tâm tin tưởng, vừa thức nhiều đêm liền đọc nhiều tài liệu lưu trữ của Viện Pasteur Nha Trang về hoạt động cho ngành y tế và thú y để thuyết phục cấp trên thay đổi quyết định. Làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế, bà xin phép được gặp các vị lãnh đạo cao nhất về Đảng để kiến nghị Trung ương xem xét nên để Viện Pasteur Nha Trang cho ngành y tế quản lý.

Di chuyển ra Hà Nội, rồi vào TP Hồ Chí Minh để gửi các kiến nghị mang tính khoa học và thực tiễn, bà đã thuyết phục được cấp trên. Thời gian sau đó, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã quyết định giao lại Viện Pasteur Nha Trang cho Bộ Y tế quản lý. Thật không thể tả hết niềm vui của bà và tập thể Viện lúc bấy giờ.

Nhà khoa học, “tư lệnh phòng, chống dịch miền Trung”

Năm 1976, bà đảm nhiệm cương vị Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang. Lúc bấy giờ, Viện có nhiệm vụ xét nghiệm, chẩn đoán, sản xuất một số vắc xin cho người và gia súc; triển khai chuyên môn tuyến trước về vệ sinh dịch tễ, y tế công cộng, nghiên cứu khoa học và đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận.

Thời gian đầu tiếp quản, tổ chức Viện chưa ổn định, phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trong suốt 23 năm là Viện trưởng, bà đã lãnh đạo Viện Pasteur Nha Trang đạt nhiều thành công đáng ngưỡng mộ trong công tác quản lý, nghiên cứu, đào tạo, phòng, chống dịch, đối ngoại, vận động quần chúng và tham gia nhiều tổ chức thiện nguyện.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thị Thế Trâm (ngoài cùng, bên trái) trao quà tặng trẻ em mồ côi nhân dịp Tết Trung thu tại chùa Thanh Sơn, huyện Cam Lâm.

Thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, bà và đồng nghiệp đã đi chống dịch trên các nẻo đường miền Trung. Vùng đất miền Trung khó khăn, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, bị tàn phá khốc liệt sau chiến tranh, bà và đồng nghiệp đã chứng kiến nhiều nơi đồng bào các dân tộc sinh sống bị dịch hạch, dịch tả, sốt rét, sốt xuất huyết... hoành hành. Có nơi không đủ thầy thuốc chăm sóc, thuốc men thiếu thốn, nhiều huyện, xã không có cán bộ vệ sinh phòng dịch. Dấu chân của bà và đồng nghiệp đã để lại nhiều nơi, từ các làng chài ven biển đến các xã miền núi rất khó khăn.

Viện Pasteur Nha Trang dưới sự lãnh đạo của bà đã làm được rất nhiều việc cho người dân như triển khai mạng lưới vệ sinh phòng dịch, hỗ trợ khắc phục hậu quả sau chiến tranh và thiên tai, đào tạo nhân viên, cán bộ y tế dự phòng... Thời ấy, bà được ví như tư lệnh phòng, chống dịch miền Trung.

Bà rất giản dị, chân thật, gần gũi, say mê nghiên cứu khoa học. Bà tham gia giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu sinh (NCS) bảo vệ thành công 8 luận án tiến sĩ và nhiều luận văn thạc sĩ của Trường Đại học Thủy sản Nha Trang, Trường Đại học Đà Lạt, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Bà cũng là Chủ tịch Hội đồng NCS nhiều đề tài khoa học, đồng thời kiêm nhiệm Hiệu trưởng Trường Trung cấp trong Viện Pasteur Nha Trang 17 năm liền. Bà đã hoàn thành hơn 60 đề tài nghiên cứu khoa học và 25 bài báo được công bố trong và ngoài nước.

Để toàn tâm toàn ý trong công tác, bà đã vượt qua rất nhiều khó khăn của bản thân và gia đình. Sống xa gia đình, một mình ở và làm việc tại khu tập thể của Viện Pasteur Nha Trang, trong khi chồng và hai con đang ở Hà Nội. Bà tâm sự: “Sống xa chồng con là một điều thiệt thòi rất lớn đối với người phụ nữ và gia đình của họ. Thời gian sum họp rất hiếm hoi nhưng may mắn những người thân của tôi đã luôn thông cảm, chia sẻ, giúp tôi vượt qua mọi khó khăn. Những thành công của tôi có công rất lớn của những người thân trong gia đình”.

