Người phụ nữ nơi triền Dông Cụt

SGTT.VN - Ít ai nghĩ ở vùng Dông Cụt hoang vắng thuộc xã Đức Tân, huyện Mộ Đức giáp ranh với những dãy núi cao của xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) lại có một trang trại trồng rừng kết hợp với chăn nuôi mà chủ nhân lại là một phụ nữ, nguyên là thanh niên xung phong (TNXP) sau chiến tranh.

Ký sự nhân vật

Chị Phạm Thị Kim Anh nơi trang trại nuôi heo, bò ở thôn Thiết Trường, thị trấn Mộ Đức.

Chủ nhân của trang trại, chị Phạm Thị Kim Anh, nói: “Hồi mới lên đây hoang vắng vô cùng. Có lúc đêm nằm nghĩ quẩn, nói dại mình lỡ trúng gió chết cũng không ai hay. Nhưng mình đâu có đường lui. Đã quyết định lên đây thì phải cố gắng trụ cho được trên đất này”.

Kiện tướng đánh tranh

Nhà chị có năm chị em, bốn gái, một trai nên hồi còn nhỏ cha đã tập tành cho các chị em công việc của đàn ông. Rồi sau đó, cha bảo đi cày là chị vác cày, hụ trâu ra đồng cày hết đám này đến đám khác. Nhà dột thì chị em đi cắt cây cỏ tranh rồi cha bày cho cách đánh tranh lợp nhà. Năm 1976, đất nước vừa thống nhất, tỉnh tuyển TNXP lên xây dựng nông trường mía Nghĩa Hành. Chị có mặt ngay trong tốp đầu tình nguyện.

Trên đó là đất đôi hoang, hố bom chi chít. Thanh niên toàn tỉnh tập trung về đến tám đội, mỗi đội trên 200 người. Trong tốp thanh niên xây dựng lán trại, cô Sáu (chị Kim Anh) và chị Nguyễn Thị Hồng ở xã Phổ Cường nổi danh với biệt tài một tay đánh tranh để cánh thanh niên lợp hết thảy 30 lán trại của TNXP trong đội.

Từ vùng đất bom mìn, hoang hóa, tất cả cùng nhau khai hoang, san lấp hố bom. Lao động vô cùng cực nhọc, ăn uống đạm bạc nhưng ai nấy đều vui. “Hồi đó, sức trẻ nên mưa nắng là thế và cả sốt rét rừng là thế; thoảng trong lúc san lấp hố bom còn đụng phải bom lép nổ có anh chị thương vong nhưng có mấy ai bỏ về quê. Đêm từng đêm sinh hoạt văn nghệ, tiếng hát vẫn vút cao sau mười năm, sức trẻ đã biến thành cánh đồng mía xanh bạt ngàn”, chị Anh kể.

Cũng từ những ngày đội nắng, đội mưa, chị Anh cũng như nhiều thanh niên xung phong hồi đó đã tạo lập được một mái ấm cho riêng mình. Ba đứa con của chị ra đời trên đất nông trường như thế. Nhưng rồi theo thời gian, nông trường giải thể. Vợ chồng chị tất tả quay trở lại quê. Cuộc sống khó khăn hơn, rồi vợ chồng lục đục dẫn đến một kết cục đáng buồn là cả hai chia tay nhau. Chị lại một thân một mình nuôi ba con nhỏ.

Câu hát trên rừng Dông Cụt

Một thoáng lắng lòng, chị Anh kể: “Từ hồi chia tay ảnh, mình mở quán bán tạp hóa. Nhưng rồi, quê nhà nghèo khó, tiền vốn chẳng nhiều mà bà con lại thiếu chịu quá nhiều nên chẳng thể “trụ” được. Thế là mình nghĩ cái nghiệp của mình là nông dân thêm kinh nghiệm của 14 năm sáu tháng làm TNXP gắn bó với đồi rừng thì chỉ còn cách lên đồi rừng khai hoang, trồng mì, trồng mía, nuôi heo, nuôi bò mới thuận. Thế là mình cùng cậu em trai út tự “xung phong” lên đất này và bắt đầu cuộc đời như hồi mới làm TNXP một lần nữa.

