Người phụ nữ oằn mình gồng gánh gia đình

Chồng bị suy thận giai đoạn cuối và đứa con út bị não úng thủy, một mình phải lo cho cả gia đình, nhưng chị Y Bleng nỗ lực cố gắng vượt qua...

Anh A Manh bị suy thận giai đoạn cuối, con út bị não úng thủy nên chị Y Bleng gồng gánh nuôi cả gia đình.

Hết lòng cứu chồng con

Trong căn nhà tình thương được Nhà nước xây dựng ở thôn Măng La (xã Ngọc Bay, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) vợ chồng chị Y Bleng đang chuẩn bị quần áo để đưa đứa con út đi TPHCM chữa bệnh. “Con út của mình là Y Giang năm nay vừa tròn 3 tuổi. Thế nhưng từ khi lọt lòng mẹ, con đã bị não úng thủy chẳng thể chữa trị được. Mấy năm nay, năm nào gia đình mình cũng phải đưa con đi bệnh viện ở TPHCM để thăm khám, duy trì mạng sống”, chị Y Bleng chia sẻ.

Chị Y Bleng kể rằng, 3 năm trước, vợ chồng chị rất hạnh phúc khi chị mang thai đứa con thứ 3. Tuy nhiên, do không có tiền nên từ ngày mang thai đến khi sinh chị chỉ đi khám được đôi ba lần. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ đã nghi ngờ đứa trẻ “có vấn đề”, thế nhưng một phần do chủ quan, thiếu hiểu biết, gia đình khó khăn, chị Y Bleng chẳng thể kiểm tra kĩ lưỡng nên người con út cứ thế chào đời.

“Khi con sinh ra, mình được bác sĩ thông báo là cháu bị não úng thủy. Lúc đó, mình buồn, khóc nhiều lắm vì thương con. Thế nhưng không có tiền nên cả nhà đưa nhau về nhà, mình gạt nỗi buồn để tiếp tục đi làm lo cho chồng và 3 đứa con”, chị Y Bleng bộc bạch.

Nhớ lời bác sĩ dặn, mỗi năm cần đưa con đi khám 1 - 2 lần, nhưng cuộc sống quá khó khăn nên đã quá lâu chị Y Bleng mới chắt chiu đủ tiền đưa con đi chữa trị. Y Bleng nhớ lại, lần đầu tiên đưa con xuống Bệnh viện Nhi đồng II (TPHCM) chị gom góp mãi mới được gần 2 triệu đồng.

Thế nhưng, chi phí đi lại cao, lo không đủ tiền thuốc cho con nên nhiều hôm chị phải nhịn đói. Thương cho hoàn cảnh của hai mẹ con, người nhà những bệnh nhân khác đã chia cho chị từng cái bánh, gói mì… để lấp đầy chiếc bụng đói. Những lần sau đó, chị đi xin cơm từ thiện để tiết kiệm, dành dụm tiền cứu con.

Nhìn đứa con nhỏ chỉ biết nằm, khóc hoặc la hét dưới tấm chiếu cũ sờn, chị Y Bleng bảo rằng, chị và anh A Manh (34 tuổi) lấy nhau được hơn 14 năm nay. Chẳng có nhà nên anh chị ở nhờ căn nhà của mẹ đẻ được Nhà nước hỗ trợ xây dựng. Với 7 sào đất, anh chị trồng mì để duy trì cuộc sống. Thế nhưng, ngay cả mì thu hoạch quanh năm cũng chẳng đủ ăn nên ai thuê gì hai vợ chồng đều nhận làm.

Không chỉ con bị bệnh nặng, cách đây khoảng 10 năm, trong một lần đi bốc vác thuê, anh A Manh bỗng thấy cơ thể đau nhức, sốt liên miên và bụng phình to bất thường nên đi khám tại bệnh viện. Những tưởng là căn bệnh thông thường, thế nhưng khi bác sĩ thông báo anh Manh bị suy thận giai đoạn cuối, cả gia đình ai nấy đều bàng hoàng. Kể từ đó, mỗi tuần anh A Manh phải đến bệnh viện chạy thận 3 lần. Suy thận giai đoạn cuối khiến anh A Manh không thể đi làm, đồng nghĩa với việc chị Y Bleng phải trở thành trụ cột chính, quần quật làm thuê để nuôi cả gia đình.

Y Liên phụ mẹ thay đồ cho em để chuẩn bị đi TPHCM khám bệnh.

Cùng nhau vượt qua bất hạnh

Thương mẹ vất vả nên sau giờ học trên lớp, Y Liên (học sinh lớp 8) và Y Nhân (học sinh lớp 3) thay phiên nhau trông em, làm công việc nhà. Còn anh Manh nhận nuôi bò thuê cho hàng xóm để vợ đỡ vất vả.

“Mình nhận nuôi 4 con bò cho hàng xóm đã lâu, đến nay cũng lấy công được 2 con bê. Mình bị suy thận, chẳng thể làm việc nặng nhọc nên mỗi ngày tranh thủ đi chăn bò, cắt cỏ thuê. Biết vợ vất vả nên mình cố gắng hết sức để có tiền lo cho các con”, anh Manh bộc bạch.

Cách đây mấy năm, để có chi phí lo cho các con, hai vợ chồng quyết tâm vay 40 triệu đồng của ngân hàng để trồng cao su trên diện tích 7 sào đất của gia đình. Tuy nhiên, khi cây cao su đang phát triển thì bị đàn bò của người dân vào phá, hư hỏng toàn bộ. Một mình chị Y Bleng làm chẳng đủ nuôi 5 miệng ăn, lại phải gồng gánh thêm khoản vay 40 triệu đồng nên nợ ngày một nhiều hơn. Những hôm mưa, hoặc đau ốm không thể đi làm được chị Y Bleng đành ra mua nợ thức ăn, vay tiền lo cho các con đi học. Đến nay, khoản nợ của gia đình đã lên đến 70 triệu đồng.

“Cuộc sống phía trước của gia đình sẽ rất khó khăn. Thế nhưng mình vẫn động viên bản thân cố gắng hết sức. Hai vợ chồng trước đây chẳng được đi học đến nơi đến chốn nên mình rất mong các con được đến trường. Mình chỉ mong bản thân có sức khỏe và luôn lạc quan để lo cho chồng, cho con”, chị Y Bleng ngậm ngùi bày tỏ.

Ngồi bên mẹ, A Nhân khi hỏi về ước mơ sau này cậu bé chỉ lắc đầu, cúi mặt nhìn xuống nền nhà rồi nói: “Em không có ước mơ. Lớn lên em muốn đi làm để nuôi cha mẹ”.

Ông Phan Quốc Dũng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Bay (TP Kon Tum), cho biết, hộ gia đình anh A Manh và chị Y Bleng thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Thấu hiểu sự nghèo khó, bất hạnh của gia đình nên thời gian qua địa phương cũng thường xuyên quan tâm đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp giúp đỡ để gia đình vơi bớt khó khăn.

“Tuy nhiên, mọi sự giúp đỡ cũng không thường xuyên được nên chỉ giải quyết được tạm thời. Chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn của các nhà hảo tâm để gia đình anh A Manh vượt qua khó khăn và các cháu tiếp tục được đến trường”, ông Dũng nói.

Cô bé Y Liên cho biết: “Nếu có điều kiện đi học, con sẽ cố gắng học giỏi để trở thành giáo viên. Lớn lên con sẽ phụ cha mẹ kiếm tiền lo cho em”.

Dung Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguoi-phu-nu-oan-minh-gong-ganh-gia-dinh-post650765.html