Gắn bó với Viện Pasteur Nha Trang trong 23 năm (1975-1997), Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thị Thế Trâm và tập thể cán bộ, nhân viên đã nỗ lực cống hiến, phấn đấu không mệt mỏi xây dựng Viện trở thành một trung tâm vệ sinh dịch tễ và cơ sở y học dự phòng hàng đầu của ngành y tế khu vực miền Trung. Bà đã có công rất lớn trong việc đưa Viện Pasteur Nha Trang trở thành một trong những thành viên của hệ thống các Viện Pasteur trên thế giới, nhận được sự viện trợ có hiệu quả của Chính phủ Pháp.

Hướng theo tâm nguyện của người Thầy vĩ đại

Với tình cảm trân trọng, ngưỡng mộ cuộc đời, sự nghiệp và tấm lòng nhân văn cao cả của nhà bác học Alexandre Yersin-người Thầy vĩ đại, người sáng lập Viện Pasteur Nha Trang (1895), công dân danh dự Việt Nam và đặc biệt ông đã dành tình yêu cho mảnh đất Nha Trang và người dân Xóm Cồn; Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thị Thế Trâm cùng các thế hệ tâm nguyện giữ gìn, phát huy những giá trị to lớn và tấm lòng nhân văn cao cả yêu Việt Nam tha thiết của Ông.

Bà đã làm việc với nhiều cơ quan Trung ương và địa phương, kết nối các thành viên với ý tưởng thành lập Ban vận động thành lập Hội ái mộ bác sĩ A. Yersin. Ngày 24-5-1990, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho phép thành lập Ban vận động thành lập Hội và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực.

GS, TSKH Nguyễn Thị Thế Trâm (giữa) cùng nhóm thầy thuốc thiện nguyện và các bệnh nhân tại Phòng khám bệnh từ thiện A. Yersin.

Từ đó, tháng 9-1990, Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch đã quyết định xếp hạng Cụm di tích lịch sử-văn hóa cấp Quốc gia gồm Thư viện-Bảo tàng A. Yersin, Chùa Linh Sơn và mộ nhà bác học A. Yersin. Ngày 11-11-1992, Hội những người ái mộ bác sĩ A.Yersin tỉnh Khánh Hòa chính thức được thành lập, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thị Thế Trâm đảm nhận Chủ tịch Hội trong 5 nhiệm kỳ liên tiếp.

Bà phối hợp với nhiều đơn vị và các nhà khoa học tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm và qua đó đã đánh giá rất cao những thành tựu và cống hiến to lớn của nhà bác học A. Yersin cho nhân loại. Ban chấp hành Hội đã kết nối nhiều tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước tổ chức các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế, tuyên truyền phổ biến rộng rãi, phát huy tài sản quý giá về cuộc đời và sự nghiệp của nhà bác học A. Yersin.

Với nhiều hoạt động cụ thể, Hội đã huy động nhiều nguồn tài trợ tổ chức phòng khám bệnh từ thiện cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo, đỡ đầu trẻ khuyết tật, trẻ bị chất độc da cam, trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, hỗ trợ những gia đình bị hoạn nạn, bệnh hiểm nghèo, giúp người dân các tỉnh bị thiên tai, trao tặng xe đạp cho học sinh nghèo, đỡ đầu nha khoa học đường, tổ chức dạy nghề cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn, mổ mắt miễn phí cho người nghèo... Trong 30 năm, Hội đã huy động hơn 24 tỷ đồng tổ chức các hoạt động an sinh xã hội.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thị Thế Trâm vinh dự được Nhà nước phong tặng nhiều huân chương và giải thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Độc lập hạng Ba; Giải thưởng quốc tế Kovalevskaia dành cho các nhà khoa học nữ xuất sắc; giải thưởng Đặng Văn Ngữ; Chiến sĩ thi đua Toàn quốc nhiều năm liền; nhiều bằng khen của Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam... và huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.

Ở tuổi 93 xưa nay hiếm con người và thần thái vẫn toát lên sự minh mẫn, thông tuệ và phẩm chất của người cách mạng, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thị Thế Trâm là tấm gương sáng cho các thế hệ chúng tôi về người phụ nữ suốt đời phấn đấu vì đất nước, con người Việt Nam và lan tỏa tinh thần nhân văn cao cả.

Bài và ảnh: HOÀNG LỆ HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-14/nguoi-phu-nu-tan-hien-cuoc-doi-cho-khoa-hoc-va-an-sinh-xa-hoi-721337