Hai chị em lại thay nhau phát quang bụi rậm đốt dọn rồi trồng khoai, trồng mì. Đôi bàn tay thời con gái đánh tranh lợp nhà cho toàn đội lại thêm một lần chẻ lạt, cắt tranh làm nhà, trát vách đất để có chỗ trú mưa , trú nắng. Vẫn những cơ cực đó, nhưng trước kia còn có chị em toàn đội để mà chia sẻ vui buồn, nay chị phải tự mình gánh vác, chịu đựng tất thảy. Những lúc khó khăn, sau khi thở dài chị lại động viên mình và tự hát câu hát ngày xưa “Năm nay, những bàn tay lấp hố bom xây cuộc sống...” Câu hát giữa đồi nắng cháy, giữa những đêm mưa rừng như xua tan sự cô đơn...

Nguyện suốt đời gắn bó với rừng

Trồng khoai trồng mì, rồi chị cũng mua được hai con bò làm giống sau đó nhân đàn lên tới 30 con. Rồi cũng từ tiền bán bò, chị mua heo giống về nuôi. Đàn heo có khi lên tới cả trăm con nên hai chị em chăm không xuể phải thuê bà con chòm xóm phụ giúp.

Trên triền đồi rộng 4,8ha vỡ hoang, ban đầu chỉ trồng mì, trồng chuối, sa pô chê nhưng cho giá trị thấp nên chị chuyển sang trồng cây lấy gỗ, cây keo nguyên liệu. Bây giờ, trên đồi đã được phủ xanh bởi hơn 1.000 cây xà cừ hơn mười năm tuổi và cánh rừng keo nguyên liệu xanh bạt ngàn.

Bây giờ, ba đứa con của chị đều đã trưởng thành, có gia đình riêng và được chị hỗ trợ vốn để làm ăn. Rồi chị cũng tìm được hạnh phúc cho riêng mình. Anh là bộ đội công tác ở Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, nhưng ngày nghỉ lại về vùng Dông Cụt cùng chị chăm sóc trang trại ngày thêm khang trang.

Năm ngoái, huyện Mộ Đức đầu tư làm đường lên khu vực Dông Cụt để phát triển kinh tế rừng ở khu vực phía tây huyện Mộ Đức. Một doanh nghiệp lên đây tham quan, muốn biến nơi này thành điểm du lịch sinh thái nên bảo chị Anh nhượng lại 4,8ha đất đồi rừng cho họ với giá 5 tỉ đồng, còn cây gỗ trên rừng thì chị khai thác. Lời đề nghị này đã làm nhiều thành viên trong gia đình chị suy nghĩ. Nhiều người bảo, chị giờ 56 tuổi, đã lên chức bà rồi nên cần nghỉ ngơi. Người cho rằng, với số tiền ấy cộng với số tiền tích lũy lâu nay, cô Sáu về thị trấn Mộ Đức mua đất làm nhà, làm quán dư sức. Nhưng chị cả quyết: “Đời mình gắn bó với núi, với rừng. Mình sống được là nhờ rừng nên không sang nhượng cho ai mà sẽ gắn bó với nó cả cuộc đời”…

bài và ảnh: Cẩm Thư

Năm 2012, chị Phạm Thị Kim Anh được bầu chọn là đại biểu TNXP của tỉnh Quảng Ngãi tham dự hội nghị Biểu dương TNXP làm kinh tế giỏi toàn quốc. Tại hội nghị chị vinh dự được báo cáo về kinh nghiệm phát triển chăn nuôi, trồng rừng.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/thoi-su/186928/nguoi-phu-nu-noi-trien-dong-cut